Nguyên thống đốc nói về chuyện bầu Kiên và tái cấu trúc ngân hàng

Theo GDVN

Năm 2012 là năm hoạt động khó khăn của các ngân hàng, câu chuyện tái cấu trúc đang diễn ra mạnh mẽ với hàng loạt vụ sáp nhập, giải thể của không ít ngân hàng...

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của các ngân hàng năm 2012 và cơ hội phát triển trong năm 2013?

Nguyên thống đốc nói về chuyện bầu Kiên và tái cấu trúc ngân hàng  - Ảnh 1
TS. Phạm Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Hoạt động ngân hàng năm 2012 cùng với doanh nghiệp là một năm khó khăn đặc biệt là lượng tiền cho vay ra lợi vốn, lợi nhuận thu vào ít dẫn đến thua lỗ. Cho vay ra bị ảnh hưởng do sức mua giảm, tồn kho trong khi đó các ngân hàng quản lý nguồn vốn cho vay lại không chặt chẽ, điều khoản không được đảm bảo, sức mua khó khăn khiến nợ xấu tăng lên. Cũng vì chính điều này khiến ngân hàng không dám cho vay làm cho các doanh nghiệp vi phạm quy chuẩn vay. Tất cả điều đó làm nên diện mạo năm 2012 là một năm khó khăn của các ngân hàng.

Bước sang năm 2013, hoạt động của các ngân hàng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng phần nào bởi nền kinh tế được dự đoán còn khó khăn nhưng sẽ có khởi sắc hơn. Điều này có được chính nhờ các nỗ lực từ việc khơi thông dòng tín dụng vào bất động sản, kéo giảm kỳ vọng lãi suất và lạm phát, và qua đó kích thích tạo cầu trở lại cho nền kinh tế.

- Năm 2012 câu chuyện tái cấu trúc hệ thống đã trở thành hiện thực khi nhiều ngân hàng giải thể, sáp nhập... vậy theo ông đâu là nguyên nhân chính của hiện tượng trên? Thời điểm này ngành ngân hàng tái cấu trúc có hợp lý không, thưa ông?

Năm qua chứng kiến hoạt động yếu kém của nhiều ngân hàng do những ngân hàng này chưa có chiến lược kinh doanh hợp lý khiến nợ xấu tăng nhanh. Cùng với một số ngân hàng không đủ điều kiện hoặc thiếu vốn trong kinh doanh để thua lỗ vì vậy việc sắp xếp tái cấu trúc lại ngân hàng là điều tất yếu lúc này.

Cũng cần phải nói đây là chủ trương chung trong việc tái cấu trúc ngân hàng, tái cấu trúc doanh nghiệp đó cũng là lý do để ta phải tái cấu trúc lại hoạt động các các ngân hàng trong lúc này. Trong đó đặc biệt là sắp xếp hệ thống lại các ngân hàng yếu kém. Vì thế tái cấu trúc ngân hàng lúc này là việc làm kịp thời để nâng cao hoạt động của các ngân hàng tránh nợ xấu và chậm thu hồi vốn như hiện nay.

- Năm qua chứng kiến sự biến động nhân sự xảy ra tại nhiều ngân hàng tiêu biểu là việc bắt bầu Kiên và hàng loạt CEO từ nhiệm tại ngân hàng ACB, ông nhận định thế nào về các vụ việc trên?

Sự việc một số ngân hàng thanh khoản yếu, một số ngân hàng yếu kém trong quản lý khiến nợ xấu tăng lên đặc biệt là việc ngân hàng ACB sau khi bầu Kiên bị bắt ban đầu nhiều người dân có tâm lý hoang mang đổ xô đi rút tiền nhưng cũng ngay sau đó, vụ việc được nhà nước tuyên bố bảo lãnh chi trả, nhờ đó giải quyết được vấn đề. Nhưng dẫu sao điều đó cũng ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng với các ngân hàng trong hoạt động tín dụng vay vốn. Từ đó khiến người dân ngại sử dụng các dịch vụ tín dụng, tiền gửi trong các ngân hàng do mất lòng tin.

- Cũng sau câu chuyên ở Ngân hàng ACB, người dân mới quan tâm đến dịch vụ Bảo hiểm tiền gửi (DIV) ông đánh giá như thế nào về vị trí và hoạt động của tổ chức này ở Việt Nam?

Đây là sợi dây an toàn cho đồng vốn gửi của người dân vào các ngân hàng, kể từ khi có Bảo hiểm tiền gửi, dịch vụ này cũng giúp chúng ta giải quyết một số các khâu như thu hút tiền trong dân, tăng tiền gửi tín dụng tại các ngân hàng. Ngay cả khi ngân hàng xảy ra vấn đề thoái vốn, bán cổ phiếu bảo hiểm tiền gửi cũng khiến khách hàng yên tâm hơn.

Bảo hiểm tiền gửi (DIV) là tổ chức đảm bảo các giá trị an toàn cho tiền gửi người dân, điều này tăng lòng tin trong người dân. Trong thời gian qua thì Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi (DIV) cũng đã phát huy được hiệu quả trong hoạt động.

- Theo con số thống kê năm 2012 lượng tiền kiều hối thu hút trong nước tăng 20%, đạt 10 - 11 tỷ USD đây là con số rất lớn, thưa ông những con số này nói lên điều gì?

Lượng tiền kiều hối về nó có ba lý do thứ nhất là đồng tiền của chúng ta, tỷ giá tiền trong nước với ngoại tệ tương đối ổn định thu hút lượng tiền kiều hối năm nay được tác động bởi yếu tố tỷ giá, tâm lý. Cái thứ hai là ở các nước lạm phát, không ổn định nhiều chúng ta dù sao cũng là nước ổn định hơn. Thứ ba là lượng tiền kiều hối đưa về ngoài việc giúp gia đình thân nhân người ta tạo điều kiện về vốn để làm ăn kinh tế cùng với đó lãi xuất ngân hàng, lãi xuất tín dụng ở Việt Nam cao hơn so với các nước. Chính vì vậy năm nay ghi nhận lượng tiền kiều hối vào nước ra tăng mạnh so với các năm.

Nếu đúng có số dự đoán năm nay lượng tiền kiều hối được 11 tỷ USD thì nó tương đương với số tiền FDI của chúng ta đây là lượng tiền rất lớn đảm bảo cung cầu ngoại tệ, cán cân thanh toán, cán cân ngoại tệ của chúng ta. Vì thế lượng tiền kiều hối đóng góp vai trò rất tốt lúc này.

- Ông nghĩ sao về phương án sử dụng nguồn tiền tại các ngân hàng để giải cứu thị trường bất động sản lúc này?

Hiện nay phương án “cứu” thị trường bất động sản mới đang được đưa ra để bàn bạc chưa có một kết luận gì, cũng như chưa có một thông báo chính thức nào. Vì thế thông tin nói nhà nước đem tiền trong ngân hàng ra giải cứu thị trường bất động sản, cho các doanh nghiệp bất động sản là không đúng. Thực chất tất cả mới đang được xem xét. Chỉ đến khi chính phủ đưa ra văn bản hướng dẫn cụ thể chúng ta mới nên bàn đến lấy tiền ở đâu để cứu bất động sản, lấy ở ngân hàng nào. Còn bây giờ vẫn chưa có gì cụ thể.

- Với vai trò thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Đông Á ông có thể chia sẻ đôi nét về hoạt động của Đông Á trong năm qua?

Riêng ngân hàng Đông Á trong năm qua dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng Ngân hàng Đông Á bằng những lợi thế của chất lượng trong kinh doanh, trong tiền gửi, trong thanh toán, chất lượng cho vay. Vì vậy Ngân hàng Đông Á vẫn đạt được những hiệu quả từ cho vay và thu hút tiền gửi theo kế hoạch vạch ra.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!