Nhà đầu tư ngoại rút vốn khỏi chứng khoán: Xử lý thế nào?

Theo nguoiduatin.vn

(Tài chính) Theo đánh giá của giới phân tích quốc tế thì thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường vẫn rất sôi động. Tuy nhiên, liên tiếp trong năm qua, nhất là những ngày cuối năm này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài được giới chuyên môn coi là "ông lớn", "đại gia" đã rút hàng triệu USD khỏi thị trường có nhiều "con gà đẻ trứng vàng".

Nhà đầu tư ngoại rút vốn khỏi chứng khoán: Xử lý thế nào?
Nhà đầu tư thông minh thường chọn thời điểm mức giá cổ phiếu đạt đỉnh cao để bán ra nhằm thu lợi nhuận khủng. Nguồn: internet

Sự khôn ngoan và bài học vàng

Mới đây, hai tổ chức đầu tư thuộc Dragon Capital (DC) là Vietnam Enterprise Investmen Ltd (quỹ VEIL) và Amersham Industries Ltd (thuộc quỹ Vietnam Growth Fund) cùng bất ngờ ra thông báo dự kiến bán cổ phiếu Vinamilk trong khoảng thời gian từ 11/12/2013 - 9/1/2014 theo phương thức thỏa thuận với lượng đăng ký tương ứng là 8,8 triệu và 4,6 triệu đơn vị.

Nếu thành công, thương vụ sẽ đem lại cho nhà đầu tư ngoại một khoản lợi nhuận “khủng” lên đến 1.900 tỷ đồng. Mặc dù chưa giao dịch nhưng đây là một tương lai gần được dự đoán là sẽ xảy ra, vì hai tổ chức nói trên chưa có tiền lệ tung tin “làm giá” trên thị trường nhằm trục lợi.

Trước đó, vào tháng 11/2013, một đại gia ngân hàng Singapore là OCBC đã bán toàn bộ 14,88% cổ phần cho ba nhà đầu tư Việt trị giá 55,5 triệu USD ở ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Thời điểm tháng 9/2013, giới đầu tư cũng khá bất ngờ khi cổ đông lớn nhất của tập đoàn FPT là Orchid Fund của Singapore quyết định bán ra hơn 29 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ của FPT trị giá 1.300 tỷ đồng sau chưa đầy 2 năm rót vốn. Một điều lạ là tất cả những cuộc rút vốn của nhà đầu tư ngoại đều rất êm thấm và không được tuyên bố lý do.

Nhận định về hiện tượng này, TS. Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết: "Hiện nay, có hai luồng dư luận trên thị trường chứng khoán Việt. Một là các nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài vẫn đổ hàng trăm tỷ đồng vào thị trường Việt Nam. Luồng dư luận khác xoay quanh thông tin và lo ngại trước việc rút vốn êm thấm, lặng lẽ và không rõ lý do của nhà đầu tư ngoại.

Tuy nhiên, cần xem xét thật kỹ căn nguyên của việc rút vốn. Nếu như các nhà đầu tư đã đạt được lợi nhuận mong muốn, hoặc tìm được thị trường nào tốt hơn, cũng có thể họ lo ngại những rủi ro từ thị trường hiện tại thì chuyện họ rút vốn ra là hết sức bình thường.

Việt Nam đã gia nhập WTO (tổ chức Thương mại thế giới) thì một thị trường mở cửa là tất yếu và chúng ta không thể cấm các nhà đầu tư ngoại vào tìm kiếm lợi nhuận". TS. Ánh nhấn mạnh: "Chúng ta đã có một bài học xương máu từ khủng hoảng kinh tế châu Á những năm 1997 - 1998 khi các nhà đầu tư ồ ạt đổ vốn rồi lại rút ra một cách nhanh chóng trong khoảng thời gian ngắn. Vấn đề này đòi hỏi các nhà quản lý, đặc biệt là quản lý thị trường chứng khoán phải có những phương pháp chặt chẽ, linh hoạt để tránh khủng hoảng".

Liên quan vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong phân tích: "Có một nghệ thuật kinh doanh mà các nhà đầu tư thường áp dụng là rút vốn và bán cổ phiếu khi mức giá trên thị trường chứng khoán đang ở thời điểm được cho là đỉnh cao. Phương án đó thể hiện sự khôn ngoan và là bài học vàng của nhà đầu tư giỏi. Đầu tư là gắn liền với rủi ro.

Việc "đại gia" Việt hay "đại gia" ngoại đầu tư thắng lợi hay thua lỗ là chuyện tất yếu của thị trường lên, xuống. Tuy nhiên, xác suất thất bại của nhà đầu tư Việt thường cao hơn là do đầu cơ ào ào, quyết định nhanh chóng, vội vàng và làm rất ẩu. Đó là một trong những bài học đắt giá nhất cho nhà đầu tư Việt. Chính bản thân ông Đặng Thành Tâm hay chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức đều đã thừa nhận một trong những nguyên nhân khiến mình "chết đứng" trên sàn chứng khoán 2012 là do kinh doanh đa ngành nghề”.

Cần cảnh giác với những tuyên bố

Đó là khẳng định của luật sư Trần Thu Nam, văn phòng Luật sư Tín Việt và Cộng Sự, đoàn Luật sư TP. Hà Nội khi trao đổi với phóng viên. Luật sư Nam cho rằng: "Bản thân nguyên nghĩa của chứng khoán đã là thị trường mở, bất cứ ai cũng có thể tham gia. Theo quy định, để được tham gia thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư không phân biệt nội, ngoại đã phải nộp một khoản phí thu nhập nhất định. Quá trình đầu tư, có lãi hay thua lỗ, họ có quyền rút vốn đầu tư, miễn là thực hiện đầy đủ các quy định về nộp thuế, phí và thực hiện các cam kết như đã thỏa thuận ban đầu".

Cũng theo vị luật sư này: “Chúng ta không thể ngăn chặn và không nên ngăn chặn khi họ đã tuân thủ đầy đủ những nguyên tắc đầu tư. Bởi sự ngăn chặn có thể gây phản ứng ngược và làm tăng lo ngại vấn đề đầu tư vào dễ mà rút ra thì khó, khiến số lượng đầu tư ngoại giảm mạnh, gây ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế thị trường".

Giải pháp tốt nhất để "ràng buộc" đầu tư nước ngoài là tăng ưu đãi cho nhà đầu tư bằng việc mở rộng chính sách khiến họ có thể để lại vốn hoặc tiếp tục tái đầu tư. Khi một nhà đầu tư nào đó nắm lượng lớn cổ phiếu của một công ty thì chúng ta phải hết sức cảnh giác với những tuyên bố. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư đã tung tin đồn để người chơi cổ phiếu bán ra ồ ạt rồi họ tìm cách mua lại để quay vòng lợi nhuận với mức lãi khủng. Vấn đề này đòi hỏi sự tỉnh táo và quyết đoán của nhà đầu tư trên "thương trường" chứng khoán.

Luật sư Nam khẳng định: "Nếu phát hiện có những hành vi thao túng thị trường hoặc đưa thông tin giả với mục đích “làm giá” cổ phiếu, chiếm lợi nhuận một cách không chính đáng thì có thể xử lý vi phạm hành chính hoặc có thể khởi tố hình sự tùy vào mức độ thiệt hại mà họ gây ra".  

Đọc vị mánh khóe của kinh doanh chứng khoán

Cuối tháng 2/2013, thông tin thất thiệt về một lãnh đạo ngân hàng bị bắt đã gây tác động tiêu cực đến thị trường tài chính. Theo đó, gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, trong đó 148 mã giảm sàn. Đây được đánh giá là mức giảm sâu nhất kể từ tháng 8/2012 sau vụ “bầu” Kiên bị bắt giam. Trong kinh doanh, mọi mánh khóe đều có thể xảy ra. Bởi thế, nhà đầu tư và người dân nên tỉnh táo và kiểm chứng cẩn thận trước khi đưa ra quyết định.