Nhà đầu tư phải linh hoạt như... “con tắc kè”

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Nhà đầu tư (NĐT) cần tạo cho mình lợi thế để có nhiều cơ hội chiến thắng và 3 chữ “M” là những thứ tối thiểu mà một NĐT cần phải trang bị.

 Nhà đầu tư phải linh hoạt như... “con tắc kè”
NĐT phải linh hoạt như con tắc kè mỗi khi xu hướng giá bị phá vỡ. Nguồn: internet
Đó là chia sẻ của ông Robin Ho, chuyên viên môi giới hàng đầu của Phillip Securities (Singapore) sau khi tìm hiểu thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Lợi thế từ 3 chữ “M”

Chữ “M” thứ nhất đó là “Method”, nghĩa là phương pháp. Mỗi NĐT cần lựa chọn cho mình một phương pháp riêng, vì không có phương pháp nào phù hợp cho tất cả.

Trước hết, NĐT cần sử dụng phân tích cơ bản xác định lĩnh vực nào và cổ phiếu nào đáng giá để đầu tư. Sau khi đã sử dụng phân tích cơ bản để lựa chọn cổ phiếu thì phân tích kỹ thuật sẽ giúp NĐT biết được khi nào mua, khi nào giữ và khi nào bán.

Về phân tích kỹ thuật, ông Ho chia sẻ, cá nhân ông “tin” vào “price action”, tức quan sát diễn biến của giá để xác định xu hướng. “Nhiều NĐT thua lỗ vì họ sử dụng các chỉ báo dài hạn để giao dịch ngắn hạn. Bản thân tôi cũng đã từng mắc sai lầm này”, ông nói.

Ông Ho cho biết, nhiều NĐT thường sử dụng các chỉ báo như Stochastic, RSI, MACD…, nhưng ông thì không, vì các chỉ báo này xác định một tín hiệu “Mua” hoặc “Bán”, nhưng để quyết định vị thế cho mình thì các NĐT sẽ gặp rủi ro cao. Trái lại, cái mà ông gọi là “chiến lược price action” cho phép NĐT có thể nhận biết xu hướng của giá trong ngắn hạn, thay vì phải đặt ra các giả định.

Thực tế, các công ty chứng khoán (CTCK) cũng như nhiều NĐT Việt Nam đã sử dụng phương pháp này, đó là dựa vào dữ liệu lịch sử của giá để vẽ ra các đường xu hướng, nhưng xác định được xu hướng chính xác không phải là dễ.

Chữ “M” thứ hai đó là “Money management”, tức NĐT phải có kế hoạch quản lý tiền một cách rõ ràng. Theo ông Ho, đa số NĐT muốn kiếm tiền nhanh, mua cổ phiếu hôm nay với kỳ vọng vài ngày tới giá tăng sẽ bán ra. Không may, thị trường đảo chiều và họ trở thành NĐT dài hạn bất đắc dĩ.

“Trong trường hợp này, NĐT phải biết được với khả năng tài chính hiện có của mình thì mức độ chịu lỗ là đến đâu, từ đó mới có thể ra quyết định cắt lỗ đúng thời điểm. Muốn làm gì thì cũng phải có kế hoạch”, ông Ho nói.

Sau khi đã có 2 chữ “M” nêu trên thì NĐT phải giữ tâm lý ổn định, tuân thủ chiến lược một cách nghiêm ngặt. Đó là chữ “M” thứ ba -“Mind”. Theo ông Ho, NĐT thường tham lam và sợ hãi. Vì thế, ngay cả khi đã có một phương pháp đúng nhưng nếu quá bị chi phối bởi lòng tham và nỗi sợ thì vẫn thất bại. Khó khăn nhất khi giao dịch là phải kiểm soát được tâm lý.

Vẫn theo ông Ho, NĐT phải linh hoạt như con tắc kè; nếu con tắc kè đổi màu cho phù hợp với những môi trường khác nhau thì NĐT cũng phải điều chỉnh mình mỗi khi xu hướng giá bị phá vỡ. Với một cổ phiếu đang trong xu hướng lên, nếu xuất hiện tín hiệu cho thấy xu hướng này bị phá vỡ thì ngay từ cái ‘break down’ (thời điểm cho tín hiệu giảm) đầu tiên, NĐT cần mau chóng bán ra một ít. Tương tự, nếu cổ phiếu trong xu hướng xuống thì NĐT cần mua vào một ít ngay từ cái ‘break up’ (thời điểm cho tín hiệu tăng) đầu tiên.

Đặc biệt, khi giá đang trong vùng đi xuống thì nhất quyết không mua, vì khả năng rất cao là giá sẽ xuống tiếp. Tương tự, nếu giá đang trong vùng đi lên thì nhất quyết không bán, chỉ hành động khi xu hướng bị phá vỡ.

Chứng khoán Việt sẽ tăng trưởng

Ông Ho cho biết, diễn biến trong lịch sử của VN-Index khá tương đồng với chỉ số Shanghai Composite Index (SCI) trên TTCK Thượng Hải (Trung Quốc).

“Hiện nay, cả 2 thị trường này đang đi ngang. Khi nào xu hướng này bị phá vỡ để đi lên hay đi xuống thì cần phải chờ”, ông Ho nói và cho rằng, những động thái mới của Trung Quốc cho thấy nước này có tham vọng trở thành trung tâm tài chính của thế giới, chứ không chỉ là công xưởng của thế giới như trước đây.

Dự báo, Trung Quốc sẽ từng bước nới lỏng chính sách để thu hút các NĐT, theo đó, TTCK Trung Quốc dần đi lên. Lúc đó, có thể kỳ vọng, TTCK Việt Nam cũng sẽ đi lên, dựa vào mối tương quan của 2 thị trường trong quá khứ.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang xem xét nới “room” cho các NĐT nước ngoài. “Khi chính sách mới này được ban hành, vốn của các NĐT nước ngoài sẽ chảy vào nhiều hơn, kích thích thị trường tăng trưởng”, ông Ho nhấn mạnh và cho biết, dự kiến, đầu năm tới, ông sẽ quay lại Việt Nam để chia sẻ về các chiến lược đầu tư.