Nhận diện cổ phiếu parabol

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

VN-Index đạt đỉnh 3 tháng gần đây tại 617,8 điểm vào ngày 6/11/2015 nhờ sự giúp sức của các cổ phiếu lớn như VNM, BMP, CTD… Kể từ đó đến nay, thị trường đi vào quỹ đạo điều chỉnh và dòng tiền chuyển hướng sang các cổ phiếu penny.

Nhìn chung 6 tháng qua, có khá nhiều cổ phiếu tăng giá rất mạnh, song hành với đó, cũng có khá nhiều mã sau chu kỳ tăng nóng đã điều chỉnh rất mạnh. Các mã biến động kiểu này được gọi là các “cổ phiếu parabol”.

Cổ phiếu Parabol là gì?

Theo ông Trần Khắc Minh, nhà tư vấn đầu tư tài chính độc lập, về lý thuyết, các cổ phiếu parabol thường tăng “nóng” trong một thời gian rất ngắn, đồ thị giá của các cổ phiếu này có thể dựng góc lớn hơn 45 độ hoặc dốc hơn, cá biệt có thể dốc trên 60 độ.

Tuy nhiên, khi cổ phiếu này điều chỉnh thì đường giá có thể quay về mức Fibonacci 50% - 61,8% tính từ mức hình thành giai đoạn tăng tốc Parabolic, đôi khi có thể xuống sâu hơn về mức 76-78%. Ngoài ra, các cổ phiếu parabol ban đầu giao dịch với thanh khoản bình thường, thậm chí thấp.

Sau giai đoạn đầu, thanh khoản sẽ tăng dần, đến cuối chu kỳ thanh khoản tăng vọt và thanh khoản sẽ đạt mức cao nhất khi giá đảo chiều đi xuống. Thông thường, các cổ phiếu parabol có mức tăng khoảng 200-300%, cá biệt có thể đạt hơn 400% so với mức đáy trước khi tăng tốc. Tất nhiên với các cổ phiếu theo dạng đó thì hầu hết sẽ điều chỉnh về mức giá cũ, thậm chí thấp hơn.

Nhận diện cổ phiếu parabol - Ảnh 1

Nhà đầu tư đu theo cổ phiếu parabol cũng giống như xem một bộ phim kinh dị tuyệt đỉnh. Khi phim đang chiếu, ai cũng thấy hấp dẫn và chăm chú vào màn hình, nhưng đến khi phim hết, tất cả ùa ra khỏi phòng và ai cũng muốn là người ra về đầu tiên.

Về lý thuyết, nhà đầu tư có thể kiếm tiền rất nhanh khi bám theo các cổ phiếu tăng nóng (giai đoạn 3 và 4, cổ phiếu tăng gấp đôi), tuy nhiên lúc nào cũng phải cảnh giác thời điểm rút lui.

Một số dấu hiệu đó là khi đường giá đã cắt đường MA20, đó là thời điểm nên rút lui, hoặc dấu hiệu thứ 2 là đường giá đã cắt đường MA50, lúc đó nhà đầu tư nên chốt lời hoặc cắt lỗ. Khi đầu tư vào các cổ phiếu đã tăng nóng trước đó, các nhà đầu tư luôn phải theo dõi chặt chẽ đồ thị hàng ngày.

Nhận diện cổ phiếu parabol - Ảnh 2

Ví dụ điển hình nhất cho cổ phiếu dạng parabol chính là cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam. Nếu nhìn GAS trong một khoảng thời gian đủ dài, sẽ thấy đồ thị của GAS là một hình parabol.

GAS đã tăng tốc từ 34.000 đồng/cổ phiếu lên 120.000 đồng/cổ phiếu (gấp gần 4 lần) chỉ trong vòng 2 năm, đặc biệt ở thời điểm cuối năm 2013, đầu năm 2014, GAS tăng rất nhanh, đồ thị giá gần như dựng đứng.

Tuy nhiên, khi giá dầu giảm sâu từ 100 USD/thùng xuống 40 USD/thùng vào cuối năm 2014, cổ phiếu này rơi nhanh, hiện chỉ còn 45.000 đồng/cổ phiếu và chưa biết ngày nào mới quay lại thời kỳ đỉnh cao trước đây.

Nếu xét trong khoảng thời gian 3 tháng trở lại đây, VNM, BMP, DQC, TMT, DQC là các cổ phiếu được chú ý nhiều. Chú ý vì đây là các cổ phiếu cơ bản tốt, đã có thời điểm tăng rất mạnh trong năm, nhưng sau đó điều chỉnh giảm mạnh không kém.

Thông thường, các cổ phiếu tăng nóng là các cổ phiếu đầu cơ, thị giá thấp hoặc trung bình, nhưng trong thời gian vừa qua, các cổ phiếu tăng mạnh đều là các cổ phiếu thị giá cao, nhờ vào hiệu ứng từ quyết sách thoái vốn khỏi 10 DN lớn của SCIC.

“Sóng SCIC” bắt nguồn từ khi Chính phủ chấp thuận cho SCIC được thoái vốn khỏi VNM, NTP, BMP, FPT,… dự kiến SCIC sẽ thu về được khoảng 4 tỷ USD sau khi thoái hết vốn tại các công ty này. Hầu hết 10 cổ phiếu mà SCIC sắp thoái vốn đều đã cạn room, nên cộng hưởng với kỳ vọng nới room tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP sắp thành hiện thực, nhà đầu tư hào hứng mua mạnh các cổ phiếu này.

Nhận diện cổ phiếu parabol - Ảnh 3

Tuy nhiên, tác động mạnh nhất đến giá VNM phải nói đến tin đồn Tập đoàn đồ uống Singapore Fraser & Neave (F&N) đặt vấn đề sẽ mua lại cổ phần của VNM với giá 4 tỷ USD ngày 2/11/2015. Mặc dù ngay hôm sau, F&N đã gửi công văn đính chính cho Sở GDCK Singapore phủ nhận tin đồn này, song cổ phiếu VNM vẫn tăng phi mã sau đó.

Hai tuần sau thông tin trên, VNM tăng một mạch từ 117.000 đồng/CP lên 140.000 đồng/CP (mức tăng gần 20%), khối ngoại thỏa thuận nội khối 13,5 triệu cổ phiếu VNM trong giai đoạn này (1.830 tỷ đồng). Tuy nhiên sau đó, Vinamilk giảm một mạch xuống còn 123.000 đồng/CP.

Đối với 2 cổ phiếu nhựa, BMP tăng 39% trong 3 tháng và 76% trong 6 tháng; NTP tăng 40% trong 6 tháng, FPT tăng 22% trong 3 tháng, TMT có thời điểm đạt mức tăng 85% từ 35.000 đồng/CP lên 65.000 đồng/CP, nhưng hiện giảm về còn 51.000 đồng/CP. Các cổ phiếu này đều là các cổ phiếu cơ bản tốt, nhưng hiện đang có dấu hiệu điều chỉnh và bị bán liên tục.

Ngoài ra, một số cổ phiếu có dấu hiệu điều chỉnh sau một thời gian tăng nóng phải kể đến DHM, HAX, ELC, VSI, CMV, VID, NKG, SVC…

Đánh giá về các cổ phiếu này, bà Nguyễn Mai Phương, Giám đốc Nghiên cứu CTCK Maritime cho rằng, các cổ phiếu tăng khá mạnh trong thời gian vừa qua như VNM, BMP, CTD… có đặc điểm chung là DN có hoạt động cơ bản rất tốt, được hỗ trợ bởi thông tin kết quả kinh doanh quý III, triển vọng quý IV tốt và SCIC thoái vốn.

Sau đợt tăng mạnh, các cổ phiếu này hầu hết đã chạm tới mức định giá hợp lý. Giá hiện nay mới chỉ điều chỉnh khoảng 10% so với đỉnh. Bà Phương cho rằng, các cổ phiếu này cần giảm về mức giá hấp dẫn hơn, mới thu hút được dòng tiền đầu tư.

Còn theo ông Cao Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích Công ty Quản lý quỹ IPAAM, các cổ phiếu có cơ bản tốt sẽ thu hút sự chú ý của dòng tiền dài hạn (nhà đầu tư mua và nắm giữ), nếu xuất hiện các câu chuyện hấp dẫn và có sự tham gia của dòng tiền đầu cơ, các cổ phiếu này sẽ tăng rất nhanh và mạnh, nhưng đi kèm với đó luôn là áp lực chốt lời lớn, vì các nhà đầu tư nắm giữ tại vùng giá thấp sẽ sẵn sàng chốt lời khi xu hướng trung hạn đảo chiều.

Những cổ phiếu đang trên đà tăng nóng

Giai đoạn này, thị trường bắt đầu phân hóa mạnh, dòng tiền đầu cơ đang tìm kiếm cơ hội sinh lời tại các cổ phiếu penny. OGC, JVC, PVX, các cổ phiếu trước đây bị “vùi dập” thì hiện tại tăng giá rất mạnh. Đặc biệt, OGC tăng trần liên tục sau khi công bố kết quả quý III lãi 1.500 tỷ đồng sau thương vụ thoái vốn tại công ty con.

TNT tăng từ 7.000 đồng/CP lên 23.400 đồng/CP; TTF tăng từ 10.000 đồng/CP lên 24.500 đồng/CP; VCS tăng từ 30.000 đồng/CP lên 70.500 đồng/CP, cổ phiếu này được hỗ trợ rất mạnh từ tin kết quả 9 tháng lãi ròng 320 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm.

CTD tăng từ 75.000 đồng/CP lên 150.000 đồng/CP sau 6 tháng, nhờ hàng loạt hợp đồng thực hiện cho các dự án của Vingroup, 9 tháng đầu năm, CTD vượt kế hoạch năm 12%, EPS đạt 9.299 đồng/CP. BHS tăng từ 12.000 đồng/CP lên 21.500 đồng/CP sau thương vụ sáp nhập NHS…

Với các cổ phiếu này, nếu nhìn vào đồ thị, nhà đầu tư sẽ thấy đà tăng dựng đứng và chưa biết lúc nào là đỉnh. “Đu” theo cổ phiếu nóng hay không là quyền của mỗi nhà đầu tư, nhưng với tình hình hiện tại, các chuyên gia cho rằng, việc đu bám tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.