Nhận diện “điểm nghẽn”, gợi mở những động lực mới…

PV.

Trước bối cảnh kinh tế vĩ mô đang dần phục hồi và có những tín hiệu tích cực, việc nhận diện những“điểm nghẽn” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định đối với nước ta trong giai đoạn hội nhập. Nó sẽ trở thành yếu tố góp phần gợi mở động lực mới cho nền kinh tế, đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững.

Động lực phát triển đã bão hòa?

Kinh tế đang trên đà phục hồi, song chất lượng tăng trưởng thấp do duy trì mô hình cũ quá lâu và việc cần làm bây giờ chính là cần tìm ra được những động lực mới hỗ trợ nền kinh tế phát triển. Vậy làm thế nào để tìm ra được những động lực mới... đang là vấn đề làm đau đầu không ít các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế.

Đánh giá lại tình hình thực hiện các mục tiêu của năm 2015 cũng như toàn bộ giai đoạn 2011-2015, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, chưa thể khẳng định nền kinh tế đã ổn định và phát triển, khi mà kinh tế giai đoạn vừa qua (giai đoạn 2011-2015) tăng trưởng chỉ 6,5%. Mức này còn thấp hơn 5 năm trước. Điều này chứng tỏ động lực phát triển đã bão hòa và cần tới một đột phá mới.

Thực vậy, trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam bị đánh giá thấp về thể chế, sự phát triển của thị trường tài chính, khoa học công nghệ... Năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế, nguyên nhân do thiếu hoặc khó tiếp cận các nguồn lực. Trong khoảng 800.000 doanh nghiệp đăng ký chỉ có khoảng 500.000 đang hoạt động, trong khi không có những tập đoàn lớn, đủ sức hội nhập quốc tế.

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam lại tiềm ẩn khá nhiều rủi ro như: đà phục hồi kinh tế chưa vững chắc, khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, chính sách cải thiện môi trường đầu tư còn chậm triển khai, số lượng doanh nghiệp giải thể lớn, nợ xấu chưa được giải quyết triệt để...

Xem xét động lực tăng trưởng kinh tế qua ba hướng, đó là theo ngành, theo khu vực kinh tế và theo đầu vào, GS., TS Ngô Thắng Lợi – Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Vẫn còn nhiều bất hợp lý khi xem xét động lực tăng trưởng kinh tế. Động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chỉ là các ngành dựa trên công nghệ sử dụng nhiều lao động, chủ yếu là gia công lắp ráp. Khu vực kinh tế tư nhân cũng đang gặp rất nhiều khó khăn và khó có thể trở thành “chỗ dựa” cho tăng trưởng kinh tế xét theo khu vực kinh tế.

Còn về yếu tố năng suất tổng hợp lại có vai trò quá yếu trong đóng góp vào tăng trưởng kinh tế theo góc độ đầu vào. Ngành nông nghiệp thì bị suy giảm gây “hậu quả kép” về động lực tăng trưởng theo ngành. “Sự giảm sút về lượng vốn đầu tư và hiệu quả đầu tư thấp cũng đang là một trong những “điểm nghẽn” lớn kìm hãm tăng trưởng kinh tế”, GS., TS Ngô Thắng Lợi nêu quan điểm.

Cần tới những động lực phát triển mạnh hơn!

Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP… Để có thể đạt được những mục tiêu trên, giới chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần thiết phải tìm ra động lực phát triển mạnh hơn, hướng đến việc thực hiện mô hình tăng trưởng kết hợp cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

“Quan điểm định hướng điều chỉnh sẽ điều chỉnh động lực tăng trưởng”, nhấn mạnh điều này, GS., TS Ngô Thắng Lợi cho rằng: Bên cạnh việc dựa trên yêu cầu của mô hình tăng trưởng mới, việc điều chỉnh các yếu tố động lực tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020 cần phải hướng tới khắc phục những bất hợp lý về động lực tăng trưởng hiện hành, để có được những yếu tố cấu thành tăng trưởng hợp lý nhất.

Theo đó, vốn vẫn được coi là động lực tăng trưởng cần đẩy mạnh hơn và phải có chính sách thích hợp nhằm khơi thông các nguồn vốn. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và hiệu quả, giai đoạn 2016-2020 cần có một lượng vốn đầu tư lớn hơn và một cơ cấu vốn đầu tư hợp lý hơn so với giai đoạn 2011-2015.

Yếu tố năng suất tổng hợp cũng vậy, phải được xem là động lực tăng trưởng lớn nhất theo góc độ cấu trúc đầu vào và cần có chính sách đột phá cho phát triển khoa học công nghệ, thu hút bồi dưỡng nhân tài để phát huy động lực này.

Còn về khu vực tư nhân thì theo GS., TS Ngô Thắng Lợi, khu vực này cần phải được xác định là động lực tăng trưởng chủ đạo trong các khu vực kinh tế và cần tăng cường chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Bên cạnh các động lực trên, giới chuyên gia còn đề xuất cần thiết phải đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp thế hệ thứ 2 và coi đó là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất xét theo góc độ cấu trúc tăng trưởng theo ngành và cần có các chính sách phát triển các ngành này. Nông nghiệp cũng cần tiếp tục được xác định là động lực tăng trưởng theo ngành với chức năng tạo lan tỏa cho các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển và cần tăng cường các chính sách phát triển nông nghiệp. Đồng thời, bảo đảm cho các vùng kinh tế trọng điểm thực sự là động lực tăng trưởng nhanh và có chính sách hợp lý cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh của các vùng trọng điểm...