Nhập siêu: Cần đổi mới tư duy chính sách

PGS., TS. Bùi Tất Thắng

(TCTC) Nhập siêu được cho là hiện tượng bình thường và cần thiết để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc phân tích những nguyên nhân nhập siêu ở Việt Nam cho thấy cần có sự đổi mới tư duy chính sách để nhập siêu thật sự đạt được hiệu quả.

Đặc điểm tình hình nhập siêu của Việt Nam
Việt Nam là một nước nhập siêu truyền thống. Trừ năm 1992 có mức xuất siêu 40 triệu USD; thì Việt Nam chưa bao giờ có xuất siêu, mức nhập siêu ngày càng tăng, và  tăng rất nhanh từ năm 2002 đến nay. Riêng năm 2007 và nửa đầu năm 2008, mức nhập siêu tăng đột biến.  Đáng chú ý là, trong lúc Việt Nam nhập siêu, hầu hết các nước trong khu vực đang xuất siêu, thậm chí xuất siêu lớn (Năm 2006, Thái Lan xuất siêu 1% GDP; Singapore xuất siêu 24,5% GDP, Malaysia xuất siêu 19,6% GDP, Brunei 51,1% GDP. Trong số những nước nhập siêu, chỉ có Việt Nam là có mức nhập siêu lớn (năm 2007, nhập siêu của Việt Nam ở mức trên 20% GDP). 
Một đặc điểm khác là Việt Nam nhập siêu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khá cao, nhưng chỉ số tăng giá tiêu dùng (lạm phát) cũng cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời kỳ 2002-2007 luôn ở mức cao (từ 7-9%), năm 2007 là 8,48%, chỉ đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
Mức lạm phát của Việt Nam năm 2007 là 12,6%, cao gấp 2 lần năm 2006 (6,6%); 8 tháng đầu năm 2008 tăng 21,65% so với 12/2007 và 28,32% so với cùng kỳ năm 2007. Lạm phát thời điểm  tháng 8/2008 so với năm 2000 đã hơn 150%.  Những nước có mức lạm phát cao hơn Việt Nam trong khu vực thời gian qua (năm 2007 so với năm 2000) là: Mianma: 3,5 lần; Indonesia và Lào: hơn 1,7 lần; những nước lạm phát cao nhưng thấp hơn Việt Nam gồm: Philippines: gần 1,4 lần và Hàn Quốc: hơn 1,2 lần.
Như vậy, từ 2007 đến nay, nhập siêu và lạm phát tăng đột biến, trong khi tăng trưởng GDP vẫn duy trì ở mức khá, có thể chỉ chậm lại từ nửa cuối năm 2008 và dự kiến sẽ kéo dài xu hướng này tới ít nhất là hết năm 2009.

 

Nhập siêu: Cần đổi mới tư duy chính sách - Ảnh 1


Một số vấn đề rút ra qua phân tích các nguyên nhân nhập siêu
Đã có nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề nhập siêu. Có thể tóm tắt là: nhập siêu tự nó không tốt cũng không xấu. “Xấu” và “tốt” của nhập siêu tùy thuộc vào nội dung nội tại của nhập siêu cũng như những bối cảnh cụ thể, chính sách cụ thể, tình hình tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô cụ thể. Vì vậy, cần phân tích những nguyên nhân xác thực của nhập siêu để có kết luận thỏa đáng và từ đó, nếu thấy cần thiết thì tìm giải pháp cho những tình huống cụ thể. Sau đây là một số ý kiến về các cách giải thích nhập siêu.
Nhập siêu và việc tiến hành công nghiệp hóa
Các nhà kinh tế đều biết một cách lập luận đã thành "phổ thông" biện hộ cho tình hình nhập siêu ở những nước đang phát triển đang trong thời kỳ công nghiệp hóa. Đó là, các nước đang phát triển thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu thiết bị...; nay vì (và để) công nghiệp hóa, phải nhập máy móc thiết bị, công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, trong lúc giá cả các loại thiết bị này cao, mà các nước đang phát triển chỉ xuất khẩu nông phẩm và khoáng sản thô (tùy điều kiện cụ thể của từng nước), giá cả lại thấp, nên nhập siêu là lẽ đương nhiên. Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, nên nhập siêu không có gì phải lo lắng.
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ nhập siêu dưới góc độ để đạt mục tiêu công nghiệp hóa, sẽ thấy còn một số vấn đề nổi cộm sau:
Về thời gian cần thiết để công nghiệp hóa
Nhập siêu là cần thiết và tích cực để đạt mục đích công nghiệp hóa, nếu thời gian nhập siêu để công nghiệp hóa không quá dài, và nếu công nghiệp hóa đi liền với hiện đại hóa đạt được những kết quả "không thể nghi ngờ".
Vậy bao nhiêu năm thì được coi là dài? Như thế nào thì được coi là công nghiệp hóa đạt kết quả rõ rệt?
Ai cũng biết, trong thế kỷ trước, một số nền kinh tế đã trở thành "mới công nghiệp hóa" trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục: 30 - 40 năm (có tài liệu cho là 25-30 năm). Hàn Quốc từ lúc bắt đầu tái thiết nền kinh tế đến khi gia nhập OECD mất khoảng 40 năm. Trong khoảng thời gian ấy, Hàn Quốc cũng là nước gần như luôn nhập siêu. Thế nhưng, Hàn Quốc đã hoàn thành công nghiệp hóa, với mức GDP/người năm 1996 khoảng 6.500 USD được thế giới công nhận (gia nhập OECD tháng 12/1996).
Việt Nam tuyên bố tiến hành công nghiệp hóa từ 1960 (Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ III), đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Quá trình công nghiệp hóa  có thể chia 3 giai đoạn theo bối cảnh lịch sử như sau:
- 15 năm chiến tranh (1960-1975): hoàn cảnh lịch sử đã hạn chế những thành quả công nghiệp hóa.
- 10 năm công nghiệp hóa trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung (1976-1986): sai lầm chủ quan duy ý chí đã hạn chế những thành quả công nghiệp hóa.
- 21 năm công nghiệp hóa trong thời kỳ đổi mới (1987-2008): đổi mới tư duy, công nghiệp hóa theo mô hình "hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu ở những khâu có hiệu quả".
Hơn 50 năm thực hiện công nghiệp hóa, Việt Nam vẫn đang ở "bước đi ban đầu" và đang nỗ lực vượt mốc nước có thu nhập thấp trước thời hạn GDP/người năm 2007 của Việt Nam là 835 USD. Kết quả như vậy, thiết nghĩ chưa thể được xem là thành công.
Về cơ cấu nhập khẩu: Nhập siêu loại hàng gì?
Bảng 1 cho thấy trong xu hướng chung là nhập siêu, chỉ các mặt hàng thô hoặc sơ chế mới có mức xuất siêu, còn các mặt hàng chế biến hoặc đã tinh chế, trong đó có máy móc, phương tiện vận tải và phụ tùng nhập siêu. Nhìn qua, đúng là cơ cấu này đã ủng hộ cho lập luận nhập siêu để công nghiệp hóa.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là, giá trị tuyệt đối của xuất siêu sản phẩm thô hoặc mới sơ chế cũng tăng nhanh, trong lúc nhập khẩu máy móc thiết bị chỉ chiếm khoảng 2/3 mức nhập siêu. Một xu hướng cho thấy tình hình công nghệ và trình độ công nghiệp hóa được cải thiện chậm.
Nhập siêu từ đâu?
Các số liệu cho thấy, cán cân thương mại của Việt Nam với các nước OPEC là cân bằng; xuất nhập bằng nhau; với EU, Mỹ, Nhật Bản và Úc, Việt Nam luôn có xuất siêu, nhất là với Mỹ, EU và Úc. Riêng với Nhật Bản, mức xuất siêu có ít hơn và có năm nhập siêu chút ít từ nước này. Trong khi đó, Việt Nam lại nhập siêu rất lớn từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Hàn Quốc. Điều này cho thấy, những nước Việt Nam nhập siêu không phải là nước có “công nghệ nguồn”.
Những phân tích trên cho thấy, lập luận nhập siêu để đổi lấy công nghiệp hóa ở Việt Nam thời gian qua chưa thuyết phục.
Nhập siêu và FDI
Một lập luận khác cho rằng, nhập siêu là do lượng FDI vào nhiều, họ mang vào đầu tư và ghi là nhập khẩu nên khối lượng nhập khẩu nhiều, không có gì đáng ngại. Cũng đúng là như vậy. Nhưng ta hãy xem, FDI nhập nhiều hay trong nước nhập nhiều?
Theo số liệu ở Bảng 2, khu vực FDI, nếu kể cả xuất khẩu dầu thô thì luôn xuất siêu. Nếu trừ phần xuất khẩu dầu thô, mức độ nhập siêu sẽ không quá nhiều. Trong khi đó, mức nhập siêu từ khu vực trong nước rất cao, luôn vượt cả mức nhập siêu của cả nền kinh tế (vì trên số liệu, được bù lại đúng bằng phần xuất siêu của khu vực FDI, tính cả xuất khẩu dầu mỏ).
Như vậy, nhập siêu ở Việt Nam có thể chịu tác động bởi nhân tố FDI, nhưng khó có thể khẳng định chủ yếu là do FDI gây ra. Trên thực tế, cũng không ít nước có FDI lớn vẫn không nhập siêu, thậm chí xuất siêu lớn. Ví dụ điển hình là Trung Quốc láng giềng.

 

Nhập siêu: Cần đổi mới tư duy chính sách - Ảnh 2


Nhập siêu và sự tác động của giá cả thế giới
Còn một lập luận khác nữa lại cho rằng, nhập siêu ở Việt Nam là do tác động của giá cả thế giới vừa qua tăng cao. Về lý thuyết điều này là đúng. Thế nhưng, những số liệu thống kê lại cho thấy không hoàn toàn như vậy. Bảng 3 cho thấy, thời gian qua, chỉ số giá xuất khẩu và chỉ số giá nhập khẩu đều cùng tăng, nhưng mức tăng của chỉ số giá xuất khẩu luôn lớn hơn mức tăng của chỉ số giá nhập khẩu. Nghĩa là theo tương quan này, Việt Nam được lợi từ sự tăng cao của chỉ số giá
Tóm lại, việc xem xét kỹ hơn các nguyên nhân biện hộ cho nhập siêu của  Việt Nam cho thấy: (i) Mức nhập siêu cao của Việt Nam không phải được đổi bằng sự thành công mỹ mãn của công nghiệp hóa; (ii) Nhập siêu của Việt Nam không phải chủ yếu do FDI mà chủ yếu do khu vực doanh nghiệp trong nước; (iii) Nhập siêu của Việt Nam không phải chủ yếu do giá thế giới tăng. Vậy, liệu có phải nhập siêu của Việt Nam có căn nguyên từ hệ thống chính sách hiện hành không?
Ở đây, chúng tôi đề nghị xem xét lại mô hình "vừa hướng về xuất khẩu, lại vừa thay thế nhập khẩu", hay nói cách khác là mô hình công nghiệp hóa kết hợp đồng thời giữa hai loại chính sách hướng về xuất khẩu và thay thế nhập khẩu? Về lý thuyết, xuất phát từ tính đồng bộ của hệ thống, chúng tôi cho rằng không có sự kết hợp hoàn hảo hay có hiệu quả cùng lúc giữa hai mô hình này được. Thực tế cũng cho thấy,  mô hình "kết hợp hướng về xuất khẩu + thay thế nhập khẩu" lại chủ yếu nghiêng hẳn về thay thế nhập khẩu. Do đó, theo chúng tôi, đây chính là lý do đã hạn chế những thành quả công nghiệp hóa (trong đó có nhập siêu mà vẫn ở thời kỳ đầu công nghiệp hóa) ngay trong giai đoạn đổi mới vừa qua.
Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy, các nền kinh tế mới công nghiệp hóa cũng trải qua những mô hình chính sách công nghiệp hóa khác nhau (hướng về xuất khẩu và thay thế nhập khẩu), nhưng đó là sự thay thế lẫn nhau qua thời gian, chứ không phải đồng thời theo kiểu song hành như chúng ta hiện nay.

 

Nhập siêu: Cần đổi mới tư duy chính sách - Ảnh 3


Các chính sách chống nhập siêu và triển vọng
Thời gian qua, Nhà nước liên tục đưa ra hàng loạt các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, chống nhập siêu, chấp nhận điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch về tăng trưởng theo hướng hạ thấp chỉ tiêu so với trước.
Được nhắc đến nhiều nhất là Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP ngày 17/4/2008 của Chính phủ "Về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững", bao gồm trong đó 8 nhóm giải pháp, có thể tóm tắt một số điểm quan trọng như sau:
1. Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, bao gồm việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường; kiểm soát chặt tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng, nhưng phải đảm bảo tính thanh khoản; giảm dần lãi suất huy động theo hướng thực hiện lãi suất thực dương.
2. Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả chi tiêu công, với việc giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách; cắt giảm, sắp xếp lại vốn đầu tư từ NSNN; chấn chỉnh hoạt động đầu tư của các tập đoàn kinh tế nhà nước; tiết kiệm bình quân 10% chi phí hành chính; phấn đấu vượt dự toán thu ngân sách 2008.
3. Tập trung sức phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, bảo đảm cân đối cung cầu về hàng hóa.
4. Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, giảm nhập siêu thông qua: Cải cách hành chính, giảm chi phí cho DN để nâng cao sức cạnh tranh;  Tăng cường các giải pháp khuyến khích sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu, thúc đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ và du lịch; Điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá phù hợp với chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu; Tăng thuế xuất khẩu than và dầu thô; tăng thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số hàng tiêu dùng không thiết yếu: ô tô, hàng điện tử, điện lạnh, xe máy, rượu, bia.
5. Triệt để thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng
6. Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu và gian lận thương mại, kiểm soát việc chấp hành pháp luật nhà nước về giá
7. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, mở rộng việc thực hiện các chính sách về an sinh xã hội
8. Đẩy mạnh công tác thông tin và tuyên truyền; tạo sự đồng thuận;
Tám nhóm giải pháp nêu trên có thể hiểu như loại chính sách cả gói, đặt chống nhập siêu trong tổng thể chung: ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên chống lạm phát.
Với tinh thần khẩn trương, tích cực triển khai ngay từ tháng 4/2008, mấy tháng nay, mức lạm phát có giảm, mức nhập siêu cũng giảm, và mức tăng trưởng cũng đã giảm. Nhiều ý kiến cho rằng toa thuốc đã linh nghiệm. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến tranh luận rằng, cần có thêm thời gian để khẳng định tính linh nghiệm của các giải pháp nêu trên, bởi có thể thời gian tới đây, ngay cả khi lạm phát được kiềm chế, thì vẫn còn những vấn đề của thời kỳ "hậu lạm phát" phải giải quyết. Đó là tình trạng tăng trưởng kinh tế có thể suy giảm, kéo theo vấn đề công ăn việc làm và thu nhập đối với giới lao động, vấn đề trả nợ vay ngân hàng đối với giới kinh doanh, v.v... Thậm chí cũng không loại trừ khả năng là chưa thể "xiết cổ" ngay được nạn lạm phát trong thời gian ngắn trước mắt.
Riêng đối với nhiệm vụ hạn chế nhập siêu, hiện tượng giảm nhập siêu mấy tháng qua có thực sự là kết quả của cơ cấu lại sản xuất và các chính sách đồng bộ trợ giúp cho công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu, đặc biệt là chính sách tỷ giá có lợi cho việc xuất khẩu hay chưa, có lẽ vẫn đang còn là câu hỏi lớn!