Nhiều tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán

Theo Báo Hải quan

(Tài chính) Bức tranh kinh tế đang xuất hiện nhiều điểm sáng, đây được cho là tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán hồi phục và khởi sắc ngay trong trong quý II và những quý tiếp theo.

 Nhiều tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán
Bức tranh kinh tế đang xuất hiện nhiều điểm sáng và là tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán hồi phục và khởi sắc. Nguồn: Internet
Sau khi các ngân hàng tiến hành hạ lãi suất huy động về mức 6%/năm, nhiều công ty chứng khoán cũng rục rịch điều chỉnh giảm lãi suất cho vay giao dịch kỹ quỹ (margin). Cụ thể, từ ngày 15/5, lãi suất margin tại Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) được điều chỉnh giảm từ 16,5%/năm xuống còn 15%/năm.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) và Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng điều chỉnh lãi suất margin xuống còn lần lượt 0,041%/ngày (tương đương 15%/năm) và 0,046%/ngày (tương đương 17%/năm). Dự báo trong những ngày tới sẽ có thêm nhiều công ty chứng khoán hạ lãi suất margin.

Động thái hạ lãi suất này được xem là tín hiệu tích cực để thị trường chứng khoán đón đầu dòng vốn rẻ. Bởi theo lẽ thường, khi lãi suất tiết kiệm hạ, kênh tiết kiệm không còn là nơi trú ẩn hấp dẫn cho dòng tiền nhàn rỗi, do vậy nhiều người sẽ rút tiền tiết kiệm để đầu tư vào các kênh khác, trong đó có chứng khoán. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thạch Lân – Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán MHB (MHBS) việc dòng tiền chảy vào chứng khoán mạnh đến đâu còn tùy thuộc vào diễn biến của thị trường trong thời gian tới.

Nhận định về xu hướng của dòng tiền đầu tư trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán  SJC (SJCS) Huỳnh Anh Tuấn cho rằng kênh đầu tư vàng hiện rủi ro rất lớn do chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế, lãi suất tiết kiệm giảm trong khi thị trường bất động sản vẫn chưa khởi sắc trở lại.

Trong khi đó, có nhiều doanh nghiệp (DN) có mức trả cổ tức 12 – 15% (cao hơn lãi suất ngân hàng), mà giá cổ phiếu chỉ dưới 10.000 đồng, đây chính là cơ hội cho những người cầm tiền. Tuy nhiên niềm tin của nhà đầu tư hiện rất yếu, do kết quả kinh doanh quý I của các DN đa phần vẫn là thua lỗ hoặc sụt giảm lợi nhuận. Để giải quyết những hoài nghi này của nhà đầu tư thì bản thân các DN niêm yết cần phải tốt lên.

Hiện, các DN đang có nhiều lợi thế để khôi phục sản xuất và phát triển trở lại trong thời gian tới như việc hạ lãi suất sẽ giúp giảm chi phí tài chính cho DN; triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho bất động sản; thành lập công ty mua bán nợ quốc gia… “Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, khoảng và cuối quý II đến giữa quý III, những chính sách này sẽ cho thấy hiệu quả tích cực. Khi đó, xu hướng dòng tiền sẽ dịch chuyển mạnh vào thị trường chứng khoán” – Ông Tuấn nhận định.

Một tín hiệu tích cực nữa của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây chính là sự gia tăng số lượng nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo số liệu thống kê,  tính đến ngày 30/4, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã cấp mã số giao dịch cho 16.238 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 14.184 nhà đầu tư cá nhân và 2.054 nhà đầu tư tổ chức.

Đáng chú ý, chỉ trong hai tháng 3 và 4/2013, đã có tới 180 mã số giao dịch được cấp mới, tăng vọt so với thời gian dài trước đó. Cùng với đó, chỉ trong quý I/2013, giá trị giao dịch của khối ngoại tại thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt tới 4.100 tỷ đồng, vượt tổng mức thu hút ròng của cả năm 2012.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, việc nhà đầu tư nước ngoài tham gia mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam xuất phát từ hai lý do chính. Đó là nhiều nước trên thế giới đưa ra các gói kích thích kinh tế khiến cho tiền mặt trở nên dư thừa hơn và dòng vốn đầu tư sẽ có xu hướng chuyển đến các thị trường mới nổi hứa hẹn mức tăng trưởng cao, trong đó có Việt Nam.

Thêm vào đó, thị trường chứng khoán trong năm 2013 được dự báo sẽ có một kịch bản sáng sủa hơn cùng với kỳ vọng về sự khởi sắc dần của nền kinh tế. Quan sát của ông Huỳnh Anh Tuấn cũng cho thấy, dòng tiền của khối ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa dừng lại. Nếu các chính sách hiện nay được thực hiện tốt và tình hình kinh doanh được cải thiện thì dòng tiền này sẽ càng ngày càng lớn.

Tuy nhiên, VCBS đánh giá động lực để thị trường có thể tái diễn kịch bản tăng mạnh như trong quý I là không nhiều, nhưng cũng ít khả năng thị trường sẽ giảm sâu trong thời gian tới. Theo đó, xu hướng chính của thị trường trong quý II là tích lũy và giằng co quanh vùng giá hiện tại trong khi chờ đợi các thông tin hỗ trợ mới rõ nét hơn từ phía nền kinh tế.