Nhiều vấn đề nhạy cảm của ngân hàng sẽ được "lột tả"

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Lĩnh vực ngân hàng luôn được xem là nhạy cảm, các vấn đề được “lột tả” trong mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) sẽ thu hút nhiều người quan tâm, nhất là giới đầu tư.

Nhiều vấn đề nhạy cảm của ngân hàng sẽ được "lột tả"
Vấn đề cổ tức được dự báo sẽ làm “nóng” mùa ĐHCĐ năm nay. Nguồn: internet
Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, kỳ ĐHCĐ thường niên của ngân hàng năm nay sẽ được tổ chức sau Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, sớm hơn so với những năm trước, với tâm điểm là cổ tức và thay đổi nhân sự cấp cao.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, sở dĩ năm nay ngân hàng tiến hành đại hội sớm hơn gần 2 tháng so với mọi năm (dự kiến trong tháng 2/2014) là do ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu và cần xin ý kiến cổ đông để đẩy mạnh việc hoàn thành các mục tiêu còn lại. Để thực hiện được các mục tiêu này, cần phải có tiềm lực tài chính, tức tăng vốn điều lệ. Vì thế, nội dung chính được trình bày tại ĐHCĐ của ngân hàng là kết quả đạt được sau gần 2 năm tái cơ cấu và trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm khoảng 2.000 tỷ đồng trong năm nay.

Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank cho hay, khả năng ĐHCĐ của ngân hàng năm nay cũng sẽ được tổ chức sớm hơn 1 tháng so với năm ngoái. Tuy nhiên, việc chốt ngày tổ chức đại hội cũng như các nội dung trình cổ đông đang được HĐQT xem xét và lên kế hoạch.

Năm qua, tuy không đạt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra ở mức 400 tỷ đồng (ước chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch), nhưng NamA Bank vẫn thực hiện chính sách chi trả cổ tức cho cổ đông. Cổ tức của NamA Bank một năm trước đó là 4,47 - 9% tùy cổ phần bình quân năm của cổ đông nắm giữ, nhưng tỷ lệ cổ tức cao nhất (9%) thuộc về cổ đông nhỏ lẻ.

Vấn đề cổ tức được dự báo sẽ làm “nóng” mùa ĐHCĐ năm nay, vì phần lớn ngân hàng có kết quả kinh doanh năm qua không đạt như kỳ vọng, chỉ hoàn thành 50 - 60%.

Nhiều chủ nhà băng cho biết, khả năng ngân hàng sẽ không chi cổ tức, mà dành để trích lập dự phòng rủi to tín dụng. Chẳng hạn, SCB đã trích dự phòng rủi ro năm 2013 lên đến 3.000 tỷ đồng. OCB cũng trích dự phòng xấp xỉ với mức lợi nhuận trước thuế đạt được, hơn 300 tỷ đồng.

Chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2014 được các nhà băng cân nhắc một cách thận trọng. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, với tình hình của năm 2014, kế hoạch lợi nhuận sẽ khó đột biến so với năm vừa qua. OCB dự kiến, mục tiêu lợi nhuận năm nay ngang bằng mức thực hiện năm 2013, là 320 tỷ đồng. 

Sacombank cũng khiêm tốn đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 3.000 tỷ đồng cho năm 2014, chỉ cao hơn 200 tỷ đồng so với năm 2013. Theo lãnh đạo Sacombank, mục tiêu lợi nhuận này cũng đòi hỏi sự nỗ lực lớn của tập thể CBNV Ngân hàng.

Bên cạnh vấn đề cổ tức, tăng vốn điều lệ, lợi nhuận…, việc thay đổi nhân sự cấp cao tại một số ngân hàng được dự báo cũng sẽ thu hút được sự chú ý của cổ đông trong kỳ đại hội lần này. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, nhiều khả năng bộ máy lãnh đạo cấp cao của Sacombank sẽ có sự thay đổi trong ĐHCĐ sắp tới.

Tương tự, tại một ngân hàng cổ phần lớn khác, nhiều khả năng ghế “nóng” HĐQT của nhà băng này sẽ được thay thế cho người kế nhiệm. Ngoài ra, các ngân hàng nhỏ, yếu kém, hoạt động không hiệu quả những năm qua, nhưng chưa thực hiện tái cơ cấu sẽ là một trong những tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư trong mùa đại hội 2014.

Đồng thời, vấn đề “gọi” vốn ngoại để nâng cao năng lực tài chính trong quá trình tái cấu trúc, nhất là với các nhà băng nhỏ đang cần tăng vốn, cũng sẽ được không ít ngân hàng trình cổ đông trong mùa đại hội thường niên diễn ra sau Tết Nguyên đán.

Mùa ĐHCĐ năm nay của ngành ngân hàng được đánh giá sẽ có nhiều điểm tích cực khi nhiều ngân hàng đã và đang thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý được phần lớn nợ xấu và trích dự phòng đầy đủ…

Tuy nhiên, với lĩnh vực ngân hàng luôn được xem là nhạy cảm, các vấn đề được “lột tả” trong mùa ĐHCĐ sẽ thu hút nhiều người quan tâm, nhất là giới đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.