Nhiều yếu tố hỗ trợ ổn định tỷ giá

Theo Chí Kiên/Chinhphu.vn

Quan sát diễn biến tỷ giá những tháng đầu năm 2018 cho thấy, tỷ giá VND/USD có thời điểm giảm hoặc tăng nhẹ nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Phân tích thị trường cho thấy, tháng đầu năm 2018 tỷ giá VND/USD tiếp tục giảm, khi ngày 2/1/2018 Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức 22.426 đồng (giảm 5 đồng). Vietcombank niêm yết ở mức mua vào 22.675 đồng và bán ra 22.745 đồng.

Đặc biệt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, tỷ giá VND/USD theo xu hướng giảm. Ngày 1/2, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ ở mức 22.436 đồng, đến ngày 25/2 giảm còn 22.228 đồng. Giá USD tại các ngân hàng đồng loạt giảm 10 - 40 đồng. Tại Vietcombank, giá USD của ngân hàng này niêm yết giao dịch ở mức mua vào 22.770 đồng, bán ra 22.840 đồng. Tỷ giá tại Eximbank giảm 40 đồng, xuống mức mua vào 22.730 đồng, bán ra 22.830 đồng. Tuy nhiên, kết thúc tháng 2, tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.431 đồng vẫn thấp hơn 5 đồng so với ngày đầu tháng.

Tuy vậy, theo dự báo của các chuyên gia nhóm nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered, tỷ giá sẽ ở mức 22.650 đồng vào quý II/2018 và 22.600 đồng/USD.

Những ngày đầu tháng 3 tỷ giá có dấu hiệu tăng trở lại nhưng sự kiểm soát và thị trường không có biến động. Ngày 1/3, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm VND/USD là 22.473 đồng/USD, tăng 10 đồng so với phiên ngày trước đó. Sau nhiều phiên tăng, giảm đến ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức 22.450 đồng (giảm 11 đồng). Sáng nay, một số ngân hàng thương mại giảm tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ hôm nay bớt 5 đồng so với phiên liền trước xuống phổ biến ở mức 22.720 đồng (mua) và 22.79 đồng (bán).

Trao đổi với thoibaonganhang.vn, một lãnh đạo Vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước cho biết, phân tích về tỷ giá phải xem tình hình thị trường và từ nhiều dữ liệu chứ chưa thể nói tỷ giá tỷ giá căng thẳng. Ví dụ năm 2017 Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất tới  3 lần thì nhiều người dự báo đôla Mỹ giá nhưng sau đó lại mất giá nên chưa thể biết được. Còn năm nay đưa ra thông tin Fed tăng lãi suất 3 lần nữa và đến nay thì chưa tăng lần nào mà tuần sau, ngày 20-21/3 họ mới họp để đưa ra quyết định.

“Năm ngoái tỷ giá VND/USD cũng nhiều phân tích lo ngại, nhưng lại giảm tới 9%”, vị lãnh đạo cấp vụ trên chia sẻ và ông cho rằng: Gần đây tỷ giá có tăng nhưng chẳng qua là trước Tết Nguyên đán giảm quá nhiều rồi và nay chỉ bằng mức giá của giờ này năm ngoái thì chưa có gì lo ngại.

Mới đây, chia sẻ về điều hành tỷ giá năm 2018, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: Trong năm 2018, tỷ giá và thị trường ngoại tệ có thể chịu áp lực từ khả năng cán cân thương mại có thể chuyển sang thâm hụt; lãi suất USD thế giới tăng; đồng USD mặc dù được một số tổ chức quốc tế dự báo giảm giá nhưng tiềm ẩn rủi ro biến động phức tạp do chịu tác động bởi nhiều yếu tố đan xen do tác động từ việc tăng lãi suất của Fed và lộ trình thu hẹp dần chính sách tiền tệ nới lỏng của các NHTW: ECB, Nhật...

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, thị trường trong nước tiếp tục được hỗ trợ từ các dòng vốn nước ngoài (FDI, FII, kiều hối…) vào Việt Nam nhờ kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, tăng trưởng ở mức cao so với thế giới, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, đặc biệt là kế hoạch bán vốn cho nước ngoài của một số TCTD và doanh nghiệp nhà nước.

“NHNN không chủ quan trước các diễn biến khó lường trên thị trường và sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để điều hành tỷ giá phù hợp, thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ CSTT để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều  kiện tăng DTNHNN phù hợp với điều kiện thực tế”, Phó Thống đốc nói về quan điểm điều hành tỷ giá.