Nhìn lại chính sách tiền tệ năm 2012 và một số vấn đề đặt ra cho năm 2013

ThS. Nguyễn Văn Thầy

Trong năm 2012, tình hình kinh tế - tài chính toàn cầu khó khăn, đã tác động sâu sắc đến kinh tế Việt Nam nói chung, trong đó có hoạt động của ngành Ngân hàng nói riêng. Trước bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý...

Nhìn lại chính sách tiền tệ năm 2012 và một số vấn đề đặt ra cho năm 2013
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Thành tựu năm 2012

Trên cơ sở mục tiêu tổng quát năm 2012 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt và đã đạt được một số thành tựu sau:

Một là, lạm phát được kiềm chế về một con số, song vẫn đảm bảo được tăng trưởng kinh tế hợp lý, từng bước tạo tiền đề cho việc tăng trưởng kinh tế bền vững trung và dài hạn. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2012 tăng 6,81% so với tháng 12/2011; tính bình quân chung trong năm 2012 tăng 9,21% so với năm 2011. Tăng trưởng GDP năm 2012 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 5,03% so với năm 2011 (mức tăng GDP từng quý trong năm 2012 như sau: quý I tăng 4,64%; quý II tăng 4,08%; quý III tăng 5,05%; quý IV tăng 5,44%) .

Một nguyên nhân quan trọng của thành quả kiềm chế lạm phát đó là, NHNN đã kiên trì chính sách điều tiết hợp lý của việc cung tiền. Năm 2012, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 22,4%, thấp hơn so với các năm trước đây (giai đoạn từ năm 2005 đến 2010: có mức tăng đều lớn hơn 20%). Nếu so sánh với việc tăng đầu tư từ ngân sách để kích cầu năm 2009 và mức tăng tín dụng cao năm 2009 (45,3%), cho thấy việc kiểm soát tiền tệ năm 2012 của NHNN là có kết quả, sau chuyển biến bước đầu của năm 2011.

Mặt khác, việc NHNN và Chính phủ nhất quán và kiên định cho mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, đã đáp ứng được ý nguyện của người dân và từng bước tạo tiền đề cho việc góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững trong tương lai.

Hai là, tính thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện và tăng cường, (i) Nếu như trong năm 2011 tỷ lệ cho vay/huy động vốn còn ở mức cao, từ mức 117% (tháng 01/2011) xuống còn ở mức 109% (tháng 10/2011, mức này xấp xỉ hai năm trước đó năm 2009 và năm 2010), thì đến năm 2012 tỷ lệ tín dụng/huy động vốn bằng VND ở mức khoảng 95%, (ii) Tiền gửi từ các tổ chức kinh tế từ tháng 04/2012 đến tháng 06/2012 có mức tăng âm so với đầu năm 2012 (tháng 4/2012 giảm -5,6%, tháng 5/2012 giảm -3,58%, tháng 6/2012 giảm -0,46%), sang tháng 9/2012 có mức tăng dương, cho thấy dấu hiệu phục hồi của các tổ chức kinh tế; mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quyết định giảm trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn các lần trong năm 2012 nhưng tiền gửi từ các tổ chức kinh tế tính đến tháng 9/2012 có mức gia tăng +3,19% so với đầu năm 2012 (iii) Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong năm 2011 có lúc lên đến 30%, thì trong năm 2012 lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh từ 10 - 11 %/năm.

Ba là, chính sách tiền tệ đang từng bước nâng cao niềm tin cho thị trường. Nếu như trước đây người dân quan tâm đầu tư vào vàng, ngoại tệ, bất động sản... thì nay chuyển sang đồng nội tệ VND gửi vào ngân hàng. Đến cuối năm 2012, tiền gửi bằng ngoại tệ của dân cư tại ngân hàng giảm trên 13% so với thời điểm cuối năm 2011, tiền gửi nội tệ VND của dân cư tại ngân hàng tăng 36%, cho dù mặt bằng lãi suất huy động nội tệ VND của các ngân hàng thương mại có giảm hơn trước rất nhiều (giảm từ 3 đến 6%/năm).

Trong lĩnh vực ngoại hối và tỷ giá, thị trường ngoại hối và tỷ gía ổn định, cùng với các giải pháp phù hợp khác của Chính phủ đưa ra, đã góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh; khuyến khích xuất khẩu. Thành công lớn trong năm 2012 đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu đó là, năm đầu tiên kể từ năm 1993 đến nay, Việt Nam xuất siêu xấp xỉ 0,3 tỷ USD (kim ngạch hàng hoá xuất khẩu năm 2012 đạt 114,6 tỷ USD, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu năm 2012 đạt 113,79 tỷ USD) đã góp phần tích cực trong việc cải thiện cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối.

Bốn là, lãi suất huy động và cho vay đã giảm xuống theo định hướng của NHNN; phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và lạm phát. Trong điều kiện nền kinh tế tăng trưởng chậm và lạm phát thấp, ngay từ đầu năm 2012 NHNN đã định hướng giảm lãi suất huy động và cho vay. Kết quả điều hành trong năm 2012 mức lãi suất huy động và cho vay giảm nhanh hơn dự kỉến của NHNN; lãi suất huy động giảm từ 3 - 6%/năm, lãi suất cho vay giảm 5 - 9%/năm so với cuối năm 2011. Việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay ở mức thấp là một trong những điều kiện làm giảm chi phí sản xuất - kinh doanh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Thách thức đặt ra cho năm 2013

Một là, thách thức lớn nhất trong năm 2013 là tập trung giải quyết vấn đề nợ xấu gia tăng. Theo kết quả kiểm tra của NHNN, nợ xấu tại thời điểm thanh tra là 8,82% tổng mức tín dụng của nền kinh tế, tương đương khoảng 250 nghìn tỷ đồng, trong đó 73% số nợ có tài sản bảo đảm, các tổ chức tín dụng cũng đã trích lập được khoảng 75 nghìn tỷ đồng quỹ dự phòng rủi ro.

Nợ xấu không phải mới phát sinh trong năm 2012, mà là hệ quả phát sinh và tích luỹ từ các năm trước đây, với nhiều nguyên nhân: do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài; mô hình tăng trưởng của Việt Nam chưa hợp lý, chưa đi vào chiều sâu và thiếu tính bền vững; kinh tế suy giảm (hàng tồn kho gia tăng, thất nghiệp tăng, số doanh nghiệp đóng cửa ngừng hoạt động tăng); yếu kém của các ngân hàng thương mại trong quản trị rủi ro; việc nới lỏng chính sách tài chính và chính sách tiền tệ trong các năm trước đây đã tạo điều kiện cho tín dụng ngân hàng tăng trưởng nhanh, bình quân tăng 30,6%/năm...

Nợ xấu gia tăng và kéo dài sẽ ảnh hưởng và tác động đến nền kinh tế: làm giảm vai trò trung gian tài chính của các ngân hàng; các doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn để tiến hành sản xuất kinh doanh; nguy cơ làm mất ổn định hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính; làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế...; đặc biệt nợ xấu gia tăng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách tiện tệ. Do đó, cần tập trung xử lý nhanh nợ xấu, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của Chính phủ, NHNN và các Bộ, ngành có liên quan trong năm 2013 và tiếp theo.

Hai là, tiến độ tái cấu trúc nền kinh tế nói chung, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nói riêng còn chậm so với kế hoạch đề ra. Mặc dù NHNN đã có nhiều cố gắng tích cực trong việc đề ra nhiều biện pháp thiết thực và đạt được nhiều kết quả khả quan trong việc thúc đẩy nhanh tiến độ quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhưng cũng còn gặp phải không ít khó khăn khách quan. Việc chậm tái cấu trúc nền kinh tế nói chung, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nói riêng theo chủ trương của các cấp, sẽ làm giảm hiệu quả trong việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Hệ thống các ngân hàng thương mại nếu được cấu trúc lại một cách an toàn, lành mạnh sẽ là kênh truyền dẫn có hiệu quả của chính sách tiền tệ NHNN nhằm góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế vĩ mô do Chính phủ đề ra.

Ba là, tuy lạm phát năm 2012 được kiềm chế và thấp hơn năm 2011, nhưng nền kinh tế vẫn còn đứng trước thách thức nguy cơ lạm phát quay trở lại trong năm 2013, do một số yếu tố tác động đến như: Hiệu quả đầu tư, năng suất lao động còn thấp so với các nước và việc cải thiện còn chậm; áp lực của nền kinh tế phải nới lỏng chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ để góp phần xử lý hàng tồn kho, thị trường bất động sản; giá thực phẩm tăng vào dịp tết âm lịch; việc thực hiện lộ trình giá thị trường của các doanh nghiệp giữ vị thế độc quyền (xăng dầu, điện, nước); giá thế giới có thể tăng lên khi các nền kinh tế lớn nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kích thích nền kinh tế; nếu tỷ giá không ổn định và nhập siêu trở lại, sẽ làm xuất hiện “nhập khẩu lạm phát”. Do đó cần có dự báo tình hình và phối kết hợp đồng bộ nhịp nhàng giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ trong việc góp phần kiềm chế lạm phát.

Các giải pháp cho năm 2013 và tiếp theo

Một là, giải quyết nợ xấu. Trong năm 2013 và tiếp theo cần tập trung xử lý, giải quyết được cơ bản vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng, từ đó sẽ khơi thông được dòng tín dụng/ổn định tính thanh khoản toàn hệ thống, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ. Để xử lý, giải quyết vấn đề nợ xấu một cách hiệu quả, cần quán triệt sâu sắc một số yêu cầu mang tính nguyên tắc và thực hiện giải pháp sau:

Giải quyết vấn đề nợ xấu, đồng thời với việc chú ý các biện pháp ngăn chặn nguy cơ tăng nợ xấu trong tương lai; xử lý, giải quyết vấn đề nợ xấu một cách tổng thể, tôn trọng kỷ cương, kỷ luật thị trường và đảm bảo thực hiện công bằng xã hội; xử lý, giải quyết vấn đề nợ xấu không gây áp lực tăng nợ Chính phủ; xử lý, giải quyết vấn đề nợ xấu không phá vỡ chính sách tiền tệ; xử lý, giải quyết vấn đề nợ xấu thông qua việc thành lập Công ty quản lý tài sản - nợ xấu, cần chú trọng việc quy định rõ nội dung hoạt động và phương thức phân bổ các khoản nợ xấu.

Ngoài việc các tổ chức tín dụng tự xử lý, giải quyết nợ xấu và xử lý các tài sản đảm bảo theo các cơ chế, chính sách của NHNN (xử lý tài sản bảo đảm để thanh lý nợ xấu, cơ cấu lại nợ với các hình thức thích hợp, trích lập đủ quỹ dự phòng rủi ro và sử dụng quỹ này để xử lý nợ xấu); thì vai trò của Chính phủ và NHNN trong việc đề ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ việc xử lý, giải quyết nợ xấu là cấp thiết. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế tài chính, hoàn cảnh giai đoạn cụ thể khác nhau, mà từng nước có các giải pháp phù hợp để xử lý, giải quyết nợ xấu. Bài học kinh nghiệm của các nước rút ra và giải pháp cho việc giải quyết nợ xấu của Việt Nam đó là: cần thực hiện nhanh, nhưng phải có lộ trình phù hợp, quy trình chặt chẽ và theo sự chỉ đạo tập trung của Chính phủ; NHNN và Bộ Tài chính là thường trực giúp Chính phủ giải quyết nợ xấu; giải quyết nợ xấu cần có nguồn lực tài chính; nguồn lực tài chính này có thể huy động nguồn vốn trong nước và từ nước ngoài để làm sạch các khoản nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của hệ thống các tổ chức tín dụng; thành lập Công ty mua, bán nợ; Chính phủ cấp vốn cho Công ty mua, bán nợ từ việc phát hành trái phiếu đặc biệt; nguồn trả nợ cho việc phát hành trái phiếu này từ tiết kiệm chi ngân sách, tránh việc sử dụng từ nguốn cung ứng tiền của NHNN, sẽ gây ra lạm phát trong tương lai; cho phép nhà đầu tư nước ngoài (nhà đầu tư chiến lược) tham gia đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng, kể cả việc thành lập doanh nghiệp mua bán nợ.

Hai là, đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng bao gồm các hoạt động: Giải thể một số ngân hàng yếu kém; tiến hành sáp nhập một số ngân hàng yếu vào ngân hàng khoẻ mạnh; củng cố tổ chức và hoạt động của các ngân hàng còn lại trong hệ thống. Muốn quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đạt hiệu quả cao nhất, thì đòi hỏi phải xây dựng và triển khai kế hoạch dài hạn và đồng bộ; bao gồm quy trình xử lý và xây dựng các kịch bản dự phòng khi xảy ra tình huống xấu, để sao cho trong quá trình triển khai thực hiện cấu trúc, hoạt động thanh toán và hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng không bị ảnh hưởng. Sau quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, phải đạt được mục tiêu: hệ thống ngân hàng sẽ hoạt động an toàn và hiệu quả hơn trước đó. Việc đẩy nhanh tiến độ quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, sẽ tạo niềm tin cho người dân, đồng thời nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, góp phần đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô đã đề ra trong từng thời kỳ.

Ba là, tăng cường sự phối kết hợp đồng bộ và nhất quán giữa chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ, cùng thực hiện mục tiêu chủ yếu trong năm 2013 do Quốc hội và Chính phủ thông qua, đó là lạm phát thấp hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn. Để đảm bảo tính ổn định của lạm phát, góp phần củng cố lòng tin thị trường, chính sách tài khóa được điều hành thận trọng, với liều lượng hợp lý trong việc thực hiện lộ trình giá thị trường của các doanh nghiệp giữ vị thế độc quyền (xăng dầu, điện, nước); trong đó chú trọng tới giải pháp giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá, kiểm soát giá (dịch vụ y tế, học phí giáo dục, nước..,), đồng thời phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giãn tần suất và biên độ tăng giá xăng dầu khi giá thế giới tăng; hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho… chú trọng nhiều hơn việc cải thiện nâng cao hiệu quả đầu tư của các doanh nhiệp Nhà nước, các công trình xây dựng cơ bản và các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, vì đây là nhân tố tác động mạnh nhất đến lạm phát; nâng cao chất lượng chính sách tài khóa, minh bạch công khai mọi nguồn ngân quỹ và hoạt động tài chính nhà nước.

Bốn là, tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật bảo đảm an toàn hệ thống; nhằm góp phần nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ.

Năm là, sự hỗ trợ từ Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương. Đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó chú trọng mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, có chọn lọc và tạo ra giá trị gia tăng lớn.