Nhìn lại một năm chống "vàng hóa"

Theo Thời báo Ngân hàng

Trong một thời gian dài, vàng không chỉ là loại hàng hóa đặc biệt, để cất trữ mà phần nào còn được sử dụng làm phương tiện thanh toán nhất là những khi lạm phát thường xuyên ở mức cao.

 Nhìn lại một năm chống "vàng hóa"
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng chính thức có hiệu lực từ 25/5/2012. Nhìn lại chặng đường một năm qua, dù có không ít sóng gió, nhưng những kết quả bước đầu cho thấy bước đi đúng đắn của Nghị định này.

Mở quá tay...

Trong một thời gian dài, vàng không chỉ là loại hàng hóa đặc biệt, để cất trữ mà phần nào còn được sử dụng làm phương tiện thanh toán nhất là những khi lạm phát thường xuyên ở mức cao. Nhưng, giao dịch vàng kể cả vàng trang sức lẫn vàng miếng của tư nhân bị cấm, cho đến năm 1993 - khi Chính phủ ban hành Nghị định 63/1993/NĐ-CP về quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng.

Theo Nghị định này quyền sở hữu hợp pháp về vàng của mọi tổ chức và cá nhân được thừa nhận. Tiến trình cải cách thị trường vàng Việt Nam tiếp tục khi đến tháng 12/1999, Chính phủ ban hành Nghị định 174/1999/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thay thế Nghị định 63/1993/NĐ-CP.

Với chính sách khá “mở” tính đến trước khi Nghị định 24 có hiệu lực, đã có 8 đơn vị tham gia sản xuất, gia công vàng miếng và hơn 12.000 cửa hàng kinh doanh vàng trên khắp cả nước. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) đủ điều kiện được phép kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, quy định cụ thể việc huy động vàng và cho vay bằng vàng...

Chính sách “mở”, trong khi lại có quá nhiều bộ, ngành cùng quản lý khiến cho việc quản lý không hiệu quả, nảy sinh nhiều bất cập, nhất là khi vàng miếng trở thành phương tiện thanh toán phổ biến, khó kiểm soát.

Hoạt động sản xuất vàng miếng của doanh nghiệp và TCTD đã tạo lượng cung đáp ứng nhu cầu thị trường, nhưng khi giá vàng thế giới biến động mạnh, nhiều đối tượng đã đầu cơ, làm giá, gây khan cung giả tạo, đồng thời tung tin tạo cơn sốt vàng.

Mỗi khi giá vàng trong nước chênh lệch, giá vàng thế giới cao thì một lượng ngoại tệ lớn lại bị những kẻ buôn lậu tuồn ra ngoài để mua vàng lậu về nước kiếm lời đã tạo sức ép lên tỷ giá trong nhiều năm. Điều này gây tác động tâm lý khiến người dân thay vì đầu tư, gửi tiết kiệm VND, đã tích trữ USD, vàng, gây sự lãng phí nguồn lực, tiền không chảy vào nền kinh tế, nhất là tác động không nhỏ về niềm tin VND đối với người dân.

Trong khi đó, Nghị định 174 lại không quy rõ trách nhiệm các bộ ngành đối với hoạt động sản xuất kinh doanh vàng miếng, dẫn đến “quả bóng” vàng bị các nhà vàng mặc sức tung hứng dẫn đến nhiều bất ổn cho thị trường này.

Rủi ro ba trong một

Cũng bởi sức hấp dẫn của vàng, trong các năm 2008 – 2009 các sàn giao dịch vàng vật chất nở rộ, và phát triển mạnh, trong khi Việt Nam chưa hề ban hành được bất kỳ quy định cụ thể nào để thống nhất tổ chức quản lý các sàn giao dịch vàng.

Đây chính là điểm mấu chốt khiến cho thị trường vàng đã xảy ra những biến động phức tạp, hỗn loạn trong giai đoạn 2009 - 2010. Các sàn giao dịch vàng tự đề ra quy chế giao dịch trong khi nhà đầu tư cá nhân đầu tư theo đám đông, chưa nhận biết rõ các rủi ro có thể gặp phải khi kinh doanh vàng trên tài khoản.

Đặc biệt, khi giá vàng trong nước phụ thuộc giá vàng thế giới, trong khi giá vàng thế giới lại liên tục biến động với biên độ lớn… Chính vì vậy, thời điểm đó đã xảy ra nhiều tranh chấp, khiếu kiện giữa nhà đầu tư và sàn vàng.

Và có thể nói sàn vàng ra đời được coi là đỉnh điểm của sự tự do giao dịch vàng và làm trầm trọng hơn xu hướng vàng hóa nền kinh tế khi vàng được coi là phương tiện thanh toán. Song cũng phải thừa nhận, những bất ổn xảy ra đối với thị trường vàng một phần do chính sách chưa bắt kịp thực tế.

Từ năm 2000, nhằm khai thác nguồn vốn nhàn rỗi trong dân đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển, NHNN đã ban hành Quyết định 432/2000/QĐ-NHNN cho phép các TCTD được huy động, cho vay vốn bằng vàng và chuyển đổi 30% nguồn vốn huy động bằng vàng sang VND. Và giai đoạn này các TCTD đã huy động nguồn lực vàng đáng kể chuyển đổi sang VND phục vụ nền kinh tế. Nhưng khi thị trường vàng biến động mạnh, quyết định này mới nảy sinh bất cập.

Hoạt động huy động, cho vay vàng và cho phép chuyển vàng thành VND làm gia tăng tình trạng đầu cơ vàng, củng cố tâm lý nắm giữ vàng trong nền kinh tế, tạo rủi ro cho các TCTD cũng như đối với chính người vay vốn bằng vàng.

Một chuyên gia ngân hàng phân tích, lý do vàng trở nên hấp dẫn trong thời điểm này: với người dân gửi vàng tại TCTD vừa an toàn lại được hưởng lãi suất. Còn các TCTD giá vốn đầu vào thấp, và họ chủ quan khi nghĩ rằng giá vàng sẽ ổn định nên đã cho khách hàng vay lãi suất chỉ 4% – 5%/năm với thời gian khá dài để hút khách. Khách hàng, nhất là những người có nhu cầu mua nhà luôn mong muốn thời hạn vay dài đã không ngần ngại vay vàng.

Và khi giá vàng bắt đầu nhảy múa, các TCTD đã phải trả giá cho số vốn vàng mà họ đã sử dụng trong thời gian qua. Huy động ngắn hạn cho vay dài hạn khiến các TCTD không chỉ bị rủi ro về kỳ hạn mà còn thiệt hại về giá khi giá vàng liên tục tăng.

Trong khi TCTD phải trả vàng đúng thời hạn cho khách hàng, buộc họ phải mua vàng với bất kỳ giá nào. Nhưng giá vàng tăng lại khiến không ít người vay vàng không trả nợ đúng hạn, gây ra nợ xấu và các TCTD tiếp tục chịu thêm rủi ro tín dụng. Việc TCTD đối mặt với các rủi ro trên đã hạn chế khả năng chuyển hóa nguồn vốn bằng vàng thành vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Diễn biến phức tạp của thị trường vàng cùng với cơ chế quản lý chưa phù hợp đã gây nguy cơ tiềm ẩn bất ổn kinh tế vĩ mô. Đây là lý do chính khiến NHNN trình Chính phủ ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, tổ chức sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng trong nước, nâng cao vai trò quản lý thị trường vàng của Nhà nước, đặc biệt ngăn chặn tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế.

“Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng không chỉ có ý nghĩa về thực tiễn mà qua đó thể hiện tư duy mới về quản lý thị trường của Nhà nước. Thay vì nhiều bộ ngành thì việc giao cho một cơ quan đầu mối quản lý đồng thời phân công phân nhiệm rõ ràng cụ thể vừa tránh sự chồng chéo cũng như không tạo kẽ hở pháp lý…”, một chuyên gia ngân hàng nhận định.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, sự ra đời của Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đánh dấu một sự thay đổi lớn về chính sách, với việc thực hiện chính sách mới này đồng thời với quá trình chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của các TCTD, không cho phép sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán nhằm xử lý vấn đề "vàng hóa" của nền kinh tế là bước đi đúng đắn.