Những cú "dằn mặt" đầu cơ

Theo VEF

Chứng khoán sụt giảm ở ngưỡng 500 điểm, vàng tụt dốc mạnh mất 2 triệu đồng/ngày khiến cho những ai có ý định chuyển hướng dòng tiền từ tiết kiệm sang đầu cơ phải run sợ.

 Những cú "dằn mặt" đầu cơ
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sự ra đời của hai quỹ đầu tư dạng mở là Quỹ đầu tư Bảo Thịnh (VFF) và Quỹ đầu tư trái phiếu MB Capital (MBBF) đã thu hút được sự quan tâm của không ít nhà đầu tư (NĐT). Rõ ràng trong bối cảnh thị trường hiện tại, chứng chỉ quỹ niêm yết không chỉ phù hợp với những NĐT có chiến lược đầu tư dài hạn, mà ngay cả các nhà đầu tư (NĐT) ngắn hạn, quỹ đầu tư dạng mở đang trở nên hấp dẫn khi giải quyết được những vấn đề khó khăn đối với quỹ đóng đó là thanh khoản và chênh lệch giữa giá trị tài sản thuần (NAV) với thị giá.

Bởi với quỹ mở, mỗi khi có thêm tiền được đầu tư vào quỹ, lại có một lượng cổ phiếu tương ứng được tạo ra phù hợp với giá cổ phiếu hiện hành. Ngược lại, mỗi khi một lượng cổ phiếu nhất định được quỹ mua lại thì một lượng tài sản tương ứng cũng được bán ra.

Theo cách thức này, không bao giờ có dư cung hay cầu đối với cổ phiếu quỹ đầu tư mở và chúng luôn phản ánh đúng giá trị của các tài sản gốc. Giá cổ phiếu quỹ, hay NAV, được tính toán bằng cách chia tổng tài sản của quỹ sau khi đã trừ đi các khoản nợ cho số cổ phiếu đang lưu hành.

Thêm một điểm tựa khác cho hoạt động quỹ mở là hành lang pháp lý - Thông tư 183/2011/TT-BTC. Theo đó, Thông tư hướng dẫn thành lập quỹ mở quy định, tần suất giao dịch tối thiểu cho công ty quản lý quỹ là 2 lần/tháng.

Công ty quản lý quỹ được quyền chỉ đáp ứng một phần lệnh mua, lệnh bán, lệnh chuyển đổi của NĐT trong các trường hợp: tổng giá trị các lệnh bán trừ tổng giá trị các lệnh mua tại ngày giao dịch chứng chỉ quỹ lớn hơn 10% NAV của quỹ; hoặc việc thực hiện toàn bộ lệnh giao dịch của NĐT dẫn tới NAV của quỹ xuống dưới 50 tỷ đồng và một số trường hợp khác quy định trong điều lệ quỹ.

NĐT Đặng Đình Hiệp cho biết, khi thực hiện giao dịch, công ty quản lý quỹ sẽ phải đền bù thiệt hại cho NĐT nếu định giá sai NAV. Trong đó mức sai ở đây được quy định là từ 0,75% NAV đối với quỹ trái phiếu và 1% NAV đối với các quỹ khác. Nếu NAV của quỹ giảm 50% so với mức huy động vốn ban đầu hoặc giảm xuống thấp hơn 30 tỷ đồng, công ty quản lý quỹ phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nếu NAV của quỹ giảm xuống thấp hơn 10 tỷ đồng trong 6 tháng liên tục, Công ty quản lý quỹ sẽ phải thanh lý tài sản để giải thể.

Với 2 quỹ mở mới ra đời, sự an toàn thêm rộng khi 2 quỹ này chọn kênh đầu từ trái phiếu là hướng đi chủ đạo. Nhìn lại năm 2012, lợi nhuận vượt bậc của kênh trái phiếu đã trở thành nét nổi bật của thị trường chứng khoán. Theo tính toán của Quỹ Bảo Thịnh, tỷ suất lợi nhuận đầu tư của kênh trái phiếu kỳ hạn 5 năm đang đạt 20,77%/năm, cao hơn hẳn so với mức tăng 17,6%/năm của VN-Index và 10,73%/năm của tiền gửi kỳ hạn.

Trong khi đó, đầu tư vào USD lỗ 0,96%/năm, còn đầu tư vào vàng chỉ lãi rất ít là 0,4%/năm. Chính vì vậy trong bối cảnh kinh tế khó khăn đầu tư trái phiếu được xem là lựa chọn ưu tiên vì tính an toàn và hiệu quả.

“Cơ cấu danh mục đầu tư của 2 quỹ rất tiềm năng, phù hợp với quan điểm các chuyên gia kinh tế khi khuyến cáo NĐT “chớ nên bỏ trứng vào trong một rổ”. Các quỹ này lại tuyên bố ngay trong điều lệ sẽ trả chứng chỉ lãi (lãi chứng chỉ quỹ) bằng lãi suất tiết kiệm 1 năm của HSBC mà không phải là lãi bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước. Chính vì vậy, chọn đầu tư vào quỹ mở là đầu tư đón trước việc lãi suất sẽ xuống”, một chuyên gia phân tích.

NĐT Đặng Đình Hiệp cho rằng, quan trọng hơn, lực hấp dẫn đến từ những công ty chuyên về tài chính hùng mạnh như HSBC hay MB đứng sau lưng quản lý và giám sát hoạt động những quỹ này. “Quỹ mở mới bắt đầu xuất hiện và hoạt động ở Việt Nam nhưng theo cảm tính của mình là đầu tư vào quỹ mở là hay nhất, đảm bảo an toàn nhất, mà lợi nhuận vẫn cao hơn”, một chuyên gia nhận định.

Tuy nhiên, NĐT cần cẩn trọng với vấn đề thông tin bất cân xứng khi tham gia quỹ mở, nhất là tới đây, các quỹ mở đầu tư cổ phiếu ra đời. Do có cơ chế tạo và mua lại, quy mô của quỹ mở thường xuyên thay đổi.

Bất cứ lúc nào NĐT đều có quyền yêu cầu công ty quản lý quỹ mua lại chứng chỉ quỹ mà họ đang nắm giữ, do vậy, công ty quản lý quỹ vừa phải duy trì một lượng tiền mặt nhất định trong cơ cấu tài sản của quỹ, vừa thường xuyên chủ động tái cơ cấu danh mục để có được lợi suất đầu tư cao nhất có thể. Chính vì vậy, NĐT không dễ gì biết được danh mục tài sản của quỹ tại mọi thời điểm mà chỉ biết được NAV do công ty quản lý quỹ công bố vào lúc tạo ra hay mua lại chứng chỉ quỹ của NĐT.