Những "điểm nóng" trên thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm

Theo bizlive.vn

(Tài chính) Đó có thể là những phiên giao dịch tạo nên dấu ấn, là phiên “xui” nhất trong lịch sử giao dịch, cũng có thể là một sự kiện được đông đảo nhà đầu tư chú ý hay cũng có thể là những thông tin có tác động nhất định tới giao dịch trên thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

1. VN-Index lập “đỉnh" trên 607,55 điểm

Với xu hướng tăng điểm mạnh mẽ trong khoảng 3 tháng đầu năm, VN-Index đã tiến lên trên mốc 600 và đạt đỉnh 607,55 vào phiên ngày 24/3. Tính đến nay mức này vẫn là “đỉnh” kể từ đầu năm dù VN-index rất nỗ lực chinh phục lại nhưng vẫn chưa đạt được.

Cụ thể, hiện chỉ số sàn TP. Hồ Chí Minh vẫn còn cách mức nói trên 18,2 điểm, tức là phải tăng thêm khoảng 3,1% nữa mới có thể vượt đỉnh.

2. Phiên giao dịch đạt khối lượng “khổng lồ” nhất

Ngày 20/2, một kỷ lục về khối lượng chứng khoán chuyển nhượng thành công trong 1 phiên được xác lập trên sàn TP. Hồ Chí Minh. Kết thúc phiên này, có tới 259.679.130 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được sang tay với tổng trị giá 4.031,64 tỷ đồng.

Năm 2013, khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên là 64,48 triệu đơn vị, tổng giá trị 1.060 tỷ đồng. Như vậy, mức khối lượng kỷ lục trên gấp hơn 4 lần so với khối lượng giao dịch bình quân của năm 2013.

Nhưng không dừng lại ở đó, phiên ngày 25/3, tức sau khi VN-Index lập “đỉnh” chỉ 1 phiên, sàn TP. Hồ Chí Minh lại thiết lập mức lịch sử mới về khối lượng giao dịch trong 1 phiên. Tổng cộng có tới 261.346.500 đơn vị, ứng với 5.065 tỷ đồng được mua bán thành công.

3. Thị trường chứng khoán và ngày xét xử đầu tiên “đại án” bầu Kiên

Tuy không giảm tới mức lịch sử nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) đã có phiên điều chỉnh không hề nhẹ trong ngày đầu tiên xét xử ông Nguyễn Đức Kiên và nhiều nhân vật liên quan khác trong ngành tài chính.

Cụ thể, phiên ngày 16/4, VN-Index đã giảm 11,8 điểm, tương ứng 2,01%, xuống 574,29 điểm. HNX-Index giảm 2,04% xuống 82,62 điểm. Với việc giảm mạnh giá của nhiều cổ phiếu, giá trị vốn hóa của 2 sàn mất tổng cộng 24.032 tỷ đồng, tương đương mất 1,14 tỷ USD.

4. Phiên “sập” thị trường và hiệu ứng giá rẻ

Sau 14 năm mở cửa, TTCK chứng kiến một phiên giao dịch tệ nhất. Ngày 8/5, VN-Index bị cuốn đi tới 32,88 điểm, tương đương 5,87% so với phiên liền trước. Chỉ số sàn HOSE từ mức 559,97 điểm trượt dốc xuống còn 527,09 điểm.

Tuy nhiên, trái ngược với sự sụt mạnh của chỉ số, thanh khoản phiên này lại tăng đột biến, gấp hơn 3 lần so với phiên trước đó, đạt 2.862 tỷ đồng. Nguyên nhân là do “thừa” thời cơ thị trường điều chỉnh mạnh nên nhiều nhà đầu tư đã “ùa” vào gom hàng, đặc biệt là khối ngoại. Cụ thể khối này đã có phiên mua ròng hơn 7,8 triệu đơn vị, với giá trị mua ròng lên tới hơn 243 tỷ đồng, gấp gần 5 lần giá trị mua ròng phiên hôm trước.

5. HOSE “triệu tập” các thành viên thị trường bàn cách nâng thanh khoản

Sau phiên giảm lịch sử, thị trường đã nỗ lực ghi điểm trở lại tuy nhiên dòng tiền vào chứng khoán lại khá chậm và yếu so với vài tháng đầu năm.

Trước tình hình này, ngày 6/6 HOSE đã tổ chức buổi hội thảo nhằm nâng cao tính thanh khoản cho thị trường với sự tham gia đầy đủ từ phía cơ quan quản lý, công ty chứng khoán, quỹ…

Nhiều “kế” đã được “hiến” nhằm cải thiện tình hình giao dịch trên thị trường, trong đó có bàn đến vấn đề lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng trên thị trường hiện khá hạn chế.

6. “Úp mở” về việc ra đời sản phẩm ETF “made in Vietnam”

Theo đó, trong quý III/2014, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ có sản phẩm ETF đầu tiên giao dịch. Thông tin này được bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc HNX đưa ra tại hội thảo Giới thiệu chứng chỉ quỹ ETF do Sở tổ chức diễn ra tại Quảng Bình, ngày 14/6.

Đây được xem một bước đi nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tăng tính thanh khoản trên thị trường, cũng như đáp ứng nhu cầu của đông đảo giới đầu tư, cả tổ chức và cá nhân trong, ngoài nước.

Cũng theo bà Lan cho biết, đã có một số tổ chức sẵn sàng giao dịch dựa trên chỉ số HNX30 và có 2 tổ chức muốn làm nhà tạo lập thị trường (AP) dựa theo chỉ số HNX30.

7. Nới room cho khối ngoại: 100% là lý tưởng nhất!

Thông tin nới room cho nhà đầu tư nước ngoài bắt được được châm ngòi từ lâu tuy nhiên đến nay độ “hot” của nó vẫn chưa hề giảm. Ngày 17/6 buổi tọa đàm với chủ đề Doanh nghiệp đã sẵn sàng mở room? thu hút đông đảo sự quan tâm và tham gia của giới đầu tư.

Qua buổi tọa đàm cho thấy xuất hiện hai thái cực khác nhau của các doanh nghiệp về việc nới room với một bên là “hoan hỷ” và một bên là “lưỡng lự” thậm chí có phần e ngại.

Nhìn nhận ở một góc độ  khác, ông Andy Ho, giám đốc điều hành Vina Capital cho rằng nếu được thì mở lên 100% là lý tưởng nhất. Nhưng ông cũng nhấn mạnh thêm thực ra việc nới room lên bao nhiêu không phải là vấn đề quan trọng nhất đối với TTCK và các nhà đầu tư, mà chính là quy mô, chất lượng hàng hóa và quản trị công ty…

8. Nhà đầu tư huyền thoại Marc Faber tới Việt Nam

Sự kiện này không chỉ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong nước mà còn cả quốc tế bởi ông là nhà tư vấn, đầu tư nổi tiếng với nhiều dự đoán, thương vụ trở thành huyền thoại.

Và tại Diễn đàn đầu tư 2014 tổ chức ngày 19/6 tại TP. Hồ Chí Minh, TS. Marc Faber đã có những chia sẻ thú vị trước đông đảo khách mời tham gia.

Ông cho rằng hiện Việt Nam là một trong số những thị trường hấp dẫn nhất. “Tôi đã và sẽ tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam”.

10. Mùa đại hội cổ đông - “nóng” chuyện M&A

Đến thời điểm này thì mùa đại hội cổ đông ĐHCĐ năm 2014 gần như đã khép lại. Có thể thấy, không phải vấn đề tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận hay chia cổ tức “khủng” nhất ở doanh nghiệp nào đó được chú ý trong mùa đại hội cổ đông 2014 mà chính là những thương vụ M&A mới là vấn đề “hot” nhất.

Đầu tiên không thể không kể đến câu chuyện sáp nhập Southernbank vào Sacombank (mã STB), vốn làm cho giới truyền thông có thời gian làm việc hết công suất. Tại ĐHCĐ của STB diễn ra vào cuối tháng 3, hàng loạt ý kiến bức xúc, chất vấn lãnh đạo nhà băng này về việc sẽ chung một nhà với  Southernbank.

Một cuộc “se duyên” khác đang được chú ý gần đây là việc Đường Ninh Hòa (mã: NHS) sáp nhập vào Đường Biên Hòa (mã BHS). Và tại ĐHCĐ cuối tháng 6 vừa qua, cổ đông Đường Biên Hòa đã thuận tình thông qua phương án “rước” nàng về dinh…

Không phải là những cuộc “nên duyên” lớn giữa hai doanh nghiệp với nhau nhưng trong mùa đại hội năm nay đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A dự án trong khối doanh nghiệp bất động sản.

Từ đại hội của Đất Xanh Group (mã DXG), Khahomex (KHA), Thuduchouse (TDH)… đều cho thấy việc thâu tóm dự án bất động sản đã và đang diễn ra rất sôi động. Và như phát biểu của lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành này thì hiện đang là thời điểm vàng để M&A các dự án bất động sản với giá hấp dẫn…