Những nhân tố kéo - đẩy giá vàng!

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Trong ngắn hạn, giá vàng được nhận định tăng hay giảm phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và khả năng xảy ra cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Syria.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhu cầu mua vàng trong các dịp lễ, tết cuối năm thường tăng cao, nhất là ở các quốc gia có sức tiêu thụ vàng vật chất lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam… Mãi lực vàng tăng được kỳ vọng là động lực góp phần đẩy giá mặt hàng kim loại quý này, cộng với nguy cơ chiến tranh tại Syria sẽ đốt nóng thị trường vàng, nếu Mỹ chưa cắt giảm QE.

Nhiều bệ đỡ

Chỉ còn hơn 1 quý nữa là kết thúc năm 2013. Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực vàng, đây là giai đoạn có sức mua vàng lớn nhất, cộng với yếu tố Syria sẽ tạo đà cho giá kim loại quý này tăng thêm. Khả năng vàng vượt qua ngưỡng 1.400 USD/ounce và tiến gần ngưỡng 1.500 USD/ounce là rất lớn. Thậm chí, dưới sự tính toán và dự báo của một số chuyên gia kinh tế thế giới, vàng còn có thể chạm tới cột mốc 1.600 USD/ounce trong quý còn lại của năm 2013 hoặc cao hơn một khi lò lửa nội chiến tại Syria bị quốc tế hóa và đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ chậm lại.

Sức cầu vàng thường có xu hướng tăng bắt đầu từ tháng 9 hàng năm, vì một số sự kiện quan trọng tại các quốc gia. Tại Ấn Độ, các nhà sản xuất đồ trang sức bắt đầu dự trữ vàng trước lễ hội Diwali vào tháng 10. Đây là một lễ hội tôn giáo quan trọng nhất của đất nước này. Mặt khác, tháng 9 cũng là tháng bắt đầu mùa cưới ở Ấn Độ. Các nhà sản xuất vàng dự trữ để đáp ứng cho nhu cầu lễ hội Ramzan ở các nước hồi giáo như Các tiểu vương quốc Ả Rập. Hơn nữa, nhu cầu vàng ở Trung Quốc có xu hướng tăng trong những tháng sau ngày 1/10 cho đến Tết Âm lịch.

Giá vàng thế giới đã tăng trở lại sau đợt điều chỉnh cuối tuần qua và đang tiến sát về ngưỡng 1.400 USD/ounce. Thị trường vàng được các chuyên gia nhận định đang đi vào giai đoạn lên giá và khả năng vượt mốc trên là hoàn toàn có thể.

Hiện tại, Syria được xem là hàn thử biểu mới cho giá vàng thế giới. Bên cạnh đó, diễn biến của giá vàng được đánh giá phụ thuộc nhiều vào khả năng Mỹ có thể cắt giảm gói QE3. Nếu quyết định này chính thức được đưa ra, đồng USD sẽ tăng giá và đẩy giá vàng giảm. Tuy nhiên, theo nhận định của bộ phận nghiên cứu kinh tế TienPhong Bank, để có thể cắt giảm QE, Fed phải có điều kiện cần là nền kinh tế Mỹ hồi phục một cách ổn định, do đó, các thông tin kinh tế Mỹ trong tháng 9 có vai trò quan trọng.

Ngoài ra, khả năng Mỹ tấn công quân sự vào Syria có thể tăng thêm vai trò “hầm trú ẩn” của vàng khi tình hình kinh tế - chính trị bất ổn. Mỹ từng có những tuyên bố rất mạnh việc trừng phạt Syria, nhưng cho đến nay chưa thể thực hiện tấn công quân sự vào nước này, cho thấy tính chất phức tạp của vấn đề.

Có thể thấy, có nhiều yếu tố được cho là bệ đỡ của giá vàng trong ngắn hạn. HSBC cũng đưa ra nhận định, vàng còn room tăng nữa nếu giá dầu tiếp tục tăng.

 

Sức nóng của vàng đến đâu?

Trong ngắn hạn, giá vàng được nhận định tăng hay giảm phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Fed và khả năng xảy ra cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Syria. Ngoài ra, các chính sách quản lý vàng của Ấn Độ và cuộc đình công của công nhân khai thác vàng ở Nam Phi nếu xảy ra cũng sẽ ảnh hưởng đến giá kim loại quý này.

Ngày 30/8, Commerzbank cho biết, cuộc bãi công của công nhân khai thác vàng Nam Phi có thể xảy ra, mặc dù có sự xuống thang của các công ty khai thác vàng, cho phép tăng lương thêm 6,5%, song tổ chức công đoàn đại diện cho quyền lợi của công nhân không chấp nhận điều kiện này.

Chuyên gia vàng cao cấp, ông Huỳnh Trung Khánh cũng cho rằng, khi giá vàng giảm xuống mức quá thấp, nhất là đợt giảm trong tháng 6 vừa qua đã khiến các quốc gia có thế mạnh sản xuất vàng, trong đó có Nam Phi xem xét lại việc có nên đẩy mạnh sản xuất hay không. Khi cung vàng hạn chế, lượng vàng cung ứng ra thị trường giảm tác động lên giá. Vì thế, việc giá vàng bật tăng trở lại sau khi giảm giá mạnh là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, theo ông Khánh, đối với mãi lực vàng vật chất, hiện nay trên thế giới có 2 thị trường tiêu thụ vàng vật chất lớn nhất là Ấn Độ và Trung Quốc. Nhưng với thị trường Ấn Độ, Chính phủ nước này thời gian qua liên tục tăng thuế nhập khẩu vàng, nhằm kiểm soát tình trạng thâm hụt cán cân vãng lai, khiến lượng vàng nhập khẩu vào Ấn Độ sụt mạnh. Các thông tin đưa ra cho thấy, dự báo vàng nhập khẩu quý III của Ấn Độ giảm một nửa, còn khoảng 150 tấn. Theo thông tin từ Reuters, Ấn Độ đang xem xét một kế hoạch triệt để chỉ đạo các NHTM trực tiếp mua vàng từ người dân và chuyển đến nhà máy tinh chế để nỗ lực hạn chế nhập khẩu vàng, nhằm làm cho đồng nội tệ bớt giảm giá. Ấn Độ hiện có 31.000 tấn vàng thương mại đang lưu hành, trị giá 1.400 tỷ USD theo giá hiện hành. Còn tại Trung Quốc, nỗ lực cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính của Chính phủ nước này cũng khiến mãi lực vàng giảm...

Đối với thị trường trong nước, sau khi các NHTM hoàn tất việc tất toán trạng thái, hiện giá vàng đã được kéo sát hơn so với thế giới. Mức chênh lệch chỉ còn khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC niêm yết chiều ngày 3/9 ở mức 38,130 - 38,280 triệu đồng/lượng (mua - bán). Tuy nhiên, diễn biến của giá vàng trong nước vẫn còn khá chậm so với giá thế giới, nhất là đối với xu hướng giảm. Cụ thể, những ngày qua, giá vàng thế giới tăng trở lại, trong khi vàng trong nước gần như đi ngang là nguyên nhân chính góp phần làm cho chênh lệch nội - ngoại giảm mạnh.

Theo các nhà kinh doanh vàng, mãi lực vàng trên thị trường nội địa trong những ngày qua không cải thiện nhiều so với tháng 8/2013. Bình quân, doanh số vàng miếng bán ra mỗi ngày của PNJ khoảng 700 - 800 lượng so với mức 1.000 - 1.500 lượng/ngày thời điểm tháng 6/2013, khi giá vàng giảm về sát ngưỡng 1.100 USD/ounce. Tuy nhiên, theo dự báo của một lãnh đạo cấp cao PNJ, nhiều khả năng mãi lực sẽ tăng lại dịp cuối năm, nhất là với mặt hàng vàng nữ trang. Người dân thường có nhu cầu mua vàng tích trữ khi năm hết tết đến theo truyền thống và văn hóa của người Việt, nhất là khi hiện nay sức hấp dẫn của lãi suất tiết kiệm giảm nhiều.

Thực tế, trong số gần 60 tấn vàng đã được Ngân hàng Nhà nước bán ra thông qua các phiên đấu thầu trong thời gian qua, có đến 35 tấn là để phục vụ cho hoạt động tất toán trạng thái của NHTM. Số vàng còn lại được đưa ra thị trường vào khoảng 20 tấn, nhưng chỉ bằng một phần so với nhu cầu thực sự vào các năm trước của người dân. Số còn lại, DN và ngân hàng mua được từ các nguồn khác để bán ra. Tuy nhiên, với mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn cao, người mua vàng vẫn chịu thiệt thòi, thị trường nội địa tiếp tục bị méo mó.