Những tác động từ Brexit đến thị trường tài chính Việt Nam

ThS. Trần Thị Thanh Thủy

Vương quốc Anh là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Sự kiện Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) đang có những ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu. Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam thì hoạt động của thị trường tài chính, tiền tệ và dòng vốn đầu tư sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định do tác động của sự kiện này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Tác động của Brexit đến thị trường tài chính Việt Nam

Anh rời khỏi EU chắc chắn sẽ có những tác động nhất định đến thị trường tài chính (TTTC) Việt Nam. Tác động của Brexit đến quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Anh theo 3 cấp độ: Tác động tức thì mang tính ngắn hạn; tác động trung hạn và tác động dài hạn.

Brexit vừa mới bắt đầu, nhiều tác động trung và dài hạn còn chưa được bộc lộ rõ nét, do vậy thời gian tới cần theo dõi chặt chẽ, phân tích thấu đáo để có dự báo những tác động tức thì.

Brexit diễn ra đồng thời cùng với quá trình thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, do đó cấu trúc của TTTC Việt Nam cũng có những chuyển biến nhất định khi chịu tác động của Brexit. Điển hình như:

Tỷ giá VND/USD tăng, đồng Bảng Anh giảm giá

Khi Brexit xảy ra, tỷ giá ngoại hối sẽ chịu tác động đầu tiên, ít nhất là biến động trong ngắn hạn. Brexit khiến đồng Bảng Anh xuống giá, dẫn đến những bất ổn trên TTTC - tiền tệ thế giới.

Ngay sau khi có kết quả trưng cầu dân ý về vấn đề Brexit tại Anh, đồng Bảng Anh đã rớt giá kỷ lục xuống đáy 31 năm so với đồng USD Mỹ. Các chuyên gia dự đoán, tình trạng sụt giá sẽ còn kéo dài trong trung và hậu Brexit. Đồng Euro theo đó cũng giảm mạnh (4%) so với USD. 

Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán (TTCK) và tỷ giá đồng USD đã có biến động rõ rệt ngay sau kết quả bỏ phiếu Brexit (ngày 25/6/2016): Giá USD tại Việt Nam tăng 80 đồng, lên mức 22.380 VND/USD trên cả thị trường liên ngân hàng, cũng như trên thị trường tự do.

Khi đồng bảng Anh, Euro mất giá, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp cả về sức cạnh tranh, tổng giá trị và lợi nhuận từ xuất khẩu. Nguy cơ sụt giảm số lượng do thu hẹp cầu nhập khẩu từ người dân Anh trước sức ép giảm thu nhập tương lai.

Về nợ công, đồng Bảng và Euro giảm giá kéo theo quan ngại tác động đến đồng USD và Yên Nhật tăng giá, tức gia tăng gánh nặng nợ công cho Việt Nam. Hiện nợ công Việt Nam có 45 tỷ USD, gần 40% là vay bằng đồng Yên so với 25% là USD và Euro chiếm 15%.

Nói cách khác, gánh nặng trả nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách vốn đã rất lớn trong năm 2016 và các năm tiếp theo đang bị đè nặng hơn, khi đồng Yên và USD lên giá.

Thị trường chứng khoán và dòng vốn luân chuyển vào Việt Nam

Không nằm ngoài diễn biến chung của TTTC thế giới, ngay sau sự kiện Brexit, TTCK Việt Nam cũng đã có phản ứng tức thì với thông tin này. Dữ liệu trên sàn Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ngay trong phiên giao dịch 25/6/2016 cho thấy, vốn hóa trên TTCK Việt Nam “bốc hơi” 25.423 tỷ đồng.

Chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 12,6 điểm (-2,04%) xuống 619,64 điểm, có thời điểm mất tới 34,6 điểm. Thanh khoản trong phiên lại tăng vọt, với 6.100 tỷ đồng được giao dịch trên sàn và khối lượng giao dịch cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Tổn thất của TTCK Việt Nam theo số liệu thống kê là hơn 1,1 tỷ USD. 

Do tính bất định cao, dòng tiền của nhà đầu tư (NĐT) sẽ chuyển dịch khỏi các thị trường rủi ro và TTCK Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ. Đến thời điểm hiện tại, sự kiện Brexit chưa ảnh hưởng ngay lập tức đến dòng vốn đầu tư trực tiếp từ EU và Anh vào Việt Nam, nếu có ảnh hưởng thì cũng không quá trầm trọng, bởi vốn đầu tư từ Anh vào Việt Nam còn ở mức khiêm tốn.

Tính đến nay, EU đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 100 tỷ USD. Trong đó, nước Anh có khoảng 222 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 4,4 tỷ USD, xếp thứ 15 trong 105 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, dòng kiều hối về Việt Nam từ cộng đồng người Việt tại Anh và châu Âu có thể thu hẹp do khó khăn họ sẽ gặp phải trong tương lai. Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất đến Việt Nam khi Anh rời khỏi EU chính là triển vọng Hiệp định thương mại FTA giữa EU và Việt Nam (EVFTA).

Hiệp định thương mại EVFTA đã kết thúc đàm phán cuối năm 2015 có thể phải bắt đầu đàm phán lại một cách riêng rẽ giữa Việt Nam với Anh và Việt Nam với EU (không có nước Anh).

Những vấn đề đặt ra trong thời gian tới

Trong bối cảnh khó khăn, các NĐT sẽ xoay chuyển dòng vốn tới những nơi đầu tư mới, an toàn hơn và Việt Nam sẽ là một địa chỉ đáng để quan tâm. Khi đó, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nếu cởi mở về chính sách hơn, đặc biệt nếu biết tận dụng hiệu ứng hội nhập đang rất rõ ràng.

“Hậu Brexit” sẽ còn nhiều ẩn số trong nhiều lĩnh vực. Cả về logic và thực tế, còn nhiều tham số đang chuyển động và chưa thực sự rõ ràng, nhất là các nhân tố ảnh hưởng, hệ lụy và tiến độ triển khai quy trình pháp lý liên quan tới việc Anh rời EU.

Mọi sự tăng, giảm giá và các động thái thị trường trên đây trước hết gắn với tác động trực tiếp bởi yếu tố tâm lý và không ngoài xu hướng những kịch bản thị trường đã được cảnh báo trước.

Trước sự kiện “Brexit”, Việt Nam cần tập trung xây dựng các kịch bản thích ứng phù hợp (nhất là về tỷ giá, dự trữ ngoại hối...). Người dân và NĐT nên bình tĩnh chờ đợi, chủ động phòng chống rủi ro tỷ giá kép giữa sự mất giá đồng Euro và tăng giá Yên, USD; đồng thời, tránh những phản ứng cảm tính và tâm lý đám đông.

Đối với kinh tế Việt Nam, Brexit không hẳn chỉ đem đến những tác động tiêu cực, mà Việt Nam còn có được một số lợi ích nhất định, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Về thương mại, Brexit khiến các NĐT Anh xem xét lại chiến lược kinh doanh tại Việt Nam. Nhìn chung, hiệu ứng lên ngành xuất khẩu của Việt Nam là không đáng kể. Thậm chí, đây có thể được xem là cơ hội để Việt Nam củng cố thị phần tại Mỹ và EU.

Về thỏa thuận thương mại tự do: Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á được hưởng lợi từ EVFTA. Việt Nam vẫn ở mức nhẹ vì EVFTA chưa có hiệu lực.

Đồng thời, Việt Nam là nước duy nhất tại ASEAN đã hoàn tất thành công thỏa thuận EVFTA, sẽ thu hút các NĐT châu Âu chuyển hướng sang Việt Nam vì người tiêu dùng EU muốn hàng nhập khẩu giá rẻ.

Về cơ hội đối với đầu tư: Bất chấp biến động trên thị trường tiền tệ, Brexit có thể sẽ làm gia tăng nhu cầu đối với hàng hóa của Việt Nam, dẫn đến đầu tư vào một số ngành nhất định tăng. Việt Nam đã có thặng dư thương mại lớn với Anh trong thời gian dài, khoảng 4,8 tỷ USD trong năm 2016. 

Nhìn chung, Việt Nam là nền kinh tế mở, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nên việc Anh rời khỏi EU sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng cũng không tránh khỏi tác động của Brexit.

Tác động của Brexit đến đâu còn phụ thuộc vào phản ứng chính sách vĩ mô và cải cách của Việt Nam. Nếu việc điều hành các chính sách ngày càng đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tốt lên, các NĐT có thể sẽ xem xét và quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
1. Tác động của Brexit đến nền kinh tế và TTCK Việt Nam, truy cập ngày 22/11/2016 từ http://tvck.vn/phan-tich-co-ban/tac-dong-cua-brexit-den-nen-kinh-te-va-ttck-viet-nam-170.html;
2. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Anh 7 tháng đầu năm 2016, truy cập ngày 30/9/2016 từ http://doanhnghiepnet.vn/vi-vn/xuc-tien-thuong-mai/kim-ngach-xuat-nhap-khau-viet-nam-anh-7-thang-dau-nam-1409;
3. Việt Nam được lợi gì từ Brexit, truy cập ngày 22/11/2016 từ http://nghiencuubiendong.vn/toan-cau-hoa-hoi-nhap-kinh-te/5969-viet-nam-duoc-loi-gi-tu-brexit.