Những vấn đề đặt ra trong quản lý kinh doanh vàng

THS. HÀ THỊ HƯƠNG LAN, THS. HOÀNG THỊ GIANG

(Tài chính) Vàng vừa có vai trò là một hàng hóa đặc biệt vừa có vai trò là tiền tệ. Với chức năng là cơ quan thực thi chính sách tiền tệ quốc gia, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có chính sách quản lý đối với hoạt động kinh doanh vàng thông qua việc quản lý vàng thuộc dự trữ ngoại hối quốc gia và quản lý thị trường trong nước.

Những vấn đề đặt ra trong quản lý kinh doanh vàng
Vàng vừa có vai trò là một hàng hóa đặc biệt vừa có vai trò là tiền tệ. Nguồn: internet
Từ thực trạng đến biện pháp

Trước năm 1991, ở Việt Nam, hệ thống ngân hàng là một cấp, chưa tách bạch hoạt động quản lý ngân hàng và kinh doanh ngân hàng. NHNN chưa ban hành các quy định về quản lý vàng nhằm bình ổn giá vàng và đa dạng hóa hình thức đầu tư. Để quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng, ngày 12/12/1997, Quốc hội Khóa 10 đã thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước số 0l/1997/QH10.

Kể từ ngày 01/01/2000, hoạt động kinh doanh vàng được điều chỉnh bởi Nghị định 174/1999/NĐ-CP ngày 19/12/1999 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; Thông tư 07/2000/TT-NHNN ngày 28/4/2000, Thông tư 10/2003/TT- NHNN ngày 16/9/2003... Giai đoạn này cơ chế quản lý vàng ở Việt Nam đã chính thức tách bạch rõ việc quản lý vàng tiền tệ và quản lý vàng phi tiền tệ với sự nới lỏng đáng kể trong việc quản lý đối với vàng phi tiền tệ tập trung vào các nội dung chính: phân định rõ vàng miếng, vàng trang sức; quản lý xuất nhập khẩu; quản lý sản xuất, gia công; quản lý kinh doanh, giao dịch.

Từ năm 2008, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, gia tăng lạm phát và tăng nhu cầu nắm giữ vàng trong nền kinh tế. Giai đoạn này, giá vàng thế giới biến động mạnh (có thời điểm lên tới 300%); cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo Nghị định 174 và chính sách huy động, cho vay vồn bằng vàng đã bộc lộ hạn chế, bất cập, như:

(i) Chưa có các quy định quản lý, kiểm soát hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng, dẫn đến vàng miếng trở thành phương tiện thanh toán, khó quản lý; khi giá vàng thế giới biến động mạnh, có hành vi làm giá, đầu cơ gây khan hiếm cung giả tạo, tạo các “cơn sốt vàng”; khi có sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, thị trường xuất hiện tình trạng nhập khẩu vàng lậu; hàng năm NHNN Việt Nam phải cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, việc nhập khẩu vàng trên quy mô lớn đã ảnh hưởng đến tỷ giá, CPI, sự ổn định kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô dự trữ ngoại hôi Nhà nước.

(ii) Các quy định của pháp luật về chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng còn phân tán, chưa rõ ràng; hoạt động quản lý nhà nước chưa phát huy hiệu quả khi thị trường có biến động.

(iii) Chính sách cho phép tổ chức tín dụng được huy động và cho vay vốn bằng vàng nảy sinh nhiều bất cập trong bối cảnh giá vàng thế giới và trong nước biến động tăng mạnh...

Trong bối cảnh đó, một khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng đã được ban hành:

Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) và thông tư hướng dẫn (số 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012. Theo đó:

(i) về quyền sở hữu vàng, khẳng định rõ nguyên tắc: Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật;

(ìi) Về hoạt động sản xuất vàng miếng, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và giao cho NHNN tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ;

(iii) Về kinh doanh mua bán vàng miếng, quy định hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh;

(iv) Về hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ, phải được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh;

(v) Về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, quy định việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu cho sản xuất vàng miếng là hoạt động độc quyền nhà nước và giao cho NHNN là cơ quan tổ chức thực hiện;

(vi) Về các hoạt động kinh doanh vàng khác, ngoài hoạt động được quy định trong Nghị định 24, chỉ được phép thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNN cấp phép;

(vii) Về các biện pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng, giao cho NHNN thực hiện can thiệp bình ổn thị trường vàng;

(viii) Về điều tiết thị trường vàng thông qua chính sách thuế, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách thuế xuất nhập khẩu vàng, thuế trị giá gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập đối với hoạt động kinh doanh vàng phù hợp trong từng thời kỳ....

Nghị định 95/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 về phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Theo đó, sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 5, khoản 7 của Điều 18, quy định phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ hằng vàng với nhau không đúng quy định của pháp luật; kinh doanh, mua, bán vàng không đúng quy định của pháp luật.

Nghị định cũng quy định phạt từ 300 - 500 triệu đồng đối với một trong các hành vi: hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ, vàng mà không có giấy phép của NHNN; niêm yết giá, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ, vàng không đúng quy định của pháp luật.

Những thành công bước đầu

Hơn một năm thi hành, nhưng khuôn khổ pháp lý mới mà nòng cốt là Nghị định 24 đã phát huy hiệu quả rõ rệt, khắc phục khá triệt để các bất cập của thị trường vàng giai đoạn trước và cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra. Kết quả đã thiết lập được một mạng lưới mua bán vàng miếng mới, có tổ chức, có quản lý, gồm: 38 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có đủ điều kiện được NHNN Việt Nam cấp phép kinh doanh vàng miếng, với gần 2.500 điểm giao dịch ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước (trước hơn 12.000 điểm giao dịch vàng miếng).

Các địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng được cấp phép và niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng; chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ, chất lượng, mẫu mã và thường xuyên được thanh tra, kiểm tra. Hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng trên thị trường diễn ra thông suốt, ổn định, quyền lợi hợp pháp của người dân được đảm bảo và bảo vệ. Có lúc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên đến 5-6 triệu VNĐ nhưng tỷ giá vẫn ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước vẫn tăng mạnh, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nhập lậu vàng.

Trên cơ sở khuôn khổ pháp lý được xác lập, thời gian qua, NHNN đã triển khai giải pháp can thiệp thông qua hình thức đau thầu bán vàng miếng nhằm tăng cung ra thị trường. Tính đến ngày 25/10/2013, NHNN đã tổ chức 67 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trứng thầu là 1.681.500 lượng trên trong số 1.792.000 lượng chào thầu.

Đây là chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép với mục tiêu chống “vàng hóa”, tách vàng khỏi hệ thống tiền tệ; giúp các ngân hàng thương mại tránh được những rủi ro từ cuộc đua huy động vàng; không có những cơn “sốt vàng”, hiện tượng “làm giá”, tạo sóng, thao túng thị trường để kiếm lời của giới đầu cơ, vai trò điều tiết của Nhà nước đã được thể hiện rõ.

Giải pháp này đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng về quyền lợi của các thành viên tham gia, không bao cấp, không bù lỗ, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và bảo đảm lợi ích của Nhà nước. Đồng thời, để hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, hàng ngày NHNN theo dõi chặt chẽ việc to chức tín dụng tuân thủ quy định không được giữ trạng thái vàng vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái âm vàng; hạn chế hoạt động đầu cơ vàng, NHNN triển khai Quyết định 20/2013/QĐ-TTg của Chinh phủ về phòng chống rửa tiền, tăng cường theo dõi, giám sát báo cáo chi tiết các giao dịch của các DN kinh doanh mua, bán vàng miếng với khách hàng có giá trị lớn trên 300 triệu đồng...

Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng cơ chế độc quyền sản xuất vàng SJC chỉ có “người trong cuộc" hưởng lợi hay “lợi ích nhóm” khi có sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và nước ngoài. Trong văn bản trả lời, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng thông qua sử dụng vàng miếng SJC và yêu cẩu Công ty SJC gia công vàng miếng cho NHNN là phù hợp, đảm bảo mục tiêu của Nhà nước về tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng, đảm bảo lợi ích cho người dân và hoàn toàn không có lợi ích nhóm hay lợi ích cho Công ty SJC” và NHNN can thiệp thị trường vàng không vì mục tiêu lợi nhuận mà chỉ nhằm điều tiết và quản lý nhà nước đối với thị trường. Trước đây, toàn bộ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đều thuộc về giới đầu cơ và kinh doanh vàng, nay thuộc về ngân sách Nhà nước để phục vụ quốc kế dân sinh”.

Vấn đề đặt ra trong cơ chế thị trường

Ở những nước phát triển Ngân hàng trung ương không sử dụng dự trữ ngoại hối cửa quốc gia để nhập khẩu và kinh doanh vàng. Việt Nam đã hội nhập quốc tế phải quản lý theo xu hướng quốc tế; NHNN là cơ quan quân lý nhà nước ban hành các quy định về quản lý vàng, lại là cơ quan độc quyền nhập khẩu vàng, kinh doanh vàng miếng SJC, đấu thầu vàng, mua - bán vàng để bình ổn thị trường vàng... vậy cần có thể chế hợp lý, cải cách thị trường này theo hướng tự do hóa hoặc có thể thành lập sàn vàng quốc gia, tạo thêm các kênh đầu tư vàng khác; đây là vấn đề rất cần được nghiên cứu, dự đoán và có biện pháp ứng xử phù hợp.

Hiện nay, sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và nước ngoài đã thu hẹp, nhung vẫn có thể giãn ra. Muốn giữ được sự ổn định cửa mức chênh lệch nào đó, NHNN thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách, từng bước chủ động vai trò là người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường; bảo đảm quyền lợi hợp pháp và hài hòa của các chủ thể tham gia thị trường vàng miếng theo quy định; có những giải pháp thích hợp để huy động được nguồn vàng trong dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo đảm dòng chảy tự nhiên của vàng giữa thị trường trong nước và quốc tế theo các nguyên tắc thị trường và sự phát triển đầy đủ, vận hành có hiệu năng thực tế của các thể chế thị trường là hết sức cần thiết.

Các Bộ (Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Khoa học và Công nghệ) cần cụ thể hóa lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành, tuân thủ quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng; xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia về vàng, chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu vàng, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập đối với hoạt động kinh doanh vàng; quản lý, giám sát, điều tra các hiện tượng buôn lậu, đầu cơ, tung tin đồn thất thiệt và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động quản lý nhà nước đối với thị trường vàng. Xem ra, quản lý kinh doanh vàng đến nay vẫn chưa có giải pháp vàng.

Tài liệu tham khảo:

- Báo cáo công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng - Ngân hàng Nhà nước.

- Nghị định 63/1993/NĐ-CP ngày 24/9/1993; Nghị định 174/1999/NĐ-CP ngày 19/12/1999 Nghị định 64/2003/NĐ-CP; Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012.

- Tống hợp thông tin đăng trên tạp chí, báo điện tử từ năm 2008 đến nay.