Nỗ lực quản lý thị trường vàng: Được nhiều hơn mất

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Thời điểm này, không khó để nhận thấy thị trường vàng đã có ít nhiều sự ổn định và đi vào trật tự. Cho dù một trong những mục tiêu lớn nhất của cơ quan quản lý là việc kéo gần khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn chưa thực hiện được. Song, cần phải thừa nhận, điều các nhà điều hành thị trường vàng đã và đang làm được, đó chính là không còn thấy bóng dáng của sự đầu cơ, lũng đoạn, làm giá…

Thị trường vàng không còn sôi động như trước. Nguồn: internet
Thị trường vàng không còn sôi động như trước. Nguồn: internet
Không khí bình yên

Sau một thời gian dài được thổi giá lên mức "không tưởng” (có thời điểm đã lên tới gần 50 triệu đồng/lượng”, giá vàng đã và đang có xu hướng giảm mạnh. Đặc biệt, nhìn lại từ đầu năm đến nay,  giá vàng đã hạ trên 10 triệu đồng/lượng, tương đương mức giảm khoảng 22%. Không còn quá sốt như thời điểm cách đây một năm và cũng không còn bóng dáng của sự đầu cơ, thổi giá… dư luận đang chứng kiến một không khí khá yên bình của thị trường vàng. 

Như vậy, có thể thấy, Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng cũng như sự tham gia với vai trò là người mua bán cuối cùng (bằng hoạt động đấu thầu vàng) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát huy tác dụng rõ rệt, mang lại những hiệu quả trông thấy cho thị trường vàng. Chỉ trong một khoảng thời gian khá ngắn, bằng sự quyết liệt, kiên định trong các giải pháp điều hành, thị trường vàng từ chỗ sôi sục vì những hiện tượng đầu cơ, làm giá, thổi giá liên tục, giờ đây đã trở bình yên hơn. 

Nhiều ý kiến cho rằng, qua 70 phiên đấu thầu vàng của NHNN, cái được nhất của việc tổ chức đấu thầu vàng chính là không còn thấy bóng dáng của sự lũng đoạn, đầu cơ, làm giá. Bản thân nhiều nhà đầu tư cũng không còn thấy sự hấp dẫn của kênh đầu tư này. Bên cạnh đó, tình trạng "vàng hóa” trong các tổ chức tín dụng cũng đã không còn "đất sống”. Điều này được thể hiện ở "hiện tượng” các ngân hàng thương mại đã không còn hào hứng trong việc giữ vàng cho khách như trước.

Vẫn rất cần "bàn tay” của Nhà nước

Như vậy, rõ ràng, chúng ta đang chứng kiến một diện mạo khá mới của thị trường vàng, và điều này cũng khiến dư luận đặt một câu hỏi: Đến khi nào thì Nhà nước rút vai trò là người mua bán cuối cùng của thị trường này, hay nói cách khác, đến khi nào thì sẽ ngừng đấu thầu vàng? Bởi, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc đấu thầu vàng mãi sẽ không phải là giải pháp tốt, ngược lại, những rủi ro là rất lớn, một khi giá vàng thế giới tăng đột biến. Nói như TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu kéo dài tình trạng đấu thầu NHNN sẽ rơi vào thế bí vì buộc là người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc đứng ra cân bằng thị trường. Như vậy giá vàng thế giới tăng đột biến thì NHNN lãnh đủ. 

Ngoài ra, còn phải kể đến rủi ro cho nền kinh tế khi NHNN liên tục phải sử dụng một lượng ngoại tệ lớn để thực hiện phương thức đấu thầu vàng… Và trên thực tế, bản thân nhà làm quản lý cũng thừa hiểu rằng, biện pháp đấu thầu vàng cũng chỉ là phương án tạm thời giống như một chiếc phao cứu sinh "cứu nguy” thị trường vàng khi cần.

Tuy nhiên, đây dường như đang là một vấn đề khá "hóc búa”, bởi, không ai có thể khẳng định chắc chắn, khi NHNN dừng đấu thầu vàng, thì những bất ổn của thị trường vàng sẽ không bị khuấy động trở lại. Điều này được chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích, nếu NHNN không còn giữ vai trò là người mua bán cuối cùng nữa thì có thể gây ra những biến động giá cả lớn, nhất là khi cung - cầu mất cân đối. Việc rút khỏi vai trò nhà kinh doanh cuối cùng này có thể dẫn đến những hệ quả không mong muốn, đó là nguy cơ dẫn đến sự triệt tiêu những kết quả trong quản lý thị trường vàng mà cơ quan này đã nỗ lực  đạt được trong thời gian qua.

Nhận định về vai trò của NHNN trong quản lý, điều hành thị trường vàng thời gian qua, nhiều chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, thị trường vàng đã có những ổn định đáng kể. Bởi vậy, thời điểm này, thị trường vàng vẫn rất cần sự can thiệp của "bàn tay” NHNN. 

Về phía NHNN, cơ quan này cũng cho hay, cho dù dư luận có nhiều ý kiến về việc cần phải ngừng việc đấu thầu vàng để tránh những rủi ro, song, NHNN vẫn tiếp tục giải pháp này vì những hiệu quả rõ rệt của nó. 

Và cho dù không ủng hộ việc kéo dài giải pháp đấu thầu vàng lâu hơn nữa, song một chuyên gia cũng phải nêu lên một phép so sánh rằng, nếu để lên bàn cân thị trường vàng hiện nay và thị trường vàng trước đây, sẽ thấy rõ sự "náo loạn” đã không còn hiện diện trên thị trường này. Do đó, không thể phủ nhận những điều nhà quản lý đã và đang làm được. Và rõ ràng, ở thị trường này, cái được vẫn nhiều hơn cái mất.