Nợ xấu làm khó việc sáp nhập ngân hàng

Theo plo.vn

(Tài chính) Việc mua bán, sáp nhập ngân hàng (NH) có thể giúp giải quyết tháo gỡ dần dần quá trình sở hữu chéo.

Mới đây thông tin sáp nhập giữa Sacombank và NH Phương Nam (Southern Bank), với phương án sáp nhập sẽ được Hội đồng quản trị NH Sacombank trình cổ đông trong kỳ đại hội cổ đông vào ngày 25/3, được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ là một trong các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) điển hình của năm 2014. Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, dự báo “trong năm nay hoạt động mua bán, sáp nhập NH sẽ sôi động hơn năm ngoái”.

Cổ đông lớn sẽ được lợi khi sáp nhập

Phóng viên: Có những NH như NH Đại Á, một trong số những đơn vị không nằm trong danh sách chín NH buộc phải tái cơ cấu, tuy nhiên họ vẫn buộc phải chọn phương án sáp nhập, chịu mất tên vĩnh viễn nhưng trút được gánh nặng nợ xấu. Vậy theo ông, cuộc hợp nhất sắp tới giữa NH Sacombank và NH Phương Nam, ai là người được hưởng lợi nhiều nhất?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, M&A chắc chắn sẽ đem lại kết quả tốt hơn so với tình thế hiện tại cho cả hai đơn vị này. Tuy nhiên, không thể biết được giữa NH Sacombank và NH Phương Nam thì bên nào được lợi nhiều hơn. Bởi nhiều khi cái lợi đem về bù trừ cho cái độc hại không đủ. Mà được hay mất điều này chỉ có người trong cuộc mới đánh giá được.

Vậy so sánh riêng từng NH một thì NH Sacombank, NH Phương Nam được và mất gì sau cuộc “hôn phối” này?

Với NH Sacombank, sau khi hợp nhất thì vốn sẽ tăng, thị trường sẽ phát triển rộng hơn, quan hệ khách hàng tăng. Nhưng bù lại NH này sẽ phải ôm về một đống nợ xấu từ NH Phương Nam.

Còn đối với NH Phương Nam, tuy sẽ chịu mất tên nhưng các cổ đông lớn sẽ được hưởng lợi từ thương vụ này. Song với các cổ đông nhỏ lẻ thì chưa chắc hưởng lợi vì khi sang NH Sacombank thì tỉ lệ chuyển đổi có thể bị thiệt hại. Hơn nữa, tiếng nói ở NH mới sẽ không còn nhiều sức mạnh như trước đây. Chẳng hạn, với cổ đông đang nắm giữ 4% cổ phần ở NH Phương Nam hiện nay, khi sang NH Sacombank thì tỉ lệ này lại teo tóp xuống mức chưa tới được 1%, tiếng nói của họ cũng vì thế mà mất giá trị đi nhiều. Chính vì thế lúc này thành viên độc lập tại NH Phương Nam sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Vì họ là người đại diện cho tiếng nói của các cổ đông nhỏ lẻ, họ phải xem việc sáp nhập có lợi, hại thế nào cho các cổ đông thiểu số.

Sáp nhập giúp tháo gỡ sở hữu chéo

Theo ông, việc sáp nhập giữa hai NH với nhau có góp phần triệt tiêu, xóa đi sở hữu chéo không?

Mất sở hữu chéo thì không nhưng có thể giúp tháo gỡ dần quá trình sở hữu chéo. Bởi thứ nhất, khi hai anh sáp nhập thì cả hai bên, thành phần của cổ đông thế nào, sở hữu phần trăm, những người này có liên quan đến nhau thế nào… phải báo cáo cho NHNN). Nếu hai NH trước khi sáp nhập có sở hữu chéo thì đây là lúc cơ quan chức năng loại bỏ sở hữu chéo để cho phép hai bên sáp nhập.

Thứ hai, trước khi muốn sáp nhập thì cả hai NH đều trải qua quá trình tìm hiểu lẫn nhau. Ví dụ ở Mỹ, họ có bản công tác điều tra về NH mình muốn mua. Nếu cả hai NH thật sự nhiệt tình, có ý xây dựng tốt thì họ phải điều tra tình hình hoạt động bên đối tác. Sự điều tra này sẽ làm rõ nhiều vấn đề như nợ xấu, sở hữu chéo. Từ đó họ có thể sàng lọc. Nên nếu NHNN, cơ quan thanh tra NHNN, Hội đồng quản trị hai bên NH làm việc nghiêm túc… thì việc M&A là cơ hội dần dần tháo gỡ vấn đề sở hữu chéo. Trái lại, nếu làm không tốt khâu “tiền điều tra” thì M&A sẽ tạo điều kiện cho việc sở hữu chéo tiếp tục chồng chéo lên nhau.

Hơn nữa cái khó ở đây là sở hữu chéo tại Việt Nam muôn hình vạn trạng. Nếu không cẩn thận cho sáp nhập với nhau thì tạo ra cho những người có công ty con, dùng làm sân trước sân sau có lợi thế về tài chính làm đảo thị trường. Đây là rủi ro mà các cơ quan chức năng, Hội đồng quản trị các bên, giới tài chính và cả dân chúng cần quan tâm.

Cải tiến quản trị sau sáp nhập chưa hiệu quả

Theo ông, đâu là cái được và mất sau những thương vụ hợp nhất NH trong hơn hai năm qua?

Từ cuối năm 2011 đến nay, nhiều NH yếu kém đã được sáp nhập vào NH khác nhưng đến giờ chưa có trường hợp NH mới sáp nhập lại rơi vào khủng hoảng. Đây là điều tích cực nhất.

Tuy nhiên, một vài trường hợp sau khi sáp nhập thành NH mới thì NH mới này vẫn tiếp tục khó khăn. Và một trong những nguyên nhân gây ra khó khăn này chính là việc xử lý tài sản tồn đọng và xử lý nợ xấu. Bởi khi tiếp nhận một NH sở hữu nhiều tài sản độc hại, có nghĩa là chấp nhận gánh vác khó khăn. Thực tế trong nhiều trường hợp vấn đề này không được giải quyết rốt ráo, trở thành gánh nặng cho NH mới. Gánh nặng này còn tác động tiêu cực đến bối cảnh chung của nền kinh tế.

Nguyên nhân nào khiến các vấn đề tồn đọng ấy không được cải thiện?

Sau sáp nhập, có trường hợp cơ cấu cổ đông không có cải thiện nhiều. Thường vẫn chỉ là mấy ông sở hữu vốn của hai NH. Dù có thay đổi thì vẫn không đáng kể, chỉ là bình mới rượu cũ nên không thể tạo đột biến tích cực trong việc cải thiện hoạt động quản trị doanh nghiệp. Trong khi đó để việc sáp nhập NH mang về hiệu quả thì vấn đề cải tiến quản trị là quan trọng nhất vì nếu cải thiện việc quản trị NH mạnh mới có thể đẩy NH tiến lên một đẳng cấp cao hơn.

Xin cảm ơn ông.


Phải công khai nợ xấu trước và sau sáp nhập

Ở Mỹ, việc sáp nhập NH được diễn ra công khai ngay cả khi đã sáp nhập. Bởi mọi NH có bảo hiểm tiền gửi liên bang nên buộc phải minh bạch hóa báo cáo tài chính gồm bảng cân đối kế toán, kết quả kinh doanh mỗi tháng… Đồng thời đăng tải mọi thông tin trên website cơ quan này. Và bất kỳ ai cũng có thể xem được con số nợ xấu, cũng như dòng tiền của NH đó thế nào sau khi sáp nhập, hợp nhất.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính