Nới lỏng chính sách tiền tệ: Thận trọng với lạm phát

Theo Thoibaotaichinhvietnam.vn

Nhiều tín hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện những bước đi nới lỏng tiền tệ đầu tiên.

Tuy nhiên, đi cùng với đó cần có các chính sách dự phòng để ổn định thị trường trong trường hợp lạm phát tăng trở lại. Đây là quan điểm của TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trong cuộc trao đổi với phóng viên bên lề buổi công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II/2016.

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường tiền tệ trong quý II/2016?

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách

TS. Nguyễn Đức Thành:Trong quý II vừa qua, nhiều tín hiệu cho thấy NHNN đã thực hiện những bước đi nới lỏng tiền tệ đầu tiên. Lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm ở các kỳ hạn, đặc biệt cả lãi suất qua đêm và một tuần đều có lúc xuống mức xấp xỉ 0,5%, thấp nhất trong vòng hơn hai năm gần đây. Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cũng có dấu hiệu hạ nhiệt. Khối lượng tiền tệ cũng tăng đáng kể. Cung tiền M2 tăng 8,07% so với thời điểm cuối năm 2015, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước đó. Một tín hiệu nữa là hoạt động trên thị trường mở và kênh tín phiếu diễn ra khá sôi nổi. Theo số liệu của BVSC, NHNN đã thực hiện bơm ròng khoảng 32.000 tỷ đồng qua kênh OMO và 25.700 tỷ đồng qua kênh tín phiếu ra thị trường.

Về ngoại hối, thị trường vẫn giữ ổn định. So với thời điểm cuối năm 2015, tỷ giá chỉ giảm nhẹ khoảng 0,1%. Điều này giúp tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện mua ròng ngoại tệ nhằm bổ sung phần dự trữ đã sử dụng trong năm 2015. Chúng tôi cho rằng, sau khi tỷ giá dần đi vào ổn định, NHNN sẽ thực hiện mua vào USD để tăng dự trữ ngoại hối cũng như đề phòng khả năng FED tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 5. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu BIDV, NHNN đã mua ròng khoảng 7 tỷ USD kể từ đầu năm.

Thị trường tiền tệ thời gian qua chịu khá nhiều tác động. Ông đánh giá thế nào về các chính sách điều hành thị trường vừa qua của NHNN?

Theo tôi, gần đây một số chính sách của NHNN đưa ra đã có tính toán đến những phản ứng của thị trường nhiều hơn. Ví dụ như Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi một số điều khoản của Thông tư 36 trước đó đã giúp giảm bớt sức ép thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Đây là cách tiếp cận hợp lý, có lộ trình và tầm nhìn. Chúng tôi đánh giá cao cách làm này vì như vậy sẽ tránh sốc cho thị trường ngân hàng cũng như bất động sản khi đưa ra lộ trình rõ ràng, đồng thời vẫn duy trì được định hướng của NHNN là ổn định lại thị trường bất động sản đang có nguy cơ nóng lên. Ngân hàng thương mại vẫn cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng dành cho các dự án bất động sản, tuy nhiên nhà đầu tư sẽ có thêm thời gian để thích ứng với những điều chỉnh mới.

Sau khi Thông tư 06 được ban hành, thị trường đã có những phản ứng tích cực đầu tiên so với kỳ vọng lo ngại trước đây đối với dự thảo Thông tư 36. Thị trường căn hộ để bán tăng trưởng trở lại sau hai quý giảm tốc liên tiếp. Nguồn cung sơ cấp tăng nhanh trên cả hai thị trường 6,8% và 7,2% lần lượt tại Hà Nội và TP. HCM.

Tuy nhiên, với việc NHNN bắt đầu thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, theo ông có điều gì cần lưu ý?

Như đã nói ở trên, một điều cần phải lưu ý đối với chính sách tiền tệ là khuynh hướng mở rộng đang ngày càng rõ hơn. Khi thực hiện điều này, chúng ta phải đi cùng với các chính sách khác để ổn định thị trường trong trường hợp lạm phát bùng phát trở lại do những yếu tố bất thường, không thuận lợi cộng hưởng vào. Theo tôi, khả năng lạm phát quay trở lại trong nửa cuối năm là không thể tránh khỏi khi giá hàng hóa cơ bản trên thế giới hồi phục kết hợp với những điều chỉnh giá trong nước. Trong khi đó cung tiền đang có xu hướng được điều chỉnh tăng cao, đặc biệt 6 tháng đầu năm. Khi đó, cần phải có giải pháp để chủ động ổn định mức lạm phát. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18 – 20% trong năm 2016 cũng có thể tạo nguy cơ mất kiểm soát lạm phát như mấy năm gần đây.

Xin cảm ơn ông!