Nới room cho khối ngoại có thể thực hiện trong quý I

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Theo Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN), việc phát hành 10% cổ phiếu không có quyền biểu quyết cho nhà đầu tư nước ngoài, nếu suôn sẻ, sẽ được thực hiện trong quý I/2013.

Nới room cho khối ngoại có thể thực hiện trong quý I
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Sau khi đã tham khảo ý kiến các bộ, ngành lần thứ nhất và tổng hợp, đóng góp, dự thảo điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) đối với doanh nghiệp niêm yết thông qua việc cho phép phát hành 10% cổ phiếu không có quyền biểu quyết cho cổ đông ngoại, đang được UBCKNN hoàn tất. Đại diện ủy ban cho biết dự thảo sắp được trình lại Bộ Tài chính để bộ trình Chính phủ quyết định.

Theo quyết định 55 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 15/4/2009, tỷ lệ room nước ngoài đối với công ty tham gia thị trường chứng khoán tối đa 49%. Vào lúc bấy giờ, tỷ lệ trên được cho là phù hợp để tránh việc doanh nghiệp nội bị nước ngoài thâu tóm, để Nhà nước và người Việt có thể kiểm soát được các công ty thuộc lĩnh vực, ngành nghề cần được sự bảo hộ.

Tuy nhiên, với quy định như vậy, một rào cản niêm yết không thể vượt qua đã xuất hiện đối với các doanh nghiệp FDI. Nhiều năm qua, hầu như cả hai sàn đều vắng bóng doanh nghiệp FDI. Theo quy định liên quan đến FDI, trong các liên doanh nước ngoài phải nắm giữ tối thiểu 30% vốn và tỷ lệ này càng cao càng tốt. Những liên doanh có vốn nước ngoài trên 49%, khi niêm yết nước ngoài phải thoái vốn xuống dưới 49%. Rõ ràng đòi hỏi này đã không khuyến khích doanh nghiệp FDI tham gia thị trường chứng khoán.

Trong khi đó tại một số đơn vị niêm yết, sau khi đối tác ngoại thỏa thuận được với cổ đông lớn, HĐQT, ban GĐ về việc mua lại toàn bộ hoặc gần như toàn bộ doanh nghiệp, thì bên bán chọn giải pháp hủy niêm yết. Chính vì thế, ở thời điểm thị trường tài sản Việt Nam đang trong khủng hoảng, giới đầu tư nước ngoài M&A đã không chú ý đến các công ty trên sàn. Họ bám vào những công ty bên ngoài sàn.

Thương vụ tập đoàn Semen Gresik Indonesia vừa bỏ ra 230 triệu USD mua 70% cổ phần của Xi măng Thăng Long, hoặc tập đoàn SCG Thái Lan đầu tư gần 5.000 tỷ đồng để dành quyền sở hữu 85% cổ phần của doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch Prime Group là những ví dụ điển hình. Giả sử xi măng Thăng Long và Prime Group đã niêm yết, liệu việc mua bán trên có xảy ra? Trên sàn có hàng loạt công ty xi măng và doanh nghiệp vật liệu xây dựng niêm yết và chắc chắn có những đơn vị tầm cỡ hơn hẳn xi măng Thăng Long, nhưng không được nước ngoài để mắt. Chưa vội bình luận giá chuyển nhượng của xi măng Thăng Long rẻ đắt, chỉ biết trên HOSE thị giá của xi măng Hà Tiên đang là 4.600 đồng và Xi măng Bỉm Sơn là 4.700 đồng.

Nguồn vốn đổ vào chứng khoán của khối ngoại đã có thể tăng thêm rất nhiều mà không phải chỉ là vốn gián tiếp mà cả vốn trực tiếp, nếu room nước ngoài không ấn định ở mức 49%. Hoạt động M&A đã có thể nhộn nhịp hơn với các công ty niêm yết và đã có thể có cơ hội cứu sống không ít doanh nghiệp vốn đang lay lắt vì nợ nần, nếu có cơ chế cho nước ngoài sở hữu trên 51%. Những doanh nghiệp niêm yết mà Nhà nước cần kiểm soát, Nhà nước đã và đang nắm giữ cổ phần chi phối rồi. Còn những doanh nghiệp thuộc đủ mọi ngành nghề, từ sản xuất móc treo quần áo, buôn bán nhỏ vốn 30-50 tỷ đồng, đến chế biến thủy sản, đồ gỗ, bất động sản, chứng khoán…vì sao nước ngoài vẫn chỉ được nắm giữ 49%? Và sự công bằng ở đâu, trong cùng lĩnh vực, khi ngoài sàn nước ngoài có thể đầu tư trên 51% vào doanh nghiệp trên sàn thì không?

Có ý kiến cho rằng những doanh nghiệp nhỏ và vừa có mở room ra, nước ngoài cũng chẳng “nhảy vào” mua đâu. Nước ngoài chỉ “thèm muốn” những FPT, VNM, REE, BMP, DHG…những doanh nghiệp “ngon lành” đứng đầu ngành. Có thể thế lắm. Song, nước ngoài cũng dăm bảy loại. Công ty nước ngoài nhỏ, kiểu gia đình, mua công ty niêm yết nhỏ trên sàn nếu được mua đứt, có khả năng đó không phải không có. Cái room 49% kia đã chặn lại rồi, lại sao biết chắc được?

Trong lĩnh vực quan trọng là ngân hàng, room nước ngoài đã bất di bất dịch từ năm 2006 khi Việt Nam gia nhập WTO. Mới đây, NHNN tuyên bố có thể nới room ở ngân hàng yếu kém, bắt buộc tái cơ cấu. Đây là một giải pháp xử lý thông thoáng vì đã đến lúc cần nhìn nhận việc cho ra đời ồ ạt các ngân hàng nhỏ trước đây là một sai lầm trong chính sách quản lý. Bây giờ, để tái cấu trúc những ngân hàng nhỏ, nhưng ngân hàng lớn, những đối tác khác phải tham dự vào. Nhà nước không phải bỏ tiền ra, nhưng Nhà nước phải cung cấp một cơ chế ưu đãi, kể cả tái cấp vốn với lãi suất thấp. Nếu không có nhưunxg ngân hàng yếu kém ấy, nguồn vốn dùng để tái cấp vốn, có thể tài trợ cho nông nghiệp, xuất khẩu, cho những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, tạo ra công ăn việc làm cho người dân…

Nhìn xa hơn room 30% có thực sự là bức tường bảo vệ các ngân hàng Việt khi mà chúng ta đã cho phép mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài? Các ngân hàng 100% vốn ngoại bắt đầu mở rộng mạng lưới, họ tung ra thị trường những dịch vụ cao cấp mà ngân hàng nội địa chưa có điều kiện, kinh nghiệp, công nghệ cũng như khung pháp lý để tiến hành.

Lúc này nếu room được mở đến 51%, thậm chí 100% với những doanh nghiệp kém hiệu quả, những công ty gánh nặng, ăn bám nền kinh tế, sống không ra sống mà chết cũng không thể được chôn, thì biết đâu họ sẽ sống lại.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thời điểm áp dụng phát hành 10% cổ phiếu không có quyền biểu quyết cho nước ngoài, UBCKNN cho biết, về cơ bản các bộ, ngành đều ủng hộ biện pháp này và nếu mọi việc suôn sẻ sẽ là quý 1/2013. Tất nhiên sau khi các văn bản pháp lý được ban hành, UB và TTLKCK còn phải giải quyết mội số vấn đề kỹ thuật. Có thể sẽ không mất nhiều thời gian cho kỹ thuật vì cơ quan quản lý cũng đã tính toán và đã có chuẩn bị.

Mở room 10% không quyền biểu quyết là một giải pháp đảm bảo cho Việt Nam quyền kiểm soát doanh nghiệp, đồng thời giải phóng tâm lý cho nhà đầu tư. Nó cần được thúc đẩy nhanh chóng hơn nữa!.