Ổn định tỷ giá khuyến khích xuất khẩu

Theo tapchithue.com.vn

Từ giữa tháng 8 năm trước đến nay, ứng phó việc Trung Quốc và nhiều đối tác thương mại phá giá đồng nội tệ, đặc biệt là khả năng nâng lãi suất đồng USD của Cục dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái điều hành kịp thời khi vừa tăng tỷ giá, vừa nới rộng biên độ giao dịch đã giúp thị trường tiền tệ ổn định, củng cố niềm tin vào đồng tiền Việt.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tỷ giá VND/USD sau mấy năm bình quân tăng thấp (năm 2012 tăng 0,18%, năm 2013 tăng 0,66%, năm 2014 tăng 0,56%), đã tăng khá cao (3,16%), chủ yếu tăng từ giữa tháng 8/2015 đến cuối năm để ứng phó với việc giảm giá mạnh của đồng Nhân dân tệ. Bình quân quý I/2016 so với cùng kỳ năm trước tăng khá cao (4,79%), nhưng nếu tính tháng 3/2016 so với tháng 12/2015 thì giảm 0,84%. Điều đó chứng tỏ khả năng bình quân cả năm 2016 so với cả năm 2015 tỷ giá sẽ không tăng cao như bình quân của quý I, mà có thể còn thấp hơn cả tốc độ tăng bình quân của năm 2015.

Việc tỷ giá VND/USD tính theo thời điểm (tháng 3/2016) giảm đã tác động đến tốc độ tăng/giảm kim ngạch xuất/nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, đến tỷ giá thương mại. Theo đó, cả xuất khẩu hàng hóa quý I năm nay so với quý I năm trước tăng 4,1%, thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (9,3%) và thấp hơn tốc độ tăng theo mục tiêu đề ra cho cả năm (10%). Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố giá thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I năm nay vẫn tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu tính bằng USD bình quân quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước đã giảm 4,8%- tương đương với tốc độ tăng tỷ giá bình quân quý I năm nay so với quý I năm trước. Giá xuất khẩu bình quân quý I năm nay so với quý I năm trước tính bằng VND của quý I năm nay cũng tương đương.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa quý I năm nay so với quý I năm trước giảm 4,8%, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng trên 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu hàng hóa bình quân quý I năm nay so với quý I năm trước tính bằng USD đã giảm 8,85%, giảm nhiều so với tốc độ giảm cả năm của 4 năm trước (năm 2012 giảm 0,33%, năm 2013 giảm 2,36%, năm 2014 giảm 1,02%, năm 2015 giảm 5,82%). Do mức giảm lớn hơn tốc độ tăng tỷ giá VND/USD, nên nếu tính bằng USD cũng còn giảm trên 4,5% so với cùng kỳ.

Chính vì giá nhập khẩu giảm nhiều hơn giá xuất khẩu, nên tỷ giá thương mại (chia chỉ số giá xuất khẩu cho chỉ số giá nhập khẩu) quý I năm nay tăng 4,45%, cao hơn tỷ giá thương mại nhiều năm trước (năm 2011 giảm 0,46%, năm 2012 giảm 0,68%, năm 2013 giảm 0,08%, năm 2014 tăng 1,83%, năm 2015 tăng 2,15%). Tỷ giá thương mại tăng góp phần cho xuất khẩu có lợi hơn nhập khẩu về giá (tính bằng VND), từ đó có tác động khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Thực tế, trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, quý I năm nay Việt Nam đã ở vị thế xuất siêu (776 triệu USD).

Góp phần vào việc điều chỉnh tỷ giá, ngoài các yếu tố về giá xuất/nhập khẩu, tỷ giá thương mại, xuất siêu còn do lạm phát ở mức thấp trong 2 năm trước.Bên cạnh đó, còn do ngoại tệ từ các nguồn đạt quy mô khá (như xuất khẩu, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quý I đạt 3,5 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ, xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 2,02 tỷ USD, tăng 7,4%). Quan trọng hơn cả, việc Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp đổi mới phương thức điều hành tỷ giá, đưa lãi suất gửi ngoại tệ về 0% đã giúp thị trường ngoại hối ổn định hơn.