Ông Nguyễn Duy Hưng: Phải biến thị trường chứng khoán thành nơi giữ tài sản

Theo Tường Như/ndh.vn

Chủ tịch SSI cho rằng điều quan trọng là biến thị trường chứng khoán thành nơi giữ tài sản chứ không đơn thuần là nơi mua bán kiếm lời, rồi rút ra và giữ tài sản ở nơi khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 20 năm hình thành và phát triển. Là một trong những người tham gia từ thuở sơ khai, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) chia sẻ với bản tin Dòng chảy của tiền, Truyền hình Quốc hội về quyết định thành lập thị trường chứng khoán của các lãnh đạo Nhà nước thời điểm đó là quyết định dũng cảm.

Khi ra đời, thị trường chứng khoán chỉ có 2 cổ phiếu niêm yết, 4 công ty chứng khoán, thanh khoản rất thấp. Chủ tịch SSI nhớ lại đến 1 năm sau đó, các tổ chức trung gian vẫn chưa hiểu lấy nguồn thu ở đâu để duy trì hoạt động ngoài việc tạo lập một thị trường cho nhà đầu tư vào tập dượt, mua bán kiếm lời và trải nghiệm.

"Thế nhưng, đến ngày hôm nay, bóng dáng doanh nghiệp Việt Nam, thương hiệu Việt Nam xuất hiện trên tất cả các lĩnh vực từ bất động sản, sản xuất, tiêu dùng, tài chính… Hệ thống quan trọng là hệ thống ngân hàng thương mại, từ chỗ vốn rất nhỏ vài tỷ, vài chục tỷ đến bây giờ là nhiều tỷ USD. Tất cả những điều đó chỉ có thể có qua thị trường chứng khoán. Ngày hôm nay đặt câu hỏi thị trường chứng khoán quan trọng như thế nào với nền kinh tế thì đặt ngược lại câu hỏi không có thị trường chứng khoán lúc bấy giờ thì hôm nay ta có những gì? Qua 20 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu mà những người tham gia từ đầu lúc bấy giờ cả 'trong mơ cũng không nghĩ ra được", ông Hưng chia sẻ.

Sau 20 năm, Việt Nam đã có 23 doanh nghiệp tỷ USD trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng thị trường chứng khoán còn có thể đạt được nhiều thành tựu hơn. Điều quan trọng để mở rộng quy mô không chỉ là tăng sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài mà làm sao để tăng sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước, biến thị trường chứng khoán thành nơi giữ tài sản chứ không đơn thuần là nơi mua bán kiếm lời, rút ra và giữ tài sản ở nơi khác.

“Các thị trường chứng khoán ở các nước phát triển lớn mạnh được vì người dân không chỉ có thói quen giữ tiền, vàng, tiết kiệm mà phần lớn giữ tài sản bằng cổ phần của các tập đoàn lớn”, lãnh đạo SSI nói.

Luật Chứng khoán 2019 vừa được Quốc hội thông qua đã khắc phục được nhiều điểm mà Bộ Luật cũ chưa có quy định cụ thể để thực hiện. Người đứng đầu công ty chứng khoán lớn nhất thị trường kỳ vọng Bộ Luật mới sẽ phù hợp để phát triển thị trường chứng khoán trong giai đoạn tiếp theo.

Cụ thể, có 2 chủ thể trên thị trường chứng khoán là nhà đầu tư và doanh nghiệp. Doanh nghiệp sau khi huy động vốn thì được quyền quyết định cách sử dụng vốn. Trong khi đó, nhà đầu tư được hưởng quyền lợi, lợi ích thông qua sở hữu cổ phần và đóng vai trò bị động, chỉ có quyền mua hoặc bán cổ phiếu. Theo Chủ tịch SSI, bất cứ hệ thống luật pháp nào đều phải có chế tài đảm bảo minh bạch thị trường, bảo vệ nhà đầu tư - những người thụ động.