Phấn đấu 2-3 ngân hàng Việt Nam nằm trong Top 100 châu Á vào năm 2025

Theo L.H/laodong.vn

Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực Châu Á.

Mục tiêu từ nay đến năm 2020 phải có ít nhất từ 1 – 2 ngân hàng thương mại nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực Châu Á. Nguồn: Internet
Mục tiêu từ nay đến năm 2020 phải có ít nhất từ 1 – 2 ngân hàng thương mại nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực Châu Á. Nguồn: Internet

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 phải có ít nhất từ 1 – 2 ngân hàng thương mại nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực Châu Á.

Đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).

Chiến lược nêu rõ quan điểm của Chính phủ coi hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam.

Ổn định hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng đóng vai trò chủ chốt trong ổn định tiền tệ và ổn định tài chính, là điều kiện tiên quyết để ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững và phải được đảm bảo bằng sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, cùng sự phát triển hài hòa, cân đối giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.

Hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đóng vai trò quan trọng góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước thông qua vai trò của NHNN kiến tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường.

Nhà nước can thiệp chủ yếu bằng công cụ thị trường, hoặc thông qua nguồn lực tài chính nhà nước. Hệ thống các tổ chức tín dụng, gồm mọi thành phần kinh tế, được đối xử bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật, hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Giai đoạn 2018 – 2020 tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp theo cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; Tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.