Phát triển bảo hiểm liên kết đầu tư trên thị trường bảo hiểm nhân thọ

ThS. Phạm Hồng Nhung - Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Công đoàn

Theo các chuyên gia tài chính, với khả năng đáp ứng đồng thời nhu cầu chuyển giao hậu quả tài chính của rủi ro và nhu cầu đầu tư của người mua bảo hiểm, bảo hiểm liên kết đầu tư được dự báo trở thành một xu thế tất yếu bởi những lợi ích to lớn mà hình thức này mang lại. Bài viết bàn về lợi ích của hoạt động bảo hiểm liên kết đầu tư, đánh giá lại thực trạng, đưa ra một số kiến nghị để phát triển hoạt động bảo hiểm liên kết đầu tư trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lợi ích của bảo hiểm liên kết đầu tư

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm liên kết đầu tư là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đặc biệt. Theo đó, sau khi trừ đi chi phí quản lý hợp đồng và chi phí trả cho doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), phí đóng bảo hiểm sẽ sử dụng để mua các đơn vị đầu tư trong quỹ liên kết.

Quyền lợi của hợp đồng bảo hiểm thực tế là giá trị của các đơn vị đầu từ này. Giá trị này không cố định, có thể tăng hoặc giảm phụ thuộc vào giá trị của các tài sản đầu tư. Như vậy, khi tham gia bảo hiểm liên kết đầu tư khách hàng phải đóng phí bảo hiểm đổi lại họ nhận được sự bảo vệ về tài chính của DNBH, đồng thời có cơ hội tích lũy đầu tư với lãi suất cao.

Trên thị trường thường có các loại bảo hiểm liên kết đầu tư cơ bản: Sản phẩm liên kết đầu tư trọn đời; Sản phẩm liên kết đầu tư hỗn hợp; Kết hợp giữa bảo hiểm hỗn hợp và đầu tư; Sản phẩm liên kết đầu tư trả tiền định kỳ.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, bảo hiểm liên kết đầu tư là yêu cầu phát triển thị trường, đồng thời cũng là hướng đi mang lại nhiều lợi ích cho các bên, cho cả thị trường bảo hiểm nhân thọ, thị trường chứng khoán và đặc biệt là cho nhà đầu tư (NĐT), cụ thể:

- Về mặt đầu tư: Nếu đầu tư trực tiếp thông thường để đạt hiệu quả cao NĐT cần một số điều kiện như nguồn vốn lớn, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm đầu tư và thời gian thì với hoạt động bảo hiểm liên kết đầu tư, với một khoản tiền nhỏ, khách hàng có cơ hội đầu tư vào nhiều danh mục đầu tư khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu… tùy theo mục tiêu và khả năng chấp nhận rủi ro của mình.

- Xóa bỏ những hạn chế mà NĐT cá nhân gặp phải: Thay vào việc tự bỏ công sức ra đầu tư, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư sẽ được thực hiện quản lý đầu tư bởi các chuyên gia có trình độ, kinh nghiệm, chuyên môn cao từ các công ty quản lý quỹ đảm nhận. Theo đó, việc đầu tư được người tham gia bảo hiểm ủy thác cho DNBH.

Các chuyên gia đầu tư của DNBH có trách nhiệm tìm kiếm, lựa chọn các tài sản đầu tư để lập nên bản danh mục đầu tư (bao gồm nhiều loại tài sản đầu tư nhằm phân tán rủi ro và mang lại lợi ích cho người sở hữu các đơn vị đầu tư trong quỹ).

- Bảo hiểm liên kết đầu tư có tính minh bạch cao: DNBH luôn cung cấp đầy đủ, chính xác, công khai các thông tin liên quan tới quỹ đầu tư. Các hoạt động đầu tư, chi phí và chi phí quản lý, lợi nhuận của quỹ đều được tách biệt và công bố rõ với khách hàng. Do vậy, khách hàng có thể biết rõ phí bảo hiểm của mình được đầu tư vào đâu. Khách hàng cũng có thể kiểm soát rủi ro của mình bằng việc lựa chọn đầu tư phí bảo hiểm vào những quỹ đầu tư mà mình cho là phù hợp nhất.

- Tính linh hoạt của sản phẩm: Cho phép khách hàng được hoán đổi giá trị các quỹ đầu tư trong suốt thời hạn hợp đồng tùy theo nhu cầu của mình. Khách hàng có thể điều chỉnh số phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, bổ sung hay giảm bớt các quyền lợi bổ trợ khác. Khách hàng cũng có thể rút bớt một phần giá trị quỹ trong hợp đồng của mình nhằm thỏa mãn những nhu cầu tài chính khẩn cấp.

Thực trạng bảo hiểm liên kết đầu tư tại Việt Nam

Sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đã được biết đến cách đây hơn 30 năm. Hoạt động này nở rộ đầu tiên tại các nước có thị trường chứng khoán phát triển tại các khu vực như châu Âu, Bắc Mỹ. Tại thị trường châu Á, sản phẩm này cũng rất phổ biến và trở thành xu thế mới từ những năm 1990 của thế kỷ trước.

Ở Việt Nam, cuối năm 2006 đầu năm 2007 khi thị trường chứng khoán bật dậy, cùng với ưu điểm vượt trội đáp ứng được nhu cầu hạn chế rủi ro và đầu tư sinh lợi của người tham gia bảo hiểm, nhiều công ty quản lý quỹ, DNBH nhân thọ trong và ngoài nước đã nắm bắt cơ hội và từng bước triển khai.

Theo số liệu của Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong năm 2016, số lượng hợp đồng khai thác mới (hợp đồng bảo hiểm chính) ước đạt 1.617.402 hợp đồng, tăng 14,46% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng lớn nhất (ước đạt 40%), sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư (ước đạt 36,8%) và bảo hiểm tử kỳ (ước đạt 12,6%).

Về doanh thu phí khai thác mới, năm 2016, doanh thu phí khai thác mới ước đạt 16.753 tỷ đồng (bao gồm cả sản phẩm chính và bổ trợ), tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2015. Nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn là bảo hiểm liên kết đầu tư, với doanh thu phí khai thác mới ước đạt 7.604 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 50%) và bảo hiểm hỗn hợp với doanh thu phí khai thác mới ước đạt 6.806 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 45%), cao hơn rất nhiều so với các nghiệp vụ bảo hiểm khác như nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí (ước đạt 87 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,6%).

Tính đến hết năm 2016, đã có 16 trên tổng số 18 DNBH nhân thọ triển khai nghiệp vụ bảo hiểm liên kết chung như: Bảo Việt, Mamulife, Chubb, Dai-ichi, AIA, Hanwha và Sun Life có tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm liên kết chung lớn trên tổng doanh thu phí khai thác mới.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ năm 2016 ước đạt 49.677 tỷ đồng (tăng 29,8% so với năm 2015), trong đó tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm hỗn hợp vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với khoảng 49%, tiếp đến là bảo hiểm liên kết đầu tư với 40%, bảo hiểm tử kỳ 0,7%, bảo hiểm hưu trí 0,6%, các nghiệp vụ còn lại chiếm tỷ trọng không đáng kể. Số lượng hợp đồng có hiệu lực (theo hợp đồng chính) ước đạt 6.833.677 hợp đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng đa số (58,3%), tiếp đến là sản phẩm liên kết đầu tư (32,9%), sản phẩm tử kỳ (7,2%), sản phẩm hưu trí (0,4%), các sản phẩm còn lại chiếm 1,1%...

Trong 3 tháng đầu năm 2017, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới ước đạt 4.283,51 tỷ đồng tăng 28,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bảo hiểm liên kết chung có xu hướng tăng mạnh, chiếm tỷ trọng 45,76%, bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 38,38%, bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 1,92%, bảo hiểm bổ trợ chiếm tỷ trọng 11,69% và các nghiệp vụ còn lại chiếm tỷ trọng 2,25%.

So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu khai thác mới của các nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư tăng 32,86%, nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp tăng 19,17%. Về số lượng hợp đồng khai thác mới trong 3 tháng đầu năm, dẫn đầu là nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư với 155.691 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 39,65%), tăng trưởng 50% so với cùng kỳ năm 2016; tiếp theo là nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp với 149.221 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 38,01%), tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm 2016, nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ là 85.351 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 21,74%), tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 12.252 tỷ đồng, tăng 29,25% so với cùng kỳ năm 2016. Nếu tính doanh thu phí theo từng nghiệp vụ thì nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn cả với 46,76%, tiếp theo là nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư 42,38%.

Dự báo, khi khả năng tích lũy của người dân tăng cao trong khi các kênh đầu tư vốn khác trở nên bão hòa và rủi ro cao hơn, thì bảo hiểm liên kết đầu tư thời gian tới sẽ tiếp tục sôi động và sẽ trở thành kênh đầu tư được người dân tin tưởng lựa chọn, phù hợp với xu hướng của thị trường tài chính thế giới.

Một vài kiến nghị

Để phát triển bảo hiểm liên kết đầu tư trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, trong thời gian tới, cần chú trọng một số nhiệm vụ sau:

Đối với cơ quan quản lý

- Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm quản lý hoạt động liên kết đầu tư trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh bình đẳng giữa các DN, giúp bảo vệ và tăng thêm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm duy trì thị trường ổn định, an toàn, hiệu quả. Theo đó, tiếp tục nghiên cứu xây dựng hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm nhân thọ phù hợp hơn với thực tế Việt Nam và chuẩn mực quốc tế, giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo điều kiện chủ động tối đa cho DN như rút ngắn thời gian phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm và các thay đổi khác của DN…

- Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động liên kết đầu tư trên thị trường bảo hiểm nhân thọ. Đặc biệt, chú trọng các vấn đề như: chi trả quyền lợi bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, chấp hành theo quy định về việc tách quỹ chia lãi, chia lãi cho chủ hợp đồng, hạch toán doanh thu – chi phí đúng quy định… Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng giúp phát hiện ra những bất cập, vướng mắc trong cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung từ đó môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện hơn.

Đối với doanh nghiệp bảo hiểm

- Nghiên cứu hoàn thiện và bổ sung thêm các lợi ích từ sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư để thu hút khách hàng. Theo đó, các sản phẩm cần đáp ứng được các tiêu chí như: Khách hàng có thể được linh hoạt thay đổi hạn mức đầu tư giữa các quỹ, hạn mức bảo vệ, phí đóng, quỹ đầu tư; Rút tiền để thực hiện các kế hoạch tài chính phù hợp với nhu cầu trong từng giai đoạn của cuộc sống...

Nói cách khác, DNBH không chỉ cung cấp một sản phẩm bảo hiểm, mà còn cùng khách hàng vạch ra một kế hoạch tài chính, xác định đúng nhu cầu, từ đó đề xuất giải pháp đầu tư phù hợp với khả năng tài chính và mục tiêu trong tương lai cho khách hàng.

- Cần công khai, minh bạch các hoạt động, kết quả đầu tư nhằm tạo niềm tin cho khách hàng. Do hoạt động đầu tư thường gắn liền với rủi ro, do đó việc công khai minh bạch các hoạt động đầu tư, định hướng đầu tư rất quan trọng. Khách hàng cần biết chính xác các chi phí liên quan và kết quả đầu tư thông qua các bảng thông tin thường niên về hợp đồng của mình.

Đối với khách hàng

- Lựa chọn loại sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư phù hợp. Theo đó, khách hàng nên căn cứ vào điều kiện tài chính, nhu cầu của bản thân và gia đình. Hiểu biết về đầu tư sẽ rất có ích cho người tham gia bảo hiểm khi lựa chọn quỹ đầu tư.

- Cẩn trọng nguy cơ thua lỗ. Thông thường DNBH sẽ đưa ra các quỹ đầu tư khác nhau với mức độ rủi ro cũng sẽ khác nhau. Khi quỹ đầu tư hoạt động tốt, bên mua bảo hiểm sẽ là người được hưởng lợi nhưng trong trường hợp rủi ro giá trị của các đơn vị đầu tư không tăng hoặc bị giảm sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm sẽ được nhận, mà không có sự bù đắp nào từ phía DNBH.        

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính (2017), Tổng quan thị trường bảo hiểm năm 2016;

2. Bộ Tài chính (2017), Tổng quan thị trường bảo hiểm 3 tháng đầu năm 2017;

3. Phương Nguyễn (2008), Bảo hiểm liên kết đầu tư: Sản phẩm mang lại khởi sắc cho thị trường bảo hiểm nhân thọ, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh;

4. Công ty Luật Dương Gia (2017), Khái quát về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư;

5. Thảo Hà (2016) Bảo hiểm liên kết đầu tư - Xu hướng mới trên thị trường bảo hiểm nhân thọ.