Phát triển hệ thống người hành nghề chứng khoán - Kết nối thị trường và nhà đầu tư

Theo Tạp chí Chứng khoán

Triển khai thi hành Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn, đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán cho 8.000 cá nhân, trong đó 4.000 cá nhân được cấp chứng chỉ môi giới chứng khoán, còn lại là các cá nhân đã được cấp chứng chỉ phân tích tài chính và chứng chỉ quản lý quỹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có thể nói, với chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, đội ngũ những người hành nghề chứng khoán đã đóng góp một phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) qua vai trò là trung gian - cầu nối giữa nhà đầu tư với TTCK.

Với vai trò này, người hành nghề chứng khoán đã có những hỗ trợ nhất định trong đánh giá, phân tích các thông tin chứng khoán cũng như tư vấn cho nhà đầu tư tổ chức và cá nhân để họ ra quyết định tham gia  hoặc đầu tư vào TTCK; giúp cho các doanh nghiệp hiểu được ý nghĩa của việc niêm yết chứng khoán trên TTCK, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện niêm yết chứng khoán của doanh nghiệp trên TTCK; thực hiện việc quản lý tài sản một cách chuyên nghiệp cho nhà đầu tư có nhu cầu.

Việc tiếp cận và hỗ trợ nhà đầu tư của người hành nghề chứng khoán trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực không chỉ cho việc tạo lập thị trường mà còn mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy thị trường phát triển.

Bên cạnh những đóng góp đã được ghi nhận, thực tế thời gian qua, trên thị trường vẫn còn xảy ra một số trường hợp người hành nghề chứng khoán vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK. Với những hành vi trên, UBCKNN đã cương quyết xử lý theo quy định pháp luật nhằm giữ vững kỷ cương của thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.

Trong bối cảnh thị trường vốn Việt Nam ngày càng mở cửa hội nhập với thế giới, người hành nghề chứng khoán trong thời gian tới sẽ đối mặt với một số thách thức sau:

Việc tái cấu trúc các công ty chứng khoán (CTCK) và mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS)

Cùng với việc TTCKPS đi vào hoạt động, việc mua bán chứng khoán trong ngày, các sản phẩm mới như chứng quyền có bảo đảm (cover warrant) và quy định về an toàn vốn mới được áp dụng, dự báo việc tái cấu trúc các CTCK sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Theo đó, các CTCK có tiềm lực tài chính lớn, quản trị tốt sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển. Ngược lại, các CTCK nhỏ, nguồn lực yếu sẽ tiếp tục thu hẹp hoạt động, bị buộc phải thâu tóm, sáp nhập hoặc giải thể hoạt động. Điều này trực tiếp tác động đến người hành nghề chứng khoán buộc họ phải tự nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn hóa sâu hơn, thực hành chuẩn mực đạo đức hành nghề.

Mở cửa toàn bộ thị trường dịch vụ chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN)

Theo cam kết khi gia nhập WTO về dịch vụ chứng khoán, Việt Nam mở cửa toàn bộ cho nhà ĐTNN được thành lập CTCK, công ty quản lý quỹ (CTQLQ) do nhà ĐTNN sở hữu 100% vốn. Đến nay, TTCK Việt Nam đã có 3 CTCK và 4 CTQLQ do nhà ĐTNN sở hữu 100% vốn điều lệ. Các nhà ĐTNN này đến từ các thị trường phát triển hơn Việt Nam như: Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Hồng Kông.

Đi cùng với việc chuyển vốn sang Việt Nam để sở hữu các CTCK, CTQLQ, những người hành nghề chứng khoán nước ngoài sẽ vào Việt Nam để làm việc khiến số lượng nhà ĐTNN mở tài khoản giao dịch chứng khoán trên TTCK Việt Nam ngày càng gia tăng. Điều này đòi hỏi người hành nghề chứng khoán trong nước buộc phải nâng cao trình độ nghiệp vụ để cạnh tranh được với những người hành nghề chứng khoán nước ngoài và có thể phục vụ, thu hút nhà ĐTNN đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Không những vậy, việc mở cửa thị trường vốn cũng sẽ tạo điều kiện cho người hành nghề chứng khoán Việt Nam có điều kiện ra nước ngoài làm việc khi họ đầu quân vào các tập đoàn tài chính đa quốc gia hoặc những tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước có vốn đầu tư ra nước ngoài.

Sự phát triển của khoa học công nghệ

Cũng như các ngành nghề khác trong đời sống xã hội, sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực tài chính (Fintech) đang diễn ra mạnh mẽ. Theo đó, nhiều phần việc tại các tổ chức tài chính đã được tự động hóa, cùng với đó là các sản phẩm tài chính càng ngày càng đa dạng dưới sự hỗ trợ của Fintech.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Tôkyô (Nhật Bản) công bố đưa sàn này trở thành sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo làm nhiệm vụ giám sát thị trường. Dự kiến tốc độ xử lý công việc khi có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo sẽ nhanh gấp 20 lần so với hiện nay.

Đối với Việt Nam, trong gần 10 năm trở lại đây, việc các SGDCK và các CTCK triển khai các công nghệ, phần mềm mới đã làm giảm một khối lượng lớn người hành nghề chứng khoán khi việc nhập lệnh tại sàn giao dịch chứng khoán đã không còn diễn ra mà thay vào đó là lệnh của nhà đầu tư có thể nhập ở một nơi bất kỳ, hệ thống công nghệ của các CTCK sẽ nhận và được chuyển thẳng vào các SGDCK để khớp lệnh.

Các giao dịch khác về tiền của nhà đầu tư cũng có thể trực tiếp xử lý qua máy tính hoặc điện thoại mà không cần làm việc với nhân viên tại quầy. Tại một số công ty, các tính toán và phân tích, đánh giá cổ phiếu từ phân tích kỹ thuật và cơ bản cũng từng bước được các phần mềm xử lý để đưa ra các khuyến nghị cho khách hàng.

Ngày 01/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

Theo đó, việc phát triển đội ngũ người hành nghề chứng khoán theo các quan điểm sau: nâng cao chất lượng nhân viên hành nghề kinh doanh chứng khoán; nâng cao việc tự giám sát người hành nghề chứng khoán tại các CTCK; nâng cao trách nhiệm của người hành nghề chứng khoán; thắt chặt các quy định pháp luật và xử phạt hành chính đối với người không có chứng chỉ hành nghề nhưng thực hiện các công việc của người hành nghề chứng khoán.

Để thực hiện quan điểm này, UBCKNN đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp sau: chuẩn hóa các chương trình đào tạo hành nghề kinh doanh chứng khoán theo các chuẩn mực cao nhất và từng bước mở cửa cho các tổ chức đào tạo chứng khoán nước ngoài có uy tín; chuẩn hóa các quy định về đạo đức nghề nghiệp thông qua việc hướng dẫn các CTCK ban hành quy định về đạo đức nghề nghiệp áp dụng cho người làm việc tại CTCK nói chung và người hành nghề chứng khoán nói riêng; hướng dẫn cụ thể việc giám sát nội bộ đối với người hành nghề trong việc tuân thủ các quy định và đạo đức nghề nghiệp; tăng cường việc xử phạt vi phạm hành chính, quy trách nhiệm của người hành nghề chứng khoán.