Phát triển thị trường chứng khoán: Thêm các giải pháp trước mắt và lâu dài

Song Ngư

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế - xã hội thế giới và Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán (TTCK) duy trì hoạt động ổn định, thanh khoản trên thị trường ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thách thức phía còn lớn, đòi hỏi cần đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài.

Ảnh minh họa. Nguồn: russiabusinesstoday.com
Ảnh minh họa. Nguồn: russiabusinesstoday.com

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế - xã hội thế giới và Việt Nam, lĩnh vực chứng khoán đã trải qua nửa đầu năm 2020 với nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và trực tiếp là Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), TTCK duy trì hoạt động ổn định, thanh khoản trên thị trường ngày càng được cải thiện. Các công ty chứng khoán đã tận dụng tối đa giao dịch từ xa và có phương án chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống các thành phố lớn bị phong tỏa trên diện rộng.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, về cơ bản các giải pháp của Bộ Tài chính và UBCKNN đưa ra đã có tác dụng hỗ trợ và trấn an tâm lý cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Điều này cũng phần nào được minh chứng qua số liệu chứng khoán nửa đầu năm. Thống kê của UBCKNN cho thấy, kết thúc phiên giao dịch ngày 22/6/2020, chỉ số VN-Index đạt 871,28 điểm, tăng 0,79% so với tháng trước, giảm 9,34% so với cuối năm 2019; chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 114,72 điểm, tăng 4,47% so với tháng trước và tăng 11,91% so với cuối năm trước. Thanh khoản của thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ bình quân trong 6 tháng đầu năm (tính đến ngày 11/6) đạt 5.439 tỷ đồng/phiên, tăng 6,8% so với bình quân năm 2019.

Tuy nhiên, nhằm thúc đẩy TTCK phát triển ổn định, bền vững trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến khó lường và chưa thể đánh giá hết được những tác động của dịch bệnh đối với TTCK trong nước và quốc tế, định hướng giải pháp điều hành TTCK trong thời gian tới cần tập trung vào các mục tiêu chính là ổn định tâm lý của nhà đầu tư, theo dõi sát các biến động về dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài để có những giải pháp, chính sách kịp thời, phù hợp. Trong bối cảnh đó, UBCKNN đã đề xuất các giải pháp với Bộ Tài chính nhằm ổn định TTCK trong thời gian tới.

Cụ thể, đối với các giải pháp trước mắt, UBCKNN kiến nghị Bộ Tài chính cho phép kéo dài thời hạn giảm và miễn giá dịch vụ được quy định tại Thông tư số 14/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính đến hết năm nay nhằm đảm bảo các mục tiêu điều hành TTCK trong thời gian tới. Theo lý giải của UBCKNN, Thông tư số 14/2020/TT-BTC được ban hành đã có những tác động tích cực đến diễn biến của TTCK, hỗ trợ một phần không nhỏ đối với các nhà đầu tư tham gia thị trường. Tuy nhiên, thời gian giảm giá từ 10-50% đối với 9 loại giá dịch vụ và miễn hoàn toàn không thu đối với 6 loại giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán sắp hết, chỉ đến ngày 31/8/2020.

Bên cạnh đó, UBCKNN đề xuất cho phép doanh nghiệp FDI nếu đủ điều kiện được niêm yết trên TTCK. Hiện nay, Dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc niêm yết, đăng ký giao dịch của doanh nghiệp FDI chuyển đổi thành công ty cổ phần đang thực hiện xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Trên cơ sở đó, UBCKNN sẽ trình Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế niêm yết, đăng ký giao dịch đối với doanh nghiệp FDI chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Theo đánh giá của UBCKNN, việc tiếp tục cho phép các doanh nghiệp FDI đã được phép chuyển thành công ty cổ phần thực hiện niêm yết sẽ có tác động tích cực đến tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài và môi trường đầu tư của Việt Nam, góp phần giảm đà rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Đối với các giải pháp trung và dài hạn, UBCKNN kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển TTCK, trong đó: Tập trung soạn thảo, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định hướng dẫn Luật Chứng khoán; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng kết 2 năm Đề án Tái cấu trúc TTCK - bảo hiểm giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2025; Phối hợp triển khai Đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo lộ trình và mô hình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07/01/2019; Phối hợp nghiên cứu phương án giao dịch trái phiếu doanh nghiệp; Nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho phát triển các dịch vụ mới trên TTCK thông qua hoàn thiện 02 Đề án: Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và Đề án nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ và khả năng áp dụng để chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán giao dịch trên TTCK.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính thúc đẩy triển khai kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện kiểm tra, xử lý kịp thời các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về niêm yết/đăng ký giao dịch sau khi cổ phần hóa.

Đồng thời, tập trung triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng frontier market lên hạng emerging market trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE. Nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên TTCK, áp dụng các công nghệ tài chính mới (Fintech); chuẩn hóa hoạt động mở tài khoản trực tuyến (e-contract); xác thực khách hàng trực tuyến (EKYC)...

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/6/2020, chỉ số VN-Index đạt 871,28 điểm, tăng 0,79% so với tháng trước, giảm 9,34% so với cuối năm 2019; chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 114,72 điểm, tăng 4,47% so với tháng trước và tăng 11,91% so với cuối năm trước. Thanh khoản của thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ bình quân trong 6 tháng đầu năm (tính đến ngày 11/6) đạt 5.439 tỷ đồng/phiên, tăng 6,8% so với bình quân năm 2019.