Phiên sáng 4/4: Nhà đầu tư giữ tiền mặt, thị trường ảm đạm

Theo Lạc Nhạn/tinnhanhchungkhoan.vn

Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến diễn biến thị trường phiên sáng nay (4/4) khá ảm đạm. VN-Index chỉ may mắn có sắc xanh nhạt với thanh khoản sụt giảm mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong phiên hôm qua, VN-Index bị đẩy xuống sát 980 điểm từ sớm, nhưng sau đó nảy trở lại nhờ sự hỗ trợ của nhóm dầu khí, ngân hàng.

Kịch bản cũ  lặp lại sau giờ nghỉ trưa, VN-Index thêm một lần bị đẩy xuống ngưỡng điểm trên, nhưng thêm một lần bật trở lại, tuy nhiên, VN-Index vẫn đóng cửa trong sắc đỏ.

Theo MBS thì thanh khoản tiếp tục suy giảm có thể là nguyên nhân khiến thị trường không thể gắng gượng. Điểm sáng lại đến từ thị trường phái sinh ở những phút cuối. Tín hiệu đảo ngược từ hợp đồng tương lai tháng 04 có thể là yếu tố hỗ trợ thị trường trong phiên ngày mai.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 4/4, sắc xanh nhanh chóng lấn át trên bảng điện tử ngay khi mở cửa, VN-Index theo đó dần nhích lên trên 985 điểm, mặc dù có thời điểm đã leo lên gần 990 điểm, tuy nhiên, do áp lực bán thường trực luôn hiện diện, mặc dù không quá lớn, nhưng cũng đủ khiến chỉ số rung lắc trong quá trình đi lên.

Như đã nêu trên, số mã tăng đang chiếm ưu thế, nhưng phần lớn lại chỉ là xanh nhạt, nhất là tại các cổ phiếu vốn hóa lớn, bluechip, khi chỉ một số ít nhích hơn 1% như FPT, PNJ và HDB.

Trong khi nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn thu hút nhà đầu tư hơn, khi các mã thanh khoản tốt nhất HOSE phần lớn thuộc nhóm này như ASM, KSH, FLC, DLG, ITA, HSG, LCG, KBC…

Trong đó, KSH nổi bật hơn cả khi tăng kịch trần từ sớm +7% lên 1.380 đồng, khớp lệnh cao thứ 2 chỉ sau ASM với hơn 1,6 triệu đơn vị. LCG cũng đang tiến tới mức trần với 2,2 triệu đơn vị được khớp.

ASM và FLC đang là 2 mã có thanh khoản tốt nhất với hơn 2,6 triệu đơn vị và 2,4 triệu đơn vị được khớp, nhưng không có đột biến về giá.

Đáng chú ý, FLC sáng nay bị khối ngoại bán ra rất mạnh với lượng bán ròng hiện hơn 1,2 triệu đơn vị và chủ yếu bán trong đợt khớp lệnh, nên dù có sức cầu tốt, nhưng FLC không thể tăng giá, mà lình xình quanh tham chiếu.

Ngược lại, một số bị chốt lời và đảo chiều xuống dưới tham chiếu như HNG, HQC, OGC...

Cổ phiếu đáng chú ý khác gần đây là YEG, sau khi thông báo đạt thỏa thuận lưu trữ nội dung trên Youtube được gia hạn thêm 2 tuần đã tiếp tục tăng trần trong phiên sáng nay lên 117.500 đồng, song có đôi chút áp lực bán quay lại nên đã đánh mất sắc tím.

Sau khi cố gắng thử thách ngưỡng 990 điểm và thất bại, VN-Index bị dần đẩy xuống từ giữa phiên, thậm chỉ đã xuống dưới tham chiếu khi khá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, bluechip đảo chiều giảm.

Nhưng lực cầu dần trở lại sau đó, tuy không mạnh nhưng cũng đủ giúp chỉ số trở lại sắc xanh, tuy nhiên, thanh khoản lại là điều nhà đầu tư lo lắng hơn khi sụt giảm mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 153 mã tăng và 108 mã giảm, VN-Index tăng 0,23 điểm (+0,02%), lên 984,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 85,23 triệu đơn vị, giá trị 1.647,6 tỷ đồng, giảm 22% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 13 triệu đơn vị, giá trị 229,8 tỷ đồng.

Như đã nêu trên, một số bluechip đảo chiều và giảm, ảnh hưởng tiêu cực lên chỉ số như VIC -0,3% xuống 114.600 đồng; VHM -0,5% xuống 91.500 đồng; GAS -0,1% xuống 101.400 đồng; BID -0,84% xuống 35.400 đồng; VRE -0,3% xuống 35.400 đồng…cùng khá nhiều mã giằng co và kết phiên may mắn hơn ở mức tham chiếu như VCB, VNM, TCB, VJC, PLX, HPG, VPB, STB.

Các mã tăng đáng kể chỉ có HDB +2,3% lên 28.900 đồng; PNJ +1,6% lên 100.500 đồng, còn lại chỉ có sắc xanh nhạt như SAB, MSN, CTG, NVL, MBB…

Trong đó, thanh khoản cao nhất là ROS với gần 2,2 triệu đơn vị (ROS -1%); MBB có 1,45 triệu đơn vị; FPT tăng nhẹ và có 1,17 triệu đơn vị; HDB có 1,16 triệu đơn vị; VRE có 1,12 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn là nơi dòng tiền hướng đến, khi đa số tăng điểm như ASM, LCG, PVD, DLG, KSH, KBC, HAG, OGC, NKG, IJC…khớp lệnh từ 0,8 triệu đến 2,8 triệu đơn vị.

Ngược lại, mất điểm chỉ còn FLC, HNG, ITA là đáng kể, trong đó, FLC khớp lệnh cáo nhất HOSE với 2,9 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý khác là YEG +5,6% lên 116.000 đồng, mặc dù có thời điểm tăng kịch trần, khớp hơn 83.000 đơn vị; BMI +5,1% lên 25.750 đồng; FMC +4,7% lên 29.100 đồng; C32 +4,4% lên 30.750 đồng; CSV +3,8% lên 31.750 đồng….

Trên sàn HNX, diễn biến tương tự trên HOSE, khi chỉ số tăng điểm trong nửa đầu phiên, sau đó đảo chiều giảm, tuy nhiên, HNX-Index lại thiếu may mắn hơn khi tạm nghỉ trong sắc đỏ.

Theo đó, chỉ số chịu áp lực từ VGC -1% xuống 20.500 đồng; SHB -1,3% xuống 7.500 đồng; NVB -1,2% xuống 8.600 đồng; PGS -0,3% xuống 34.800 đồng; PVB -2,4% xuống 20.500 đồng.

Một số còn tăng là PVS +0,5% lên 22.100 đồng; VCS +4,1% lên 66.800 đồng; PVI +2,9% lên 39.000 đồng; CEO +1,7% lên 12.200 đồng; MBS +0,7% lên 15.600 đồng; DBC +0,4% lên 24.100 đồng; TNG +0,4% lên 23.000 đồng..

Trong khi đó, ACB, VCG, ART, HUT đứng ở mức tham chiếu.

Khớp lệnh cao nhất sàn là SHB với hơn 3,11 triệu đơn vị; PVS có 2,16 triệu đơn vị; 2 mã nhỏ PVX có 1,2 triệu đơn vị, giảm sàn và BII có 1,03 triệu đơn vị, đứng giá tham chiếu.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 35 mã tăng và 61 mã giảm, HNX-Index giảm 0,2 điểm (-0,19%), xuống 107,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16,5 triệu đơn vị, giá trị 213,68 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,37 triệu đơn vị, giá trị 18,5 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index chớm đỏ khi mở cửa, nhưng sau đó dần đi lên và kết phiên trong sắc xanh.

Điểm tích cực là hầu hết các mã lớn quen thuộc đều tăng điểm hỗ trợ chỉ số như BSR, GVR, VGI, HVN, VIB, OIL, MPC, VGT, NTC, CTR, MSR... Chỉ còn một vài mã giảm điểm là LPB, VEA, ACV, DVN.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,24%), lên 56,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,81 triệu đơn vị, giá trị 114,51 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,3 triệu đơn vị, giá trị 8,2 tỷ đồng.