Phối hợp, thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ chứng khoán phát triển

Nghi Thu

(Tài chính) Sáng ngày 9/1/2013, tại Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2013”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham gia hội nghị còn có lãnh đạo UBCKNN, các công ty chứng khoán, quản lý quỹ...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
2012 - Năm vượt khó

Trong báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết: Năm 2012 đã qua là một năm mà nền kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, điều đó đã tác động không nhỏ tới sự phát triển của TTCK Việt Nam. Nhằm khôi phục sự phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, Chính phủ và Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ như tích cực nhằm tái cấu trúc nền kinh tế, thực hiện các chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế hợp lý. Bên cạnh đó từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế trong nước.

Mặc dù chỉ số TTCK của Việt Nam thuộc nhóm tăng cao trên thế giới nhưng hoạt động của thị trường trong năm 2012 có nhiều khó khăn. Tính đến cuối năm, Vn-Index đứng ở mức 413,73 điểm, tăng 17,7%; chỉ số HNX-Index đứng ở mức 57,09 điểm, giảm 2,8% so với cuối năm 2011. Vốn hoá ở mức 765 nghìn tỷ đồng, tăng 226 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2011, chiếm 26% GDP. Trên sàn Hà Nội, tổng giá trị vốn hoá thấp hơn tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá do có tới 283/391 cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá. Tính chung, đến cuối năm 2012, trên 2 sàn có 704 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 338,3 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2011.

Theo báo cáo, tổng giá trị huy động vốn ước đạt 174 nghìn tỷ đồng, tăng 70%; trong đó cổ phiếu và cổ phần hoá là 18 nghìn tỷ đồng. Vốn huy động qua trái phiếu Chính phủ tăng cao, đạt 156 nghìn tỷ đồng, tăng 92% so với năm 2011; Số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,2 triệu tài khoản. Đáng mừng là dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thuần đạt 300 triệu USD, tăng 25% so với năm 2011. Nếu tính cả vốn vào thị trường chưa niêm yết, số liệu ước đạt 2 tỷ USD, tính chung dòng vốn đầu tư gián tiếp tăng 10% so với năm 2011.

Về cơ chế, chính sách liên quan thúc đẩy TTCK,  năm 2012 theo đánh giá của các thành viên tham gia thị trường đã có sự nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách cho công tác phát triển và tái cấu trúc TTCK đã được hoàn thiện và ban hành như: Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020; Đề án tái cấu trúc TTCK và DN bảo hiểm; Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp; Đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán; Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán và 20 Thông tư hướng dẫn về công bố thông tin, quản trị công ty, hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, thành lập và quản lý quỹ đóng, quỹ ETFs, quỹ đầu tư bất động sản, công ty đầu tư chứng khoán... được ban hành.

Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ TTCK

Định hướng phát triển TTCK trong năm 2013 và những năm tiếp theo, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh, về phía cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư đều mong muốn TTCK phát triển bởi thị trường đã hình thành và vượt qua thử thách trong 13 năm qua. Có thể nói, chứng khoán đã trở thành một ngành nghề nên cần được phát triển theo hướng bền vững và an toàn.

Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ và thực thi các chính sách tài khoá và tiền tệ nhằm hỗ trợ thị trường; tích cực tái cơ cấu DN, trong đó trọng tâm là các Tập đoàn, Tổng công ty bao gồm xử lý nợ và nợ xấu; các chính sách thuế, phí để tháo gỡ khó khăn cho DN. Về thể chế, tiến tới sửa tiếp Luật Chứng khoán 2010 bởi nhiều quy định trong Luật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường, bị bó hẹp làm cản trở thị trường trong tương lai.

Bên cạnh đó, sẽ đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin cho toàn bộ TTCK như: Kết nối với các Sở giao dịch chứng khoán với Sở giao dịch chứng khoán ASEAN, kết nối thanh toán bù trừ và quyết toán chứng khoán với hệ thống thanh toán liên ngân hàng; hệ thống vay và cho vay chứng khoán...

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết Bộ Tài chính đồng tình với các giải pháp nhằm phát triển TTCK mà UBCKNN đưa ra tại Hội nghị lần này. Thứ trưởng khẳng định Bộ Tài chính luôn quan tâm tới mục tiêu phát triển TTCK Việt Nam bền vững, an toàn. Đối với 8 giải pháp của UBCKNN đã đưa ra, Thứ trưởng yêu cầu UBCKNN cần triển khai quyết liệt, có lộ trình phù hợp để từng bước triển khai có hiệu quả các giải pháp.

8 nhóm giải pháp năm 2013 do UBCKNN đề xuất:

Thứ nhất, không đưa chứng khoán vào nhóm phi sản xuất để thể hiện quan điểm nhìn nhận TTCK đúng bản chất hơn và thể hiện sự quan tâm đến TTCK.

Thứ hai, Tháo gỡ khó khăn cho DN như cho phép DN phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá trên cơ sở ý kiến của Đại hội đồng cổ đông về giá phát hành dưới mệnh giá; Xem xét tháo gỡ DN trong vấn đề huy động vốn qua phát hành trái phiếu...

Thứ ba, Thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng việc cho phép thí điểm một số loại hình công ty niêm yết cho phép nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nắm giữ cổ phiếu không có quyền biểu quyết vượt tỷ lệ trên 49%, ngoại trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 49% đến 100% trong các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Thứ tư, giải pháp ưu đãi về thuế đối với các loại quỹ đầu tư mới; kéo dài việc miễn giảm về thuế đối với lĩnh vực chứng khoán.

Thứ năm, các giải pháp về thanh khoản như nới tỷ lệ margin lên 50/50, mở rộng biên độ giao dịch trên 2 sàn, miễn giảm phí lưu ký khoảng 20% cho năm 2013.

Thứ sáu, về cổ phần hoá DN để tạo điều kiện cho nhà đầu tư tổ chức có nhu cầu đầu tư lâu dài, xây dựng cơ chế chào bán linh hoạt...

Thứ bảy, triển khai các sản phẩm mới như: Quỹ mở, quỹ hưu trí, quỹ bất động sản.

Thứ tám, nâng cao công tác kế toán- kiểm toán như áp dụng quy định mới về xử lý chênh lệch tỷ giá, xây dựng cơ chế trích lập dự phòng, các quy định về kế toán đối quỹ đầu tư, DN niêm yết và công ty chứng khoán.