PVX thêm gần bờ vực?

Theo nhipcaudautu.vn

(Tài chính) Không lâu sau khi nhận chuyển nhượng hơn 7 triệu cổ phiếu một công ty ngoài ngành từ Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA), Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) tiếp tục bỏ tiền vào một công ty con khác. Động thái này khiến nhà đầu tư không khỏi đặt nghi vấn về lời hứa tái cấu trúc PVX.

 PVX thêm gần bờ vực?
Hoạt động chính của PVX là xây lắp cho các công trình dầu khí. Nguồn: internet

Tái cấu trúc đến đâu?

PVX từng là một cổ phiếu hàng đầu của sàn Hà Nội (HNX), có lúc giá cổ phiếu tăng trên mức 30.000 đồng/cổ phiếu mà thanh khoản vẫn cao nhất sàn. Giá trị này khiến cổ đông PVX tin rằng mình đang nắm trong tay một trong những cổ phiếu tốt nhất. Thế nhưng mọi ước ao về PVX đã bị đổ vỡ từ năm 2011, khi công ty này bắt đầu chuỗi ngày lỗ lã cho đến nay.

Báo cáo tài chính mới nhất cho thấy, sau 9 tháng đầu năm 2013, PVX đã lỗ gần 1.400 tỉ đồng, xấp xỉ vốn chủ sở hữu. Hoạt động chính của PVX là xây lắp cho các công trình dầu khí. Khi Chính phủ cắt giảm đầu tư công, PVX cũng bị ảnh hưởng một phần. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến PVX lỗ lớn đến vậy còn phải kể đến chuyện đầu tư dàn trải. Trong số gần 40 công ty PVX góp vốn, có hơn chục công ty không thuộc ngành nghề chính.

Chẳng hạn như các công ty về bất động sản (nhà ở, sân golf, khu công nghiệp), du lịch - khách sạn… Thị trường bất động sản đóng băng khiến các công ty con lao đao và PVX cũng điêu đứng theo. Trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư dài hạn là một trong những nguyên nhân chính khiến PVX lâm vào tình cảnh hiện tại.

Lỗ lớn nhưng nỗ lực khắc phục của PVX cũng khá chậm trễ. Mặc dù lỗ trên nghìn tỉ từ hai năm 2011 và 2012 nhưng đến quý III/2013, PVX mới công bố phương án tái cấu trúc. Phương án này cho thấy PVX sẽ thoái hết vốn ngoài ngành trong giai đoạn 2013 – 2015. Nhưng cho đến hiện tại, Tổng Công ty này vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể nào về các khoản cần bán bớt.

Đã vậy, PVX lại tiếp tục rót vốn vào công ty con và mua thêm cổ phiếu. Hồi đầu tháng 11/2013, PVX cho biết sẽ góp hơn 30 tỉ đồng nữa vào công ty con là Kết cấu kim loại và Lắp máy Dầu khí (PXS). Mặc dù PVX không phải xuất tiền túi (lấy từ cổ tức, cấn trừ công nợ) nhưng cũng là nguồn thu của Công ty. Số này có thể giúp PVX trả được một nửa lãi vay quý III/2013. Bởi vậy, động thái này càng cho thấy PVX muốn giữ quyền kiểm soát ở công ty con hơn là muốn tái cấu trúc.

Trước đó, PVX cũng nhận chuyển hơn 7 triệu cổ phiếu Công ty Xi măng Dầu khí Nghệ An. Nhìn vào Báo cáo tài chính có thể thấy, đây là khoản cấn trừ công nợ với công ty liên kết PVA. Quý II/2013, PVX còn khoản phải thu với PVA gần 100 tỉ đồng nhưng quý III/2013 đã biến mất hoàn toàn trong khi giá trị chuyển nhượng số cổ phiếu này chỉ hơn 75 tỉ đồng.

Thu nợ cách này khó giúp PVX đem về tiền mặt bời ngành xi măng đang gặp hạn lớn. Hơn nữa, cổ phiếu này niêm yết trên thị trường phi tập trung (OTC), vốn rất khó giao dịch. Dù gì đi nữa, tái cấu trúc kiểu này cũng chỉ giúp PVX làm đẹp các con số.

Phá sản được không?

Không sớm tập trung cho tái cấu trúc nên kết quả kinh doanh PVX ngày càng thê thảm là chuyện dễ hiểu. Đáng nói hơn, nợ ngắn hạn PVX đã vượt tài sản ngắn hạn. Trên nguyên tắc, chỉ số này cho thấy PVX đã mất khả năng trả nợ. Vậy phải chăng PVX đã đứng cận kề bờ vực đổ vỡ?

Theo Chuyên gia Tài chính Hoàng Thạch Lân, khả năng phá sản của PVX không đáng kể, bởi nhiều lí do. Trước tiên, trong số nợ ngắn hạn hơn 12.000 tỉ đồng của PVX, chỉ có gần 2.400 tỉ đồng là nợ ngân hàng, còn lại là khoản liên quan đến hợp đồng thi công. Nếu so với tài sản ngắn hạn hơn 11.000 tỉ đồng thì hẳn PVX không cần quá lo bởi nợ khách hàng thì PVX còn có cửa thương lượng kéo dài thời gian trả nợ.

Ngoài ra, PVX còn có cơ hội được hoàn nhập dự phòng. Tính đến cuối quý III/2013, PVX trích lập dự phòng khoảng 1.560 tỉ đồng. Nhưng hơn phân nửa số này được trích lập cho các khoản phải thu khách hàng xây lắp. Tức là nếu PVX hoàn thành xong các hợp đồng xây dựng, Tổng Công ty sẽ được hoàn nhập số tiền tương ứng và có thể cải thiện kết quả kinh doanh đang nguy ngập.

Thậm chí, được sự hỗ trợ của công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), kết quả kinh doanh của PVX đang có nhiều hứa hẹn. Với hợp đồng thực hiện tổng thầu EPC cho Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trị giá 1,2 tỉ USD, PVX có cơ hội gặt hái được khoản lợi nhuận lớn trong thời gian tới. Trong khi PVN đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn đầu tư thì PVX cũng có kế hoạch huy động thêm vốn để triển khai.

PVX dự định tăng vốn từ 4.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng. Việc này cũng không phải khó với PVX. Trong đợt tăng vốn từ 2.500 tỉ đồng lên 4.000 tỉ đồng hồi đầu năm 2013 của PVX, trong khi nhà đầu tư chiến lược ngó lơ thì PVN nhảy vào mua một lượng lớn. Nay là cổ đông lớn nắm hơn 51% cổ phần, PVN sẽ khó đứng ngoài nếu PVX muốn gọi thêm vốn.

Trước mắt, PVX còn đối mặt với một thách thức nữa, đó là hủy niêm yết. Nếu hết năm 2013 PVX vẫn lỗ thì cổ phiếu Công ty sẽ bị hủy niêm yết. Khi ấy, ngoài PVN, PVX sẽ khó huy động vốn từ các cổ đông khác. Tuy nhiên, có vẻ như các cổ đông của PVX còn được hưởng lợi từ giá cổ phiếu. Giá cổ phiếu hiện nay của PVX dưới mức 3.000 đồng/cổ phiếu.

Giả sử PVX bị hủy niêm yết, sau khi được tái cấu trúc và niêm yết trở lại trong vài năm tới thì giá chào sàn thấp nhất cũng 10.000 đồng/cổ phiếu (mệnh giá). Lợi nhuận từ chênh lệch giá khá lớn nhưng thời điểm niêm yết trở lại thì khó nói trước.