Quản lý rủi ro trên thị trường phái sinh Việt Nam

PV.

Đó là hội thảo vừa được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Trung tâm lưu ký Việt Nam (VSD) tổ chức hôm 10/11/2016.

Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: hxn.vn
Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: hxn.vn

Tham dự hội thảo có các đại diện lãnh đạo UBCKNN, VSD, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh cùng 200 đại biểu đến từ các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ.

Hội nghị nhằm giúp các thành viên thị trường và nhà đầu tư hiểu và nắm rõ kiến thức về rủi ro trên thị trường chứng khoán phái sinh từ đó có những biện pháp phòng ngừa rủi ro để hướng tới xây dựng một thị trường chứng khoán phái sinh bền vững.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Tổng Giám đốc phụ trách HNX chia sẻ chứng khoán phái sinh là các sản phẩm mới, tạo ra cơ hội đầu tư và sinh lời cho các nhà đầu tư, đồng thời cung cấp giải pháp phòng ngừa rủi ro.

Được Chính phủ và Bộ Tài chính giao tổ chức thị trường  chứng khoán phái sinh, từ đầu năm nay, HNX và VSD đã tích cực nghiên cứu, chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, hệ thống, nhân lực để triển khai xây dựng TTCK phái sinh. Theo lộ trình, cuối tháng 12/2016 HNX, VSD và UBCK sẽ báo cáo Bộ Tài chính và Chính phủ công tác chuẩn bị cho TTCK phái sinh.

Đối với TTCK phái sinh, ngoài việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, việc xây dựng các quy trình vận hành là vô cùng quan trọng nhất là các quy trình quản lý rủi ro bởi đây cũng là điều kiện tiên quyết đảm bảo sự bền vững của thị trường.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện UBCKNN, ông Đặng Tài An Trang, Phó Chánh Văn phòng cho biết, mục tiêu quản lý của UBCKNN đối với TTCK phái sinh là bảo vệ nhà đầu tư, đảm bảo thị trường vận hành công bằng, hiệu quả, minh bạch và giảm thiểu rủi ro hệ thống. Vì vậy, UBCKNN đặt ra nguyên tắc quản lý thị trường CKPS nhằm bảo vệ tài sản khách hàng, đảm bảo năng lực và sự trung thực của tổ chức kinh doanh chứng khoán, tính toàn vẹn của thị trường. 

Dựa trên các nguyên tắc này, UBCKNN đã đưa ra các biện pháp quản lý rủi ro đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh như quy định về điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh với các nghiệp vụ môi giới, tự doanh, tư vấn (ví dụ, để thực hiện nghiệp vụ môi giới, CTCK phải có vốn điều lệ 800 tỷ đồng trở lên, không lỗ trong 2 năm gần nhất, tỷ lệ vốn khả dụng tối thiểu 220% trong 12 tháng gần nhất…); điều kiện làm thành viên bù trừ đối với các CTCK, NHTM; tổ chức giao dịch chứng khoán phái sinh khác như Sở Giao dịch Chứng khoán, VSD…và các quy định về hoạt động của thị trường CKPS.

Đại diện HNX, Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc phòng TTCK phái sinh HNX đã trình bày tổng quan rủi ro TTCK phái sinh. Theo đại diện HNX, rủi ro trên thị trường chứng khoán phái sinh gồm hai rủi ro chính gồm rủi ro toàn thị trường (trong đó có rủi ro nguy cơ thao túng giá) và rủi ro trong vận hành.  

Để quản lý rủi ro thao túng giá, HNX đã lựa chọn các tài sản cơ sở và thiết kế sản phẩm tránh thao túng giá là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Ngoài ra, trong khi thiết kế các sản phẩm hợp đồng tương lai, HNX cũng xây dựng phương pháp xác định giá, phương thức thanh toán phù hợp, nhằm tránh thao túng giá. 

Bên cạnh đó, để phòng ngừa rủi ro trên hệ thống giao dịch, HNX đã xây dựng hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh với các chức năng như giao dịch, quản lý thành viên, kết nối với VSD, phòng ngừa rủi ro, chức năng thống kê, cảnh báo, hệ thống giám sát, công cụ giám sát…

Với vai trò là tổ chức thực hiện thanh toán, bù trừ giao dịch chứng khoán phái sinh, VSD đã trao đổi về các biện pháp quản lý rủi ro liên quan tới hoạt động của cơ chế Đối tác thanh toán trung tâm CCP như xây dựng cơ chế xử lý trường hợp mất khả năng thanh toán, quy định về ký quỹ, thiết lập và giám sát giới hạn vị thế.

Điểm đặc biệt tại hội thảo, các thành viên tham dự đã được nghe GS.Phạm Hi Đức, Viện John Von Neumann, Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh chia sẻ cách nhìn tổng quan về quản lý rủi ro thị trường qua lăng kính Basel IV. Theo Giáo sư, Basel IV là tiền đề cho việc quản lý rủi ro thị trường một cách bền vững.

Ngoài ra, hội thảo còn được nghe ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh chia sẻ về quản trị rủi ro trên thị trường chứng khoán phái sinh, kinh nghiệm nhận diện rủi ro, xây dựng cấu trúc quản lý rủi ro, tách biệt vận hành từ góc độ của thành viên giao dịch và bù trừ.