Quản lý thị trường vàng: Thực trạng và giải pháp

TS. Nguyễn Thị Thùy Dương - Đại học Kinh tế Quốc dân

Năm 2016 thị trường vàng trong nước có nhiều biến động do chịu ảnh hưởng của diễn biến giá vàng trên thế giới. Tuy nhiên, với những biện pháp quản lý, điều hành thị trường vàng của các cơ quan liên quan nói chung và Ngân hàng Nhà nước nói riêng, thị trường vàng trong nước đã cơ bản ổn định, minh bạch. Để thị trường vàng trong nước tiếp tục hoạt động lành mạnh, ổn định trong năm 2017, cơ quan điều hành cần có giải pháp để cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu trong ngắn hạn, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cho hoạt động giao dịch vàng và điều tiết hoạt động kinh doanh của sàn vàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng thị trường vàng năm 2016

Việt Nam là một trong 10 nước tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới. Năm 2013, Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về nhu cầu vàng tiêu dùng, đến năm 2015 Việt Nam xếp thứ 9.

Về nhu cầu về vàng trang sức: Ở Việt Nam, thống kê nhu cầu vàng trang sức chỉ chiếm 25% tổng nhu cầu vàng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người dân Việt Nam có xu hướng mua vàng trang sức tăng lên vì nền kinh tế ổn định và lạm phát thấp, giá vàng giảm nhiều so với trước. Lượng vàng trang sức tiêu thụ tại Việt Nam năm 2015 tăng 22,8% so với năm 2014 và tăng 27,9% so với năm 2013.

Về nhu cầu vàng miếng và vàng xu để đầu tư: Chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhu cầu về vàng tại Việt Nam, tuy nhiên, tỷ trọng này giảm dần qua các năm 2013, 2014, 2015 lần lượt là 87%, 82% và 75%. Người Việt Nam thích mua vàng để tích trữ như một công cụ chống lạm phát, vì lạm phát ở Việt Nam có thời kỳ lên cao nhất châu Á, đồng nội tệ mất giá và vàng là nơi trú ẩn an toàn nhất.

Với nhu cầu vàng đạt trên 60 tấn/năm trong khi cung về vàng bị hạn chế, chưa liên thông với thị trường thế giới, nên giá vàng tại Việt Nam luôn cao hơn giá vàng thế giới. Nếu trong 3 tháng đầu năm 2016, thị trường vàng trong nước đã có khoảng cách chênh lệch thu hẹp với giá vàng thế giới (chỉ còn khoảng 200.000 đồng/lượng), thì đến 3 tháng cuối năm 2016 biên độ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lại tăng mạnh. Tháng 12/2016, có thời điểm biên độ này vượt trên 5 triệu đồng/lượng.

Để phản ánh mức độ thay đổi tương đối của giá vàng theo thời gian, người ta sử dụng chỉ số giá vàng tính theo tỷ lệ phần trăm. Hàng tháng, Tổng cục Thống kê tính toán chi tiết chỉ số này bên cạnh chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số USD. Xét trong cả năm 2016, tốc độ tăng giá của vàng mạnh nhất vào tháng 7 và giảm mạnh nhất vào tháng 12.

Tăng cường quản lý thị trường vàng

Sự biến động của giá vàng trong nước ngoài ảnh hưởng của cung, cầu thị trường thì còn chịu sự tác động của hoạt động quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước. Nhằm tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP trong đó nhấn mạnh một số nội dung quan trọng sau:

Một là, NHNN quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng. Để được sản xuất vàng miếng, các doanh nghiệp (DN) phải đáp ứng các điều kiện hết sức khắt khe như có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên; có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng miếng; chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất. Việc sản xuất vàng miếng được thực hiện theo hạn mức do NHNN cấp từng lần. Thương hiệu vàng SJC trở thành thương hiệu vàng duy nhất và thuộc quyền quản lý của nhà nước. 

Hai là, thu hẹp đối tượng được phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Để được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh mua bán vàng miếng, các DN phải đáp ứng đủ các điều kiện như có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất, có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Nghị định cũng quy định hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và DN được NHNN cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

Ba là, NHNN quản lý chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu và hoạt động sản xuất mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ. NHNN là cơ quan tổ chức và cấp phép hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. NHNN sẽ lựa chọn hình thức phù hợp với thực tế và mục tiêu quản lý theo từng giai đoạn. Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định, DN hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ có trách nhiệm thực hiện đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng của sản phẩm theo quy định pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố…

Bốn là, Nghị định cho phép NHNN thực hiện can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các hoạt động cấp phép sản xuất vàng miếng, tổ chức mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước; tổ chức xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu, tổ chức huy động vàng.

Từ việc chủ động, linh hoạt trong điều hành quản lý thị trường vàng của NHNN, năm 2016 thị trường vàng đã đạt được những kết quả sau:

Thứ nhất, thị trường vàng trở nên ổn định hơn, không để xảy ra hiện tượng sốt vàng, khan hiếm USD, tạo điều kiện cho tỷ giá ổn định. Người dân không còn gặp phải các rủi ro cao do đầu cơ vàng hoặc đổ xô đi mua vàng lúc vàng lên giá. Quyền lợi của người dân được đảm bảo khi Nhà nước quản lý chặt chẽ chất lượng vàng, hoạt động kinh doanh của các DN vàng minh bạch hơn.

Thứ hai, các tổ chức tín dụng chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng để loại trừ rủi ro liên quan đến vàng, xử lý triệt để hiện tượng “vàng hóa”. Ngân hàng thương mại không còn tham gia tạo tiền trong quá trình hoạt động từ việc cho vay bằng vàng. Nguy cơ đổ vỡ thanh khoản vàng tại các tổ chức tín dụng đã được loại bỏ.

Thứ ba, NHNN kiểm soát tốt hơn cung tiền, qua đó kiểm soát lạm phát và đảm bảo sự ổn định của kinh tế vĩ mô. NHNN đã thực hiện chức năng là người cung ứng cuối cùng cho thị trường vàng khi bối cảnh cung - cầu vàng mất cân đối. NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu công khai, minh bạch với tổng khối lượng khoảng 68 tấn, để bán cho các tổ chức tín dụng tất toán số dư huy động và bán ra thị trường.

Nhờ đó, 18 tổ chức tín dụng đã tất toán hoàn toàn số dư huy động vốn bằng vàng, đồng thời thu về cho ngân sách nhà nước khoảng 7.000 tỷ đồng. Hai năm trở lại đây, NHNN không còn phải xuất dự trữ ngoại tệ để mua vàng bình ổn thị trường nên tiết kiệm được lượng lớn ngoại tệ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý thị trường vàng hiện có một số khó khăn, hạn chế sau:

Thứ nhất, chính sách đóng cửa khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới khá cao, đặc biệt là vàng SJC, tạo ra tình trạng đầu cơ, buôn lậu vàng. Trong điều kiện hội nhập, thị trường mở cửa, Nhà nước không thể mãi thi hành chính sách đóng cửa với hàng hóa này. Tuy nhiên, do vàng là hàng hóa đặc biệt, nên việc lưu thông vàng đòi hỏi cần phải có những quy định khắt khe đi kèm.

Thứ hai, các DN kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ gặp khó khăn khi họ không được cấp phép nhập khẩu vàng mà nhu cầu ngày càng tăng nên phải mua vàng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, mua hàng nhập lậu vừa rủi ro cho DN vừa tạo điều kiện cho thị trường ngoại tệ “chợ đen” phát triển. Một số DN vàng không vay được vốn ngân hàng, không có nguyên liệu sản xuất nên phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Năng lực sản xuất của các DN vàng trong nước sụt giảm trong khi hàng trang sức từ nước ngoài mẫu mã đẹp, giá rẻ dẫn đến các DN trong nước tụt hậu với thế giới, khó có thể cạnh tranh được và bắt buộc phải trở thành đại lý của các DN vàng nước ngoài.

Quản lý thị trường vàng: Thực trạng và giải pháp - Ảnh 1
Thứ ba, khi NHNN vừa thực hiện chức năng kinh doanh vàng vừa thực hiện chức năng bình ổn thị trường vàng, dễ dẫn tới mâu thuẫn về mục tiêu. NHNN khó do nhu cầu sẽ dẫn đến việc có thể kiểm soát được thị trường vàng trong ngắn hạn, người dân có thể bị thiệt hại khi luôn phải mua vàng với giá cao.

Ngoài ra, việc Nhà nước cấm hoàn toàn giao dịch của sàn vàng, các sàn vàng mở trái phép, gây khó khăn cho việc quản lý. Hơn nữa, việc cấm giao dịch vàng tài khoản, chỉ cho phép giao dịch vàng vật chất gây tốn kém ngoại tệ nhập khẩu và tăng chi phí cho DN. Với cách làm như hiện nay thì Nhà nước chưa thể huy động được một lượng lớn vàng trong dân (theo tính toán của Hiệp hội Kinh doanh vàng, vàng trong dân còn khoảng 500 tấn).

Linh hoạt sử dụng các biện pháp trong từng giai đoạn

Một là, NHNN nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho một số DN đã được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng, trang sức, mỹ nghệ. Số vàng nhập khẩu phải được kiểm soát chặt chẽ về mục đích sử dụng. Để điều tiết Nhà nước có thể dùng chính sách thuế và phí thay vì sử dụng mệnh lệnh hành chính.

Hai là, sớm ban hành các văn bản quy định làm khung pháp lý cho hoạt động giao dịch vàng tài khoản, điều tiết hoạt động kinh doanh của sàn vàng, có cơ chế linh hoạt hơn nhằm giúp thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường quốc tế. Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa NHNN, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc phối hợp điều tiết và quản lý thị trường vàng.

Mở lại các nghiệp vụ kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài áp dụng cho một số DN thỏa mãn những điều kiện nhất định. Xu thế giao dịch vàng tài khoản là xu thế phổ biến hiện nay của thế giới (chiếm gần 80%). Vì vậy, việc cho phép các DN Việt Nam thực hiện các giao dịch này là phù hợp với sự phát triển. 

Ba là, nghiên cứu thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia đặt dưới sự quản lý, giám sát của NHNN. Việc thành lập Sở Giao dịch Vàng quốc gia giúp Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân, đáp ứng nhu cầu đầu tư vàng của người dân cũng như nhu cầu vàng nguyên liệu của DN kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ, góp phần đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả. 

Sở Giao dịch Vàng quốc gia thường xuyên thực hiện diễn biến thị trường vàng chế độ báo cáo lên NHNN. Sở này cho phép kinh doanh vàng vật chất và vàng tài khoản. Trong giai đoạn đầu, chỉ nên cho phép nhà đầu tư là tổ chức được giao dịch, sau đó mới mở rộng cho phép nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân chỉ được phép giao dịch trong giới hạn số dư tài khoản của họ.

Tóm lại, việc điều tiết và quản lý thị trường vàng là quá trình vừa làm, vừa thử nghiệm và rút kinh nghiệm. Chính sách và các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng cần linh hoạt với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế, không có một chính sách một biện pháp nào đúng cho mọi giai đoạn. NHNN cần nhận thức được sự chuyển động và đòi hỏi không ngừng của nền kinh tế, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu quản lý với lợi ích của DN và người tiêu dùng, trong đó lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu.       

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2011), Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng;

2. NHNN (2012), Thông tư 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 của NHNN Việt Nam hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng;

3. NHNN (2015), Thông tư 38/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 của NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2012/TT-NHNN;

4. Tổng cục Thống kê (2016), CPI, chỉ số giá vàng và chỉ số USD tổng hợp các tháng trong năm 2016;

5. World Gold Council, Gold Demand Trends Full year 2013,2014,2015.