Qui định công bố thông tin doanh nghiệp của TTCK Việt Nam còn hơn thông lệ quốc tế
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng khi nói về hiện trạng công bố thông tin (CBTT) của doanh nghiệp (DN) trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Đồng thời cho rằng về mặt pháp lý, quy định của Việt Nam đều theo chuẩn mực quốc tế, thậm chí còn có điểm chặt chẽ hơn quốc tế.
Sáng nay 4/4, chuyên trang Người Đồng Hành tổ chức buổi toạ đàm NDH Talk 09 với chủ đề "CBTT của các DN trên TTCK".
Sự kiện do Chủ tịch CTCP Chứng khoán SSI - ông Nguyễn Duy Hưng điều phối và có sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - ông Trần Văn Dũng, Chuyên gia Quản trị công ty của IFC - bà Nguyễn Thị Nguyệt Anh, Giám đốc CMA Australia - ông Phan Lê Thành Long và CEO Công ty kiểm toán E&Y Việt Nam - ông Trần Đình Cường.
Tai buổi tọa đàm, các diễn giả đã lần lượt trình bày quan điểm của mình về thực trạng CBTT của DN đại chúng tại Việt Nam.
Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Nói về hiện trạng CBTT của DN đại chúng của Việt Nam, có hai khía cạnh đáng chú ý:
Thứ nhất, về mặt pháp lý, quy định pháp luật của Việt Nam đều theo chuẩn mực quốc tế, thậm chí còn có điểm chặt chẽ hơn quốc tế.
Chẳng hạn, ở nước ngoài, DN phải công bố BCTC hàng quý, BCTC hàng năm phải có kiểm toán. Ở Việt Nam phải công bố BCTC hàng quí, BCTC 6 tháng phải có soát xét, hàng năm phải có kiểm toán.
Tới đây qui định về hệ thống quản lí DN sẽ được hẳn đưa vào trong luật thay vì chỉ ở mức nghị định như hiện nay.
Tuy nhiên, về mặt thực hành có nhiều vấn đề. Nếu nhìn góc độ tích cực, 5 năm vừa qua số DN vi phạm giảm mạnh. Số DN đáp ứng tiêu chuẩn CBTT năm 2018 tăng gấp đôi 2017.
Ở khía cạnh chưa tốt, năm 2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành tới gần 400 quyết định xử phạt, hơn 50% là phạt CBTT. Chất lượng quản trị công ty đang có nhiều vấn đề, so sánh trong khối ASEAN 6 thì điểm quản trị công ty của Việt Nam thấp nhất. Đây là điểm chúng ta cần cải thiện trong thời gian tới.
Ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc CMA Australia
Hiện trạng CBTT trên TTCK Việt Nam có nhiều loại khác nhau gồm CBTT tài chính và thông tin phi tài chính.
Về CBTT tài chính, trên thị trường có nhiều bất cập, chất lượng báo cáo tài chính có nhiều vấn đề, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam nằm trong nhóm 12 quốc gia không theo chuẩn quốc tế nào. Đây là nguyên nhân khiến DN niêm yết gặp nhiều hạn chế trong CBTT.
Trên TTCK Mỹ hàng năm có khoảng 300 trường hợp bị Ủy ban yêu cầu trình bày lại báo cáo tài chính sau khi đã công bố, Việt Nam thực tế không có trường hợp nào như vậy
Ở Việt Nam rất khó để cơ quan quản lý giám sát chất lượng CBTT, qui định hiện có nhiều 'room' để DN CBTT theo định hướng nào đó.
Đối với CBTT phi tài chính, ngoài báo cáo tài chính DN còn có báo cáo thường niên, các đợt CBTT bất thường. Báo cáo thường niên gồm nhiều thông tin phi tài chính với mục tiêu làm cho hình ảnh DN đẹp hơn nhiều, khiến cho tính minh bạch, độc lập không cao.
Một vấn đề nữa là CBTT phi tài chính kèm theo thông tin tài chính và có tính dự báo như Bản cáo bạch. Đây là loại thông tin ảnh hưởng nhiều đến quyết định của nhà đầu tư nhưng chưa được bên nào kiểm chứng, dựa hoàn toàn vào DN. Chúng ta chưa có thông lệ nào khuyến khích DN minh bạch trong CBTT tương lai.
Có ý kiến cho rằng bản cáo bạch phải được kiểm toán (có ý kiến kiểm toán), phản bác. Nhưng điều này đồng nghĩa với thủ tục hành chính và chi phí phát hành tăng lên.
Việt Nam đã có đủ hành lang để làm việc này, cụ thể là chuẩn mực kiểm toán số 3400 và 3420, nhưng trong thực tế chưa có trường hợp nào có kiểm toán, bên độc lập đưa ý kiến mặc dù thông tin cáo bạch ảnh hưởng rất lớn đến ra quyết định của nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Duy Hưng: Như anh Dũng và anh Long vừa nói, qui định của Việt Nam đều có đủ nhưng trong thực tiễn có nhiều vấn đề phát sinh. Anh Long vừa nói về chất lượng kiểm toán, vậy xin mời anh Cường - CEO của một công ty kiểm toán trong nhóm Big4 trình bày một thực trạng khó khăn trong kiểm toán DN?
Ông Trần Đình Cường - CEO công ty kiểm toán E&Y Việt Nam
Chất lượng kiểm toán Việt Nam đã được tăng lên nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên vị thế của Việt Nam vẫn còn thấp.
Nhìn từ góc độ công ty kiểm toán, lý do là tuân thủ và tự giác tuân thủ chưa cao, trách nhiệm là người được ủy thác sử dụng nguồn vốn phải thông tin như thế nào. Quy định có thể rất chặt chẽ, nhưng dù chặt chẽ đến mấy cũng vẫn có lỗ hổng, không bao giờ có thể ngay lập tức khắc phục.
Lỗ hổng trong quy định, pháp luật VIỆT NAM cũng không phải đồng nhất, do đó vận theo các quy định khác nhau sẽ đưa ra các báo cáo khác nhau. Nếu chủ DN làm không công tâm sẽ dẫn đến việc cung cấp thông tin không đầy đủ chính xác
Có thể vì mục đích khác, chủ DN cố tình gian lận thì rất khó để kiểm toán xác định. Cơ bản là tính tự giác tuân thủ pháp luật, làm như Việt Nam đã khó, nếu làm theo thông lệ quốc tế khó hơn rất nhiều.
Quốc tế không đưa ra qui định cứng như chúng ta mà chỉ đưa ra những nguyên tắc được thừa nhận và DN phải tự xây dựng hệ thống của mình. Nếu DN không chủ động làm, thì áp dụng IFRS là rất khó khăn.
Ông Nguyễn Duy Hưng: Trước khi bước vào cuộc nói chuyện này, mọi người đều có nhận định rằng lỗi nằm ở chỗ này, ở chỗ khác. Nhưng những người có cả "gậy" và "củ cà rốt" thì đều cho rằng vấn đề này rất khó. Chị Nguyệt Anh đến từ IFC là một tổ chức mà không có "gậy" mà cũng không có "cà rốt" nhưng chị lại tham gia rất nhiều dự án về quản trị DN cũng như minh bạch hóa thị trường, minh bạch hóa công ty. Chị có thể đưa ra một cái nhìn "không gậy, không cà rốt" về chuyển biến của thị trường từ khi chị làm việc tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Anh - Chuyên gia Quản trị công ty của IFC
Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) là một tổ chức tài chính phát triển. Trong những chuẩn mực mà IFC mang đến xcho thị trường, ngoài tham gia đầu tư, IFC còn có dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về kĩ thuật trực tiếp cho các công ty mà còn cho cả thị trường, cho cơ quan quản lý và các bên khác tham gia thị trường.
Tôi tham gia IFC cách đây hơn 9 năm trực tiếp trong mảng quản trị công ty. Tôi đã làm việc với nhiều bên trên thị trường vàcó một số chia sẻ với chương trình như sau.
Về CBTT, chúng ta đã có những bước tiến khá tốt, cơ quan quản lí cũng như thành viên thị trường có thể cảm thấy tự hào. TTCK Việt Nam hiện được coi là một trong những thị trường phát triển nhất khu vực. Chúng ta có gần 700 công ty niêm yết cùng hàng nghìn công ty đại chúng, chưa kể các công ty gia đình, công ty nhà nước, ... qui mô thị trường khá lớn, khối lượng công việc phải làm lớn hơn nhiều các quốc gia trong khu vực. Ở các thị trường Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia... chỉ có vài công ty niêm yết.
Chất lượng CBTT chúng ta có thể thấy đã đi lên rất rõ rệt. Ví dụ như giải báo cáo thường niên do HOSE tổ chức phối hợp với VIR và Dragon Capital, hiện có cả HNX tham gia. Sau chặng đường 10 năm, chất lượng báo cáo đã có thay đổi, chất lượng quản trị qua thẻ điểm quản trị ASEAN còn rất thấp nhưng bắt đầu có thay đổi.
Cách đây 5 năm, chỉ có 30 công ty niêm yết CBTT bằng Tiếng Anh. Đến năm 2018, chúng ta đã có 70 công ty. Điểm số của chúng ta cũng có phần tăng lên.
Về mặt hệ thống luật pháp, chúng ta đã có thông tư, nghị định, thậm chí luật DN hay luật bên ngành ngân hàng đã có những thay đổi rõ rệt, đưa các thông lệ quốc tế vào Việt Nam.
Anh Dũng nói các qui định của Việt Nam mang tính bắt buộc nhưng tôi thấy ví dụ như Nghị định số 71 mang tính hướng dẫn nhiều hơn, hiện vẫn chưa có chế tài thực hiện (enforcement), chẳng hạn về tỉ lệ thành viên HĐQT độc lập...
Thẻ điểm quản trị trung bình của 70 công ty niêm yết lớn nhất của Việt Nam năm 2018 là thấp nhất trong khu vực ASEAN 6, chỉ đạt 41,3/130 điểm. Trong khi đó, điểm số của Thái Lan là 87,5 và nước đứng ngay trên chúng ta - Indonesia là 62,3.
Qua đó chúng ta thấy phần nào rằng qui mô thị trường đang tăng lên, điều kiện thay đổi, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn, để có thể theo kịp các quốc gia phát triển hơn như Indonesia, Singapore...