Quỹ cổ phiếu bất động sản tăng trưởng ấn tượng

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Quỹ cổ phiếu bất động sản của SAM trở thành quỹ tăng cao nhất khối quỹ ngoại trong 6 tháng đầu năm 2014, với mức tăng gần gấp đôi mức tăng của VN-Index.

Thị trường niêm yết vẫn có nhiều giá trị. Nguồn: internet
Thị trường niêm yết vẫn có nhiều giá trị. Nguồn: internet
Quỹ cổ phiếu: vẫn còn cơ hội trên thị trường​

Quỹ Vietnam Property Holding (VPH) của Công ty Quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM) đã tăng giá trị tài sản ròng (NAV) 25,8% trong 6 tháng đầu năm 2014, theo báo cáo của Quỹ. Chỉ số VN-Index tăng 15,6% tính theo đồng USD trong cùng thời gian.​
 
Nói về đà tăng trưởng cao của VPH đầu năm nay, CEO SAM ông Louis Nguyễn cho biết, quỹ đầu tư có tổng tài sản 19 triệu USD này đang tập trung vào các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ. Trong các cổ phiếu VPH ưu tiên nắm giữ, DIG đã tăng 26,6%, ICG tăng 47%, NBB tăng 57% và DRH tăng 57%.​
 
Theo ông Louis, VPH nhắm tới cổ phiếu của những công ty có khả năng cung ứng nhà ở giá rẻ và giá trung bình, phù hợp với thu nhập của đa số người dân, vì Quỹ tin rằng, nhu cầu của thị trường đang tập trung vào phân khúc này.​
 
Trong khi quỹ cổ phiếu bất động sản, sau một thời gian dài lao dốc, bất ngờ tăng trở lại nhờ những cổ phiếu vừa và nhỏ, thì các quỹ ngoại khác đều tăng trưởng chậm hơn so với mức tăng 15,6% của VN-Index. Trong số 15 quỹ đang đầu tư vào thị trường Việt Nam (khoảng 3,4 tỷ USD, tương đương 71.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6), chỉ có 2 quỹ tăng trên 15% là Vietnam Emerging Equity Fund (VEEF) của PXP Asset Management và Fullerton Vietnam Fund A của công ty Singapore Fullerton, đều tăng 15,1%.​
 
Việc phân bổ tỷ trọng lớn vào các cổ phiếu vốn hóa lớn đứng đầu ngành, trong đó, HPG đã tăng 50% trong 6 tháng đầu năm, HCM tăng 33%, PVD tăng 36%, STB tăng 20%, HAG tăng 18%, là yếu tố giúp danh mục của VEEF tăng.​
 
Trong báo cáo tháng 7, các nhà quản lý của VEEF có lưu ý đến một số đợt chào bán quy mô lớn của DNNN, nhưng cho biết, “chưa cơ hội nào khiến chúng tôi thấy thú vị” và lấy ví dụ về việc Vinatex chào bán ra công chúng nhưng không có kế hoạch niêm yết sớm và việc Vietnam Airlines chào bán với giá cao hơn rất nhiều so với lợi nhuận. Quỹ cho rằng, thị trường niêm yết “vẫn có nhiều giá trị đáng kể, miễn là bạn biết phải tìm ở đâu”.​
 
Quỹ của Dragon Capital, VinaCapital tăng bằng nửa VN-Index
 
Trong số những quỹ cổ phiếu tăng thấp, có 2 quỹ của Dragon Capital là Vietnam Enterprise Investments Ltd. (VEIL) và Vietnam Growth Fund Limited (VGF) chỉ tăng lần lượt 6,8% và 7,3%. Quỹ của VinaCapital là Vietnam Opportunities Fund (VOF) thậm chí chỉ tăng 6,6% trong thời gian này. Nếu không tính các quỹ ETF, đây là 3 quỹ có quy mô lớn nhất thị trường, với tổng tài sản lần lượt là 505 triệu USD, 286 triệu USD và 771 triệu USD.​
 
Theo đánh giá của Vietnam Holding Asset Management, phần lớn các quỹ đầu tư chủ động vào Việt Nam đã thể hiện tương đối tốt so với chỉ số tham chiếu tương ứng, ngược lại với hai quỹ ETF đều tăng trưởng kém thị trường. Hai quỹ ETF Market Vectors Vietnam và FTSE Vietnam tăng lần lượt 11% và 12,4% trong 6 tháng đầu năm.​
 
Thực tế, Quỹ Vietnam Holding (VNH) – quỹ đầu tư đã tăng gấp đôi VN-Index trong năm 2013, tăng 10,2% trong 6 tháng đầu năm, sau khi tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa trung bình. Trong báo cáo đưa ra đầu tháng 7, VNH tự so sánh với chỉ số Vietnam All Share Index - chỉ số theo dõi các cổ phiếu sàn HOSE trên cơ sở điều chỉnh theo lượng cổ phiếu được giao dịch tự do, cho thấy, VNH vẫn tăng cao hơn mức tăng 9% của chỉ số này.​
 
Quỹ có mức tăng thấp nhất khối là quỹ VEMF của Vietnam Asset Management (VAM), chỉ tăng 4,3% NAV. Năm 2013, quỹ này đã tăng gấp rưỡi VN-Index và là một trong những quỹ tăng cao nhất thị trường. VAM cũng duy trì một quan điểm “tích cực vừa phải về nền kinh tế” 6 tháng cuối năm và cho biết sẽ quan sát lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp, để lựa chọn cổ phiếu mới trong những tuần tới.​
 
Ngoài 15 quỹ cổ phiếu, các quỹ đầu tư vào dự án bất động sản tiếp tục có kết quả thấp. Quỹ bất động sản VinaLand (VNL) của VinaCapital sụt giảm 14% NAV trong 6 tháng đầu năm, Quỹ Vietnam Property Fund của Dragon Capital tăng 6%. Tuy nhiên, quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng Vietnam Infrastructure (VNI) của VinaCapital vẫn tăng khá 10,7% trong thời gian này. 3 quỹ này đang đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng vào thị trường bất động sản và cơ sở hạ tầng Việt Nam.​
 
Quỹ trái phiếu ít cơ hội
 
Trên thị trường trái phiếu, lần đầu tiên Quỹ VDeF của Dragon Capital báo cáo tăng trưởng NAV thấp hơn chỉ số tham chiếu, khi chỉ tăng 5,4% trong nửa đầu năm, trong khi chỉ số tham chiếu DCB Index do Dragon Capital tự xây dựng tăng 5,7%.​

Tuy nhiên, mức tăng của quỹ 40 triệu USD (830 tỷ đồng) này vẫn cao hơn hẳn 2 quỹ trong nước là MBBF của MBCapital (tăng 5,1%) và VFB của VFM (tăng 5,4%).​
 
Trong báo cáo đầu tháng 7, VDeF cho biết, Quỹ đã “tăng độ rủi ro trong tháng 6” sau khi duy trì độ rủi ro thấp trong tháng 5, vì cho rằng những căng thẳng trên Biển Đông “ít có khả năng tăng cao”. VDeF cũng dự báo trong nửa cuối năm, thị trường sẽ chịu “những biến động ngắn hạn”, khiến lãi suất trái phiếu có thể tăng trở lại khoảng 20 - 40 điểm cơ bản, đồng nghĩa với cơ hội tăng lợi nhuận của quỹ trái phiếu giảm đi.​