Quỹ đầu tư làm gì khi thị trường rơi mạnh?

Theo Đầu tư chứng khoán

Chỉ số VN-Index giảm gần 20% kể từ mức đỉnh đạt được là 1.211,3 điểm ngày 10/4/2018. Ranh giới giữa thị trường tốt nhất và tệ nhất của Việt Nam quả thực rất mong manh. Bối cảnh thị trường này khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân đặt câu hỏi: Các quỹ đầu tư lớn đang làm gì để đối phó với đợt điều chỉnh?

Các quỹ đầu tư lớn đang làm gì để đối phó với đợt điều chỉnh? Nguồn: Internet
Các quỹ đầu tư lớn đang làm gì để đối phó với đợt điều chỉnh? Nguồn: Internet

Chủ động tái cấu trúc danh mục

Trong đợt giảm mạnh vừa qua, ngoài nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh do có những yếu tố bên ngoài, một nguyên nhân quan trọng có thể kể đến là việc nhà đầu tư ngoại chốt lời ở một số mã chứng khoán có tỷ trọng lớn.

“Vì đạo đức nghề nghiệp, chúng tôi không thể nói sai, nhưng cũng không thể nói hết những suy nghĩ và hành động của mình, do vị thế nắm giữ lớn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, một đợt giảm đến 20% là có thể xảy ra”, người phụ trách quản lý danh mục một quỹ ngoại lớn nói khi VN-Index chưa giảm, mà đang trên đà “lên đỉnh”.

Trên các diễn đàn, một số nhà đầu tư râm ran thông tin về sự bắt tay giữa các nhà cái lớn để tạo nên đợt sụt giảm, nhằm tích lũy hàng giá rẻ phục vụ sản phẩm chứng quyền. Tuy nhiên, đây chỉ là một giả thuyết, không có kiểm chứng đi kèm. Bên cạnh đó, việc giới hạn khối lượng cổ phiếu được phép phát hành chứng quyền tương ứng không lớn, nên dường như đây không phải là nguyên nhân chính.

Một số quỹ đầu tư cho biết, trong đợt sụt giảm này, nhiều quỹ chủ động tái cấu trúc danh mục, trong đó một số mã chứng khoán thuộc VN30, có mức tăng giá mạnh năm 2017 và quý I/2018 đã được bán ra, để giảm tỷ trọng nắm giữ.

“Tuy nhiên, là nhà đầu tư tổ chức, quản lý tài sản lớn, chúng tôi chỉ có thể tái cấu trúc từng phần, chứ không thể bán toàn bộ để chờ mua lại giá thấp hơn như nhà đầu tư nhỏ lẻ. Chỉ những mã chứng khoán còn ít kỳ vọng tăng điểm, hoặc đang chiếm tỷ trọng lớn quá trong danh mục, hay gặp các vấn đề về kinh doanh, quản trị… thì mới bị bán ra toàn bộ”, người phụ trách đầu tư một quỹ trong nước cho biết.

Kể từ thời điểm VN-Index tiến gần mức kỷ lục cũ là 1.170 điểm, các nhà đầu tư tổ chức đã có động thái bán ra để tái cấu trúc danh mục. “Tôi tin rằng, đỉnh của thị trường giai đoạn này sẽ xác lập đâu đó quanh mốc 1.200 điểm. Một đợt sụt giảm là có thể xảy ra, nhưng không có nghĩa là thị trường sẽ rơi tình cảnh bán tháo. Tôi vẫn thiên về việc giai đoạn đỉnh là cơ hội để chốt lời danh mục và tìm cơ hội vào những mã chứng khoán tiềm năng khác”, tổng giám đốc một công ty chứng khoán nói.

Ngay phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, trên một nhóm viber chia sẻ thông tin cơ hội đầu tư, phụ trách đầu tư một quỹ lớn hô hào: “Cơ hội bắt đáy đang rất gần, hãy chuẩn bị nguồn lực”.

Chuyển hướng chọn hàng

Từ giữa năm 2017, nhiều quỹ đầu tư đã đẩy mạnh tìm kiếm các doanh nghiệp chưa đại chúng, nhưng có phương án niêm yết trong tương lai gần (1-2 năm) để xúc tiến cơ hội đầu tư. Xu hướng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tăng giá mạnh của nhiều mã chứng khoán vốn hóa lớn, với P/E đã được đẩy lên rất cao so với mặt bằng chung cùng với việc một loạt mã chứng khoán tăng mạnh sau khi niêm yết.

Một loạt cổ phiếu ngân hàng có kế hoạch niêm yết, hoặc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài đã nằm trong vòng quan sát của các quỹ đầu tư. Với các doanh nghiệp bất động sản, những tên tuổi với quỹ đất lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận cũng là đối tượng được các quỹ chủ động tiếp cận thông tin. Nhóm doanh nghiệp tiếp theo được ưa thích chính là phân phối, thực phẩm, hàng tiêu dùng.

Sức ép từ nhà đầu tư

Với các quỹ đầu tư mà khách hàng là các nhà đầu tư tổ chức, sức ép giai đoạn vừa qua dường như nhẹ hơn hẳn so với các quỹ đầu tư phục vụ khách hàng cá nhân.

Trên facebook của lãnh đạo cấp cao một quỹ đầu tư gần đây liên tục xuất hiện những thông tin trao đổi khá nặng nề giữa vị lãnh đạo này với khách hàng do giá trị tài sản ròng của quỹ giảm mạnh.

“Khi thị trường lên, chúng tôi cũng chịu áp lực giải trình về việc tại sao chưa chốt lời mã này hay mã khác. Nhưng khi thị trường xuống, đó là một áp lực vô cùng lớn. Các khách hàng là nhà đầu tư tổ chức sẽ thấu hiểu và có cái nhìn dài hạn hơn, nhưng nhà đầu tư cá nhân thì khác.

Họ luôn đặt cho chúng tôi câu hỏi vì sao không tạm thoái danh mục để mua sau? Nhưng có một sự thật là không ai nói chắc chắn diễn biến thị trường của ngày mai và ở vị thế quỹ đầu tư, rất khó để có thể bán hết và mua lại như nhà đầu tư cá nhân thông thường”, lãnh đạo quỹ chia sẻ.

Bối cảnh VN-Index phập phù theo tâm lý, nghề quản lý quỹ đâu dễ thảnh thơi!