Quỹ đầu tư ngoại tìm đường vượt khó

Theo doanhnhansaigon.vn

(Tài chính) Sau thời gian suy giảm, các quỹ đầu tư đã xem xét lại mọi khía cạnh để nâng cấp lại hoạt động. Theo ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, không có chìa khóa để xóa bỏ các thách thức của quỹ nên chỉ còn cách phải nỗ lực tìm hướng mới, làm việc nhiều hơn, chịu khó hơn để tăng hiệu quả đầu tư và sinh lời.

Qua thời gay go

Sau thời gian dài im ắng, một số quỹ đầu tư như VinaCapital, Dragon Capital hay Mekong Capital... đã bắt đầu "rục rịch" mở quỹ mới khi thị trường chứng khoán tăng điểm.

Trong chặng đường 2008 - 2011, hoạt động của nhiều quỹ đầu tư nước ngoài, nhất là các quỹ đóng rất gay go, tưởng phải đóng quỹ. Tuy nhiên, từ năm 2012, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, nhận định, kinh tế vĩ mô lẫn thị trường chứng khoán đã có nhiều dấu hiệu phục hồi nên các quỹ ngoại cũng "dễ thở" hơn.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Edmond De Rothschild (Anh), trong năm 2013, có đến 10 quỹ đầu tư nước ngoài tại thị trường chứng khoán Việt Nam có giá trị tài sản ròng (NAV) tăng trưởng cao hơn mức 22% của VN-Index.

Ở những quỹ đầu tư vào các công ty tư nhân, năm 2011, NAV của Quỹ Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lý giảm 20,4%, thì sang năm 2012, NAV đạt tăng trưởng 21,4%. Đến năm 2013 NAV của VEIL tăng 29%, vượt đà tăng của chỉ số VN-Index lẫn VN30.

Quỹ Vietnam Growth Fund Limited (VGF) cũng thuộc Dragon Capial, NAV từ mức giảm 19,6% năm 2011 đã tăng 29,8% năm 2012 và tăng 23,9% năm 2013.

Quỹ Đầu tư Vietnam Equity Holding (VEH) do Saigon Asset Management (SAM) quản lý cũng có sự chuyển biến tích cực, từ suy giảm NAV trong năm 2011 đã tăng trưởng NAV lên 14,4% năm 2012 và 22,5% trong năm 2013.

Các quỹ của Vina Capital như Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF) cũng đạt tăng trưởng NAV trên mỗi cổ phiếu quỹ (CCQ) năm 2013 khoảng 15%.

Trong báo cáo mới nhất, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VOF, cho biết, tăng trưởng NAV/CCQ ở VOF trước hết là nhờ hiệu quả từ danh mục đầu tư.

Trong năm 2013, giá cổ phiếu Vinamilk, khoản đầu tư chiếm 15,4% NAV của VOF, đã tăng 132%. Tính đến cuối tháng 2/2014, Vinamilk vẫn tiếp tục là khoản đầu tư lớn nhất, chiếm 13,2% NAV. Ngoài ra, khoản đầu tư ở Hòa Phát (HPG, chiếm 5,7% NAV), Kinh Đô (KDC, chiếm 4,9% NAV)... cũng đã tăng mạnh.

VOF đã thoái vốn hoàn toàn khỏi Prime Group, Transimex Sài Gòn, Cofico, Nước Thủ Đức, Nước Gia Định, Savico, Thủy điện Cần Đơn, ITD. Chỉ riêng khoản thoái vốn Prime Group đã giúp VOF kiếm được 17,6 triệu USD, với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) lên đến 38%.

Quỹ VinaLand (VNL) thuộc VinaCapital cũng đã chuyển nhượng được 5 khoản đầu tư bất động sản.

Trong năm 2013, Mekong Enterprise Fund (MEF) và Mekong Enterprise II (MEF II) của Mekong Capital cũng đã thoái vốn toàn bộ khỏi MK Smart, DigiWorld, Ngô Han và thoái vốn một phần khỏi Thế Giới Di Động (MobiWorld). Đáng chú ý, việc bán ra 6,7% trong tổng vốn sở hữu 32,5% ở MobiWorld sau hơn 5 năm đã giúp Mekong Capital lãi gấp 11 lần so với vốn đầu tư ban đầu.

Hiện tại, Quỹ MEF II dự định sẽ bán tiếp một phần vốn ở MobiWorld trong năm 2014. Dù có kế hoạch bán bớt vốn ở MobiWorld, báo cáo mới nhất của Mekong Capital khẳng định, Mekong Capital vẫn sẽ giữ vai trò cổ đông quan trọng tại đây. Giới phân tích đánh giá, Mekong Capital có thể đạt lãi cao hơn nhiều một khi MobiWorld niêm yết, với định giá ban đầu dự báo có thể đạt hơn 200 triệu USD.

Đặc biệt, sau thời gian dài "im ắng", một số quỹ đầu tư đã bắt đầu "rục rịch". Năm 2013, Vietnam Holding (VNH) huy động được thêm 15,5 triệu USD; VinaCapital đã ra mắt Quỹ Đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh VinaWealth (VFF); hay Dragon Capital lập thêm 3 quỹ mới là Vietnam Equity (UCITS) Fund và DC Semeru Asia Equity High Yield Fund (A và B).

 Quỹ đầu tư ngoại tìm đường vượt khó - Ảnh 1
Cơ hội thứ hai?

Những đơn vị thu hút sự chú ý của giới đầu tư ngoại như Vinamilk, FPT, Dược Hậu Giang, Cơ điện lạnh REE, Kinh Đô... đều đã hết giới hạn sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, dòng tiền ngoại trông đợi cả vào việc Vietnam Airlines, Vinatex, VinaCement, MobiFone... chào bán cổ phần ra công chúng. Liệu đây có phải là cơ hội thứ hai cho thị trường vốn sau khi Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội cổ phần hóa lúc gia nhập WTO?

Đơn cử, trong các quỹ do Dragon Captail lập ra năm 2013, Quỹ DC Semeru Asia Equity High Yield Fund là những quỹ rất đặc thù, gọi vốn từ các chính phủ ở châu Âu, đầu tư vào năng lượng sạch với phạm vi đầu tư rộng khắp nhiều nước. Trong đó, Hồng Kông hiện chiếm 29% nguồn vốn phân bố của 2 quỹ, Trung Quốc là 19%, Singapore là 12%, Malaysia là 9%.

Việt Nam chưa nằm trong danh sách quốc gia được 2 quỹ ưu tiên chú ý. Quỹ Vietnam Equity (UCITS) Fund vốn hiện chỉ mới đạt 8,54 triệu USD. Ông Dominic Scriven cho biết "Dragon Capital sẽ cố gắng mở rộng thêm quy mô quỹ này nhưng gọi vốn mới vào Việt Nam vẫn luôn khó khăn".

Đầu năm 2012, Dragon Capital từng ấp ủ ý định lập quỹ mới 100 triệu USD nhưng ước mong này không thành. Mekong Capital, VinaCapital cũng đặt mục tiêu lập quỹ mới với quy mô hàng trăm triệu USD trong giai đoạn 2012-2013 nhưng đã không thực hiện được.

"Trở ngại lớn nhất của việc gọi vốn mới là các quy định pháp lý ở những thị trường mà quỹ thành lập và được giao dịch", ông Dominic Scriven nhấn mạnh.

Đơn cử, các nước châu Âu ra quy định, chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua chứng chỉ quỹ từ Việt Nam. Vì chỉ người chuyên nghiệp mới am hiểu và hạn chế được rủi ro khi đầu tư vào những sản phẩm quá mạo hiểm ở các thị trường mới nổi như Việt Nam. Những quy định như vậy đã được ban hành kể từ sau cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn xuất hiện năm 2008 nhằm bảo vệ nhà đầu tư.

Hoặc chính quyền Mỹ yêu cầu các quỹ đầu tư muốn gọi vốn từ nhà đầu tư Mỹ phải lo luôn nhiệm vụ truy thu thuế cho Mỹ. Đây là nhiệm vụ rất phức tạp nên Dragon Capital đành từ chối nhà đầu tư từ Mỹ.

Tính ra, các quỹ đóng ở Việt Nam chỉ có thể huy động vốn từ nhà đầu tư châu Á. Tất cả đã khiến các quỹ dạng đóng ở Việt Nam gần như bế tắc khi gọi vốn mới.

 Quỹ đầu tư ngoại tìm đường vượt khó - Ảnh 2

Trước tình hình đó, ngày 14/6/2013, SAM chính thức chuyển đổi 2 quỹ VEH, Vietnam Property Holding (VPH) từ hình thức quỹ đóng sang quỹ tương hỗ. Hình thức quỹ mới này cho phép SAM đầu tư linh hoạt hơn và nhà đầu tư có thể yêu cầu SAM mua lại đến 10% tổng cổ phiếu quỹ ngay sau một năm giao dịch.

Tuy nhiên, theo ông Dominic Scriven, việc chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở có những khó khăn nhất định, nhất là về vấn đề thanh khoản, bán cổ phần tại các đơn vị chưa niêm yết.

Ngoài ra, vì đã gia hạn thêm thời gian giữa hai lần biểu quyết lên 3 năm (với quỹ VPG) và 5 năm (với quỹ VEIL) nên Dragon Capital chỉ có thể trình bày vấn đề chuyển đổi sang quỹ mở cho VGF vào năm 2015 và cho VEIL vào năm 2017.

Thách thức cho các quỹ đầu tư ngoại ở Việt Nam còn ở tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Theo xác nhận của ông Chris Freund, Tổng giám đốc Mekong Capital, trong 3 năm qua, Mekong Capital ngưng đầu tư mới. Thực tế, số doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được tiêu chí đầu tư của các quỹ hiện không nhiều.

Những đơn vị thu hút sự chú ý của giới đầu tư ngoại như Vinamilk, FPT, Dược Hậu Giang, Cơ điện lạnh REE, Kinh Đô... đều đã hết giới hạn sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài. Một số công ty tăng trưởng tốt như PVGas tuy còn room nhưng cổ đông lớn ở PVGas lại không muốn bán.

Với các khoản đầu tư vào công ty tư nhân, dù các quỹ luôn phải làm việc rất nhiều nhưng rủi ro định giá sai vẫn lớn và đôi bên dễ "không gặp nhau". Quỹ VOF từng có kế hoạch đầu tư khoảng 100 triệu USD vào 4 công ty nhưng theo ông Andy Ho, khả năng thành công của các khoản đầu tư này chỉ vào khoảng 20%.

Một số quỹ đầu tư đang trông đợi vào những hàng hóa mới, phong phú và chất lượng từ chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh trong giai đoạn 2014-2016. Theo kế hoạch, trong 12 tháng tới, nhiều công ty lớn như Vietnam Airlines, Vinatex, MobiFone... sẽ chào bán cổ phần ra công chúng.

VinaCapital gọi đây là cơ hội thứ 2 cho thị trường vốn sau khi Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội từ lần cổ phần hóa thời điểm Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007.

Tuy nhiên, ông Chris Freund lại tỏ ra e dè: "Dù từng có những trường hợp ngoại lệ như ở Vinamilk, Traphaco nhưng tôi nhận thấy, sau cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp vẫn do Nhà nước nắm quyền chi phối và họ vẫn hoạt động nặng tính chất của một doanh nghiệp nhà nước".

 Quỹ đầu tư ngoại tìm đường vượt khó - Ảnh 3

Ông Dominic Scriven thì nhìn nhận việc nới room, tạo sản phẩm tái sinh hay cổ phần hóa sẽ gia tăng số lượng cơ hội cho các quỹ nhưng không vì thế mà hoạt động của các quỹ sẽ hết khó khăn.

Trong thư gởi nhà đầu tư, ông Steven Bates, Chủ tịch Quỹ VOF, bày tỏ, không hiểu tại sao chênh lệch giữa NAV/CCQ và thị giá CCQ (discount) vẫn lớn dù NAV/CCQ và thị giá CCQ của VOF tiếp tục tăng và ban điều hành đã nổ lực thu hẹp discount.

Tính ra, từ lúc áp dụng chương trình mua lại cổ phiếu quỹ (tháng 10/2011) đến tháng 2/2014, VOF đã chi ra hơn 148 triệu USD để mua lại 79 triệu cổ phiếu quỹ (khoảng 24% tổng cổ phiếu quỹ của VOF), giúp NAV/CCQ có thêm 33 cent.

Từ đây, discount của VOF từ mức 42% thu hẹp về mức 20,4%. Các quỹ khác cũng thực thiện chiến lược mua lại cổ phiếu quỹ nhưng discount trung bình vẫn trên 20%. Ông Dominic Scriven xác nhận, con số discount này "rất lớn và đầy khó chịu, cho thấy lòng tin của nhà đầu tư vào Việt Nam vẫn chưa được phục hồi".

Cũng vì lý do này, đầu tháng 2/2014, Dragon Capital đã quyết định gộp 2 quỹ đầu tư trái phiếu Việt Nam (VDeF-A và VDeF-B) lại thành một quỹ chung cho cả đầu tư trái phiếu chính phủ lẫn trái phiếu doanh nghiệp. Việc gộp quỹ đã giúp quỹ đầu tư được thuận lợi nhưng không phủ nhận đó là sự tinh gọn, nhằm tiết kiệm chi phí quản lý quỹ.

Thách thức cho các quỹ ngoại hoạt động ở Việt Nam còn ở khía cạnh VN-Index tuy đã tăng trưởng trở lại ở mức 22% năm 2013 và 16% trong 2 tháng đầu năm 2014 nhưng đà tăng này cũng chỉ mới giúp chỉ số lấy lại 50% so với thời kỳ đỉnh cao. Ngoài ra, theo ông Dominic Scriven, những khó khăn mà Việt Nam gặp phải trong 5 năm qua vẫn còn. Đáng lo là tăng trưởng tín dụng vẫn rất thấp.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/3/2014, tín dụng chỉ mới tăng 1% so với cuối tháng 2 và tăng 0,01% so với cuối năm 2013. Ông Chris Freund lo ngại tệ tham nhũng và tình trạng thiếu các nhà quản lý chuyên nghiệp, giỏi, hiểu rõ và có thể thực hiện thành công các thông lệ toàn cầu là trở ngại lớn, dễ khiến Việt Nam mất điểm trong cạnh tranh thu hút vốn quốc tế.

 Quỹ đầu tư ngoại tìm đường vượt khó - Ảnh 4
Tự làm mới

Sau thời gian suy giảm, các quỹ đầu tư đã xem xét lại mọi khía cạnh từ nhà đầu tư, điều lệ hoạt động, cơ cấu danh mục, quản trị, rủi ro... và nâng cấp lại hoạt động.

Dù có những thách thức nhưng ông Chris Freund hy vọng trong năm 2014, các quỹ của Mekong Capital có thể xem xét giải ngân vào một số nơi. "Tôi hy vọng có thể hoàn tất khoản đầu tư mới vào nửa cuối năm 2014", ông Chris Freund nói.

Chiến lược trong năm 2014 của Mekong Capital vẫn là tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh theo xu hướng tiêu dùng và đem lại nhiều giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp mà quỹ đã đầu tư. Ngoài ra, Mekong Capital cũng đặt mục tiêu sẽ bán thêm vài khoản đầu tư và khai trương quỹ mới. Dự kiến, quỹ mới của Mekong Capital sẽ xuất hiện khoảng tháng 5/2014.

Sớm hơn, ngày 7/4/2014, Quỹ Đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth (VEOF, thuộc VinaCapital) đã ra mắt tại TP.HCM. Đây là quỹ mở thứ hai của VinaWealth. Theo ông Trần Văn Mẫn, người quản lý quỹ VEOF: "VEOF sẽ đầu tư vào các cổ phiếu có phân tích cơ bản tốt, vốn hóa lớn, có tiềm năng tăng trưởng cao và quản trị công ty tốt. Quỹ lấy VN30 làm chỉ số chứng khoán tham chiếu. Mục tiêu của quỹ là mang lại hiệu quả đầu tư tốt hơn chỉ số VN30".

Nhìn lại sự hiện diện ở Việt Nam sau hơn 10 năm hoạt động, người đứng đầu ở Mekong Capital rút kinh nghiệm, để thành công, cần phải xây dựng đội ngũ cao cấp giỏi, phải biết chấp nhận rủi ro, sẵn sàng hành động ngay cả khi có những cơ sở để không nên hành động.

Thực tế, xu hướng đầu tư mới của các quỹ là xem xét đến cả những cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp có vay vốn cao, hoạt động trong những lĩnh vực có rủi ro. Tuy nhiên, từ danh mục và định hướng đầu tư của nhiều quỹ vẫn phải là các doanh nghiệp đầu ngành, có khả năng tăng trưởng tốt, được quản lý chuyên nghiệp.

Sau 20 năm có mặt tại Việt Nam, dù có những chuyển hướng và mở rộng ra thêm nhiều thị trường chứ không đầu tư duy nhất vào Việt Nam như trước nhưng Dragon Capital xác định, vẫn và sẽ tiếp tục gắn bó với thị trường Việt Nam. Chiến lược của Dragon Capital là không bỏ qua các cơ hội nhưng sẽ đầu tư có trách nhiệm hơn, chú ý đến các yếu tố về bền vững.

Đặc biệt, để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong năm 2014 và các năm tiếp theo, Dragon Capital đặt mục tiêu phải gia tăng hiệu quả danh mục đầu tư, tăng cường minh bạch thông tin trong các báo cáo, điều chỉnh mô hình quản trị phù hợp, tiếp tục mua lại cổ phiếu quỹ để rút ngắn chênh lệch discount...

Dragon Capital đã xem xét lại mọi khía cạnh từ nhà đầu tư, điều lệ hoạt động, chiến lược, cơ cấu danh mục, quản trị, rủi ro... và nâng cấp hoạt động của quỹ từ vài năm nay. Nhưng như ông Dominic Scriven chia sẻ, không có chìa khóa để xóa bỏ các thách thức của quỹ nên chỉ còn cách phải nỗ lực tìm hướng mới, làm việc nhiều hơn, chịu khó hơn để tăng hiệu quả đầu tư và sinh lời.