Quy định mới về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Chính phủ vừa ban hành Nghị định 50/2014/NĐ-CP về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thay thế Nghị định 86/1999/NĐ-CP ngày 30/8/1999.

Dự trữ ngoại hối được quy đổi ra USD. Nguồn: internet
Dự trữ ngoại hối được quy đổi ra USD. Nguồn: internet

Nghị định mới này quy định về dự trữ ngoại hối nhà nước, quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, hạch toán kế toán, báo cáo và công bố thông tin dự trữ ngoại hối nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước theo quy định.

5 nguồn hình thành dự trữ ngoại hối nhà nước

Nghị định mới quy định rõ thành phần dự trữ ngoại hối nhà nước bao gồm: Ngoại tệ tiền mặt, tiền gửi bằng ngoại tệ ở nước ngoài; chứng khoán và các giấy tờ có giá khác bằng ngoại tệ do Chính phủ, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế phát hành; quyền rút vốn đặc biệt, dự trữ tại Quỹ tiền tệ quốc tế; vàng do Ngân hàng Nhà nước quản lý; các loại ngoại hối khác của Nhà nước.

Về nguồn hình thành dự trữ ngoại hối nhà nước, Nghị định 86/1999/NĐ-CP quy định có 4 nguồn gồm: 1- Ngoại hối hiện có thuộc sở hữu của Nhà nước do Ngân hàng Nhà nước quản lý; 2- Ngoại hối mua từ ngân sách nhà nước và mua từ thị trường ngoại tệ và thị trường vàng trong nước; 3- Ngoại hối từ các khoản vay ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế; 4- Ngoại hối từ các nguồn khác.

Còn Nghị định 50/2014/NĐ-CP quy định có 5 nguồn hình thành dự trữ ngoại hối nhà nước gồm: 1- Ngoại hối mua từ ngân sách nhà nước và thị trường ngoại hối; 2- Ngoại hối từ các khoản vay ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế; 3-Ngoại hối từ tiền gửi ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng; 4- Ngoại hối mua từ các khoản sinh lời từ đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước; 5- Ngoại hối từ các nguồn khác.

Bổ sung quy định cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước

Nghị định mới cũng bổ sung quy định về cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước bao gồm: Quy định về tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư áp dụng với dự trữ ngoại hối nhà nước; Quy định về cơ cấu đầu tư áp dụng với dự trữ ngoại hối chính thức, bao gồm cơ cấu đầu tư của Quỹ dự trữ ngoại hối và cơ cấu đầu tư của Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng.

Việc xây dựng cơ cấu đầu tư của Quỹ dự trữ ngoại hối phải dựa trên các cơ sở sau: Xu hướng biến động tỷ giá, lãi suất và giá vàng trên thị trường quốc tế; Tình hình đầu tư vào các loại ngoại tệ và vàng trong dự trữ quốc tế của các nước trên thế giới theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế.

Cơ sở xây dựng cơ cấu đầu tư của Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng gồm: Mục tiêu chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá và giá vàng; Tình hình biến động tỷ giá và giá vàng trên thị trường ngoại hối trong nước và quốc tế; Tình hình sử dụng các loại ngoại tệ trong thanh toán xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và trả nợ nước ngoài của Việt Nam; Hạn mức ngoại hối của Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong từng thời kỳ.

Nghị định cũng nêu rõ, việc xây dựng tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư phải căn cứ vào Quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước; Dự báo diễn biến tình hình thị trường tài chính quốc tế và thị trường ngoại hối trong nước; Hệ thống xếp hạng của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên thế giới.

Định kỳ 6 tháng và khi cần thiết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định phê duyệt cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng thời gửi Bộ Tài chính để phối hợp.

Hằng năm, Bộ Tài chính kiểm tra việc quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước của Ngân hàng Nhà nước theo quy định.