Quỹ hưu trí rục rịch vào thị trường vốn

Theo thoibaonganhang.vn

Năm 2018, Quỹ Hưu trí bổ sung tự nguyện dự kiến đi vào hoạt động với kỳ vọng mức vốn ban đầu khoảng 500 tỷ đồng

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) và BIDV vừa tổ chức ký kết bản ghi nhớ phát triển và cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản cá nhân và giám sát cho Quỹ Hưu trí bổ sung tự nguyện (HTBSTN). Hoạt động này là bước khởi động để cho ra đời một kênh đầu tư mới cho người dân, đồng thời bổ sung một nguồn tiền lớn cho thị trường vốn.

Lạc quan với 200 ngàn tỷ

Năm 2016, sau nhiều thời gian nghiên cứu, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 88 quy định chi tiết về đường hướng phát triển hệ thống Quỹ HTBSTN. Trong đó, nêu rõ mục tiêu hình thành hệ thống quỹ này nhằm bổ sung các chương trình đảm bảo an sinh xã hội khi xu hướng dân số dần già đi và tạo ra một nguồn vốn để đầu tư dài hạn vào thị trường vốn, nhất là thị trường nợ.

Từ góc độ chuyên gia, ông Trần Lê Minh, Phó Tổng giám đốc VFM cho rằng, sau khi Nghị định 88 được ban hành, khung pháp lý cho việc hình thành Quỹ HTBSTN gần như đã sẵn sàng để triển khai trên thực tế. Theo VFM, nếu việc chuẩn bị hạ tầng và văn bản pháp lý hướng dẫn của các bộ, ngành được ban hành đúng tiến độ, việc lập quỹ có thể sẽ diễn ra vào cuối năm 2017, đầu năm 2018.

Quỹ HTBSTN được dự đoán sẽ có khởi sự tương đối khả quan và kỳ vọng sẽ đạt mức vốn tối thiểu khoảng 500 tỷ đồng (tương đương yêu cầu vốn tối thiểu với các quỹ mở).

Phân tích sâu hơn, ông Minh cho rằng, hiện nay nhu cầu tiết kiệm, đầu tư để có thể tạo thu nhập bổ sung sau khi nghỉ hưu của người lao động đang ngày càng tăng. Các doanh  nghiệp bảo hiểm từ nhiều năm qua đã phát triển các sản phẩm bảo hiểm hưu trí. Hiện giá trị các hợp đồng bảo hiểm hưu trí cũng lên tới con số vài trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, các sản phẩm bảo hiểm hưu trí đa số có mức chi phí tương đối cao, vì thế tỷ lệ bảo tức cố định thường chỉ đạt khoảng 2%/năm. Trong khi đó, nếu Quỹ HTBSTN được hình thành và tập trung tạo nguồn thu tối đa từ khoản đóng góp thì tỷ suất lợi nhuận cho nhà đầu tư có thể đạt khoảng 6-7%/năm. Chính điều này sẽ tạo ra sự hấp dẫn và thu hút đông đảo các cá nhân có thu nhập từ trung bình trở lên và có thời gian làm việc trên 10 năm.

Một cách lạc quan, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng  (Bộ Tài chính) cho rằng mặc dù hình thức Quỹ HTBSTN còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng việc hình thành kênh đầu tư vốn này là một tất yếu mà thị trường đặt ra. Bà Hiền kỳ vọng trong vòng 10 năm tới, quy mô vốn của quỹ sẽ đạt con số khoảng 100-200 ngàn tỷ đồng; trở thành một trong những quỹ tài chính lớn nhất trên thị trường Việt Nam.

Cân nhắc thuế và danh mục đầu tư   

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán FPT, với việc rục rịch ra đời Quỹ HTBSTN, trong năm 2017, các hoạt động quỹ tại Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc hơn. Các dòng sản phẩm quỹ mở, quỹ ETF và quỹ thành viên sẽ đi vào ổn định và phát triển. Sự ra đời của Quỹ HTBSTN sẽ có khả năng tạo ra dấu ấn mới bởi hiện nay 80% số người lao động khi về hưu sẽ không có sự đảm bảo chắc chắn về thu nhập, và họ có thể xem xét đầu tư vào một trong các quỹ hoặc bảo hiểm hưu trí.

Vấn đề lớn nhất để triển khai Quỹ HTBSTN hiện tại ở Việt Nam, theo quan điểm của Công ty chứng khoán FPT là thuế. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, do tính chất tự nguyện của việc tham gia đóng góp vào Quỹ HTBSTN, điều quan trọng là cần phải có các chính sách ưu đãi thuế phù hợp với các khoản đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. Trong khi đó, tại Việt Nam hiện nay chưa có ưu đãi gì đáng kể về thuế đối với dòng sản phẩm này.

Một băn khoăn khác cũng được nhiều người dân quan tâm khi Quỹ HTBSTN đi vào hoạt động là tính an toàn. Câu hỏi đặt ra rằng liệu nguồn vốn từ quỹ được công ty quản lý quỹ thực hiện đầu tư trên thị trường chứng khoán, vậy có khả năng quỹ thua lỗ hay không?

Theo tìm hiểu, tại Điều 20, Nghị định 88/2016, Quỹ HTBSTN chỉ được đầu tư vào 3 loại tài sản, đó là tiền gửi tại các NHTM, trái phiếu Chính phủ và chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán. Trong đó, tỷ trọng giá trị đầu tư trái phiếu Chính phủ (bao gồm cả khoản đầu tư thông qua chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán) tối thiểu bằng 50% tổng giá trị tài sản Quỹ HTBSTN.

Về lý thuyết, Quỹ HTBSTN vẫn có thể đầu tư vào cổ phiếu, nhưng phải thông qua một quỹ đầu tư khác, chứ không được mua trực tiếp cổ phiếu trên sàn. Điều này tạo một lớp bảo vệ phòng ngừa rủi ro cho Quỹ HTBSTN bởi đầu tư qua một đơn vị khác thì mức độ rủi ro sẽ được sàng lọc xuống mức thấp nhất.

Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, khi bắt buộc phải đầu tư vào kênh trái phiếu Chính phủ tối thiểu 50% giá trị vốn, thì Quỹ HTBSTN sẽ khó cạnh tranh được về tỷ suất lợi nhuận cũng như khả năng huy động đầu tư so với các quỹ mở và các dạng quỹ riêng của doanh nghiệp FDI, bởi hiện nay thị trường quỹ mở có mức tăng trưởng khá mạnh. Các quỹ như SSI-SSA của Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) có mức tăng trưởng trên 20,7%; quỹ VCBF-BCF tăng trưởng 17,19%; Quỹ TCBF của Techcombank Capital thậm chí tăng trưởng kỷ lục lên tới hàng 100% trong năm 2016.