Quỹ lớn nhất VinaCapital: Không ai biết đáy thị trường khi nào và ở đâu

Theo Huy Lê/ndh.vn

VOF vẫn tin tưởng một số cổ phiếu chất lượng trong danh mục niêm yết dù không biết đáy thị trưởng ở đâu và khi nào.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhờ dịch chuyển sang P/E, hiệu quả VOF tốt hơn thị trường chung

Báo cáo mới nhất của quỹ lớn nhất thuộc VinaCapital - Vietnam Vietnam Opportunity Fund (VOF) có tự đề "The Storm before the Norm" (Tạm dịch: Cơn bão trước khi bình yên) nhận định cặp "Thiên nga đen" gần đây đã khiến thị trường xáo trộn chưa từng có. Đầu tiên là sự bùng phát dịch Covid-19 và sau đó là sự sụp đổ của giá dầu. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm 5,9% trong tháng 2. Chỉ số P/E của thị trường ở mức 13,9 lần.

Những tưởng những điều xấu nhất đã qua, VN-Index vẫn giảm sâu hơn trong tuần thứ 2 của tháng 3. Chỉ số chung đã đánh mất toàn bộ thành quả trong hơn 2 năm qua và lùi về mức điểm của tháng 10/2017.  

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng 44 triệu USD tại thị trường Việt Nam trong 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên, đây là mức rất nhỏ so với con số tổng cộng gần 2,3 tỷ USD của các thị trường mới nổi khu vực ASEAN.

Quỹ lớn nhất VinaCapital: Không ai biết đáy thị trường khi nào và ở đâu - Ảnh 1

Báo cáo dòng vốn ngoại của VinaCapital.

Trong diễn biến bất lợi của thị trường, VOF vẫn có hiệu quả tốt hơn thị trường chung khi chỉ mất 2,9% giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ (NAV/shares). Kết quả này theo VOF là nhờ quỹ đã chuyển hướng sâu vào đầu tư tư nhân (PE, chiếm 20,4% NAV) cũng như việc mua lại chứng chỉ quỹ.

“Mặc dù không ai biết đáy khi nào và ở đâu, chúng tôi đã lựa chọn được một vài khoản đầu tư chất lượng cao trong danh mục niêm yết nhờ mức định giá rất rẻ. Chúng tôi còn tập trung thoái vốn một số khoản đầu tư PE để nắm một lượng tiền dự trữ trong điều kiện thị trường hiện nay, và hiện đã có xấp xỉ 6% lượng tiền trong tay (giảm so với mức 9,1% cuối nă 2019 - PV)”, VOF nói về chiến lược đầu tư trong giai đoạn khó khăn.

VOF có chia sẻ thêm về khoản đầu tư PE là công ty Sữa Quốc tế (IDP). Công ty này có năm 2019 tăng trưởng cao về cả doanh thu và EBITDA. Nhờ đó, VOF có khả năng được IDP trả khoản nợ hơn 15 triệu USD, kỳ vọng vào tháng 3 hoặc 4. Đồng thời công ty sẽ chào đón một cổ đông mới với một tỷ trọng nhỏ.

Dù vậy ở lĩnh vực đầu tư PE, quỹ thuộc VinaCapital vẫn tiếp tục đánh giá một vài cơ hội. Nhờ vào điều kiện thị trường hiện tại, quỹ nói rằng có thể thương lượng những điều khoản hấp dẫn khi các đối tác niêm yết/IPO, là điều không khả thi với nhiều công ty tư nhân trong điều kiện bình thường.

Tỷ trọng PE chiếm hơn 20,4%, tiền mặt 5,8% NAV

Tính đến cuối tháng 2, quỹ lớn nhất thuộc tập đoàn VinaCapital quản khối tài sản hơn 847 triệu USD (gần 19.700 tỷ đồng). Tỷ trọng PE tiếp tục tăng lên mức 20,4% và tỷ trọng trái phiếu ở 3,6%. Lượng tiền mặt hiện có 5,8% NAV.

Quỹ lớn nhất VinaCapital: Không ai biết đáy thị trường khi nào và ở đâu - Ảnh 2

Phân loại theo ngành, VOF đầu tư lớn nhất vào ngành bất động sản xây dựng với tỷ trọng 18%; tiếp đến là ngành vật liệu xây dựng chiếm 16,7% và ngành thực phẩm đồ uống có 15,9%.

Với riêng cổ phiếu, tổng 10 khoản đầu tư lớn nhất chiếm 55,3% NAV, giảm so với mức 56,1% trong tháng 1. Trong đó lớn nhất vẫn là cổ phiếu Hòa Phát (11,6%), Nhà Khang Điền (9,1%) và Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (7,8%).

Quỹ lớn nhất VinaCapital: Không ai biết đáy thị trường khi nào và ở đâu - Ảnh 3

Danh sách 10 cổ phiếu đầu tư lớn nhất của VOF.

Trong 6 tháng gần đây, VOF đã có một số hành động đáng chú ý như thoái vốn một vài công ty niêm yết nhỏ, mua cổ phần một số công ty thuộc ngành tăng trưởng (như FPT), đóng 2 khoản đầu tư PE (mảng bao bì tiêu dùng và điều hành khách sạn), tham gia một khoản đầu tư cổ phần hóa, tiếp tục chương trình mua lại chứng chỉ quỹ.

VOF nói rằng đây thực sự là thời gian thú vị, quỹ vẫn kiên định và tập trung vào chiến lược đầu tư của mình. VOF tin rằng triển vọng trung và dài hạn sẽ cho phép quỹ vượt qua được các thách thức hiện tại và với những hỗ trợ, quỹ hy vọng vươn lên một lần nữa khi các cơn bão đi qua.