Rào cản cần vượt để tăng tín dụng

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Theo TS. Trần Du Lịch, vấn đề cần giải quyết là nợ xấu, tồn kho và sức mua của thị trường… Bởi lẽ, để tiếp cận và có được nguồn vốn vay trong bối cảnh sức mua yếu, tồn kho lớn, triển vọng kinh doanh mong manh đang làm khó cho cả phía doanh nghiệp (DN) và các ngân hàng để kết nối và hợp tác.

Rào cản cần vượt để tăng tín dụng
Theo TS. Trần Du Lịch, vấn đề cần giải quyết là nợ xấu, tồn kho và sức mua của thị trường… đê tăng tín dụng. Nguồn: internet

Cắt hơn một nửa mức lãi suất cho vay chỉ trong thời gian ngắn, nhưng hệ thống các tổ chức tín dụng đến nay vẫn chưa thúc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng như mong đợi. Mặc dù, theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, mức lãi suất ngắn hạn hiện nay chỉ 8% - 9%/năm, hay cho vay dài hạn 11% - 13%/năm, đã dần hợp lý để DN xem xét tiếp cận vốn vay.

Chưa khi nào, thị trường ghi nhận nhiều hoạt động khuyến khích vay vốn như hiện nay. Nhiều ngân hàng như Sacombank, HDBank… liên tục tung ra các gói tín dụng ưu đãi đáp ứng nhu cầu kinh doanh của DN, hộ kinh doanh cá thể, hay tiếp cận các tiểu thương kinh doanh hàng Tết Giáp Ngọ... Lãi suất thậm chí từ 0%, hạn mức cũng nới hơn trước.

Theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, xu hướng lãi suất đang giảm dần và những động thái tích cực từ các ngân hàng chính là cơ hội để DN và người dân tiếp cận vốn giá rẻ, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thực hiện các kế hoạch cá nhân trong mùa cuối năm nay. Ông Trần Du Lịch công nhận, thực tế lãi suất không còn là vấn đề lớn với DN.

Quả vậy, với các lần điều chỉnh trần lãi suất huy động trong thời gian gần đây, không ít ngân hàng rầm rộ công bố dành hạn mức hàng chục tỷ đồng, lãi suất ưu đãi cho các DN. Nói về cuộc “chạy đua” đưa vốn rẻ ra thị trường của các ngân hàng lúc này, ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc NamA Bank lý giải, do nhu cầu sử dụng vốn của các DN trong quý IV luôn cao hơn so với ba quý đầu năm.

Nhìn nhận về các giải pháp tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng vừa qua, TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng đưa ra nhận định, nhu cầu tín dụng của các DN thường tăng trong quý IV và trên thực tế, nhu cầu vốn của khách hàng hiện nay vẫn cao.

Nhưng theo nhiều chuyên gia, nghịch lý là trong lúc ngân hàng mong tăng cho vay, DN háo hức chờ vốn thì khả năng tín dụng vẫn chưa thể được khơi dòng mạnh mẽ. Ngay cả mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay đặt ra không quá cao so với giai đoạn trước nhưng đạt được cũng không dễ.

Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng Bản Việt 8 tháng đầu năm 2013 đạt khoảng 9% so với “room” nhận được đầu năm là 12%. Nhiều nhà băng thậm chí còn không đạt được mức tăng trưởng tương đối khả quan như ngân hàng Bản Việt. Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2013, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới đạt khoảng 6% so với cuối năm ngoái, để đạt mục tiêu 12% của cả năm 2013, trong 3 tháng còn lại phải tăng thêm một khoảng như vậy nữa. Theo ông Kiêm, thực hiện được không phải dễ.

Ở góc độ “người trong cuộc”, ông Đỗ Duy Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt cũng thừa nhận, đạt kỳ vọng dư nợ tín dụng tăng mạnh trong dịp cuối năm là điều không dễ dàng. Rào càn giữa cung và cầu có thể khó vượt qua với nhiều khoản vay thuộc mong muốn của cả bên ngân hàng và DN, người dân…

Theo ông Lịch, vấn đề cần giải quyết còn lại là nợ xấu, tồn kho và sức mua của thị trường… Bởi lẽ, để tiếp cận và có được nguồn vốn vay trong bối cảnh sức mua yếu, tồn kho lớn, triển vọng kinh doanh mong manh đang làm khó cho cả phía DN và các ngân hàng để kết nối và hợp tác.

Ông Vũ cho biết thêm: “Ngân hàng rất mong đẩy mạnh vốn cho vay, hỗ trợ DN trong mùa sản xuất, kinh doanh cuối năm, nhưng để tìm kiếm được khách hàng tốt cho vay trong lúc này là không đơn giản”.

Trên thực tế, khó khăn sản xuất kinh doanh kéo dài nhiều năm nay đã hình thành nên rất nhiều khoản nợ xấu, trở thành rào cản lớn trong việc khơi thông vốn ra thị trường. Ngay cả khi nợ xấu thời điểm này đã được kiểm soát, nhưng một khi thị trường còn khó khăn và sức khỏe DN yếu thì bản thân các ngân hàng cũng phải thận trọng với rủi ro nợ xấu phát sinh từ các khoản cho vay mới. Nhất là khi họ đã có đủ trải nghiệm trong quá trình xử lý nợ xấu thời gian vừa qua.

Kinh tế trưởng Dragon Capital, ông Nguyễn Anh Tuấn góp ý, muốn khơi được dòng chảy tín dụng cần phải tiếp tục giải quyết nợ xấu và điều chỉnh giảm thêm lãi suất. Ngược lại, khi tín dụng tăng thì nợ xấu sẽ có cơ hội giảm. Đó là lý thuyết. Thực tế cho thấy, cho dù Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang đẩy nhanh tiến trình mua lại nợ xấu của một số ngân hàng, thị trường cũng có đánh giá tích cực về động thái này và dự báo triển vọng sáng hơn đối với việc xử lý nợ xấu, nhưng đây vẫn là mối lo chính trong phát triển tín dụng giai đoạn tới.

Còn hiện nay, theo đánh giá của ông Tuấn, mức lãi suất cho vay của Việt Nam vẫn khá cao so với khả năng sinh lời bình quân của nền kinh tế, đặc biệt là với khách hàng cá nhân chỉ có nguồn thu nhập ổn định từ lương phải vay vốn để mua nhà ở. TS. Cao Sỹ Kiêm cũng đồng tình rằng, lãi suất cho vay hiện nay chưa đáp ứng được kỳ vọng của tất cả các DN, nhưng rào cản ngăn tín dụng chảy vào sản xuất kinh doanh trong giai đoạn này, theo ông Kiêm, là sức mua yếu và tình hình tồn kho cao. Ông cho rằng, cần đẩy mạnh kích cầu.