“Rủi ro kinh doanh vàng miếng của ngân hàng rất thấp”

Theo Đầu tư Chứng khoán

Ngày 10/1, ngoài 31 đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh vàng, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng (TCTD) không có giấy phép sẽ không được phép thực hiện kinh doanh mua, bán vàng miếng. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TienPhong Bank, một trong những TCTD được cấp giấy phép đợt đầu tiên.

Được biết, số lượng doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng ít hơn nhiều so với hồ sơ đưa lên. Theo ông, liệu có phải doanh nghiệp không đáp ứng được đủ điều kiện hay do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) muốn giới hạn về số lượng đơn vị kinh doanh vàng?

“Rủi ro kinh doanh vàng miếng của ngân hàng rất thấp” - Ảnh 1
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TienPhong Bank
Việc doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng ít hơn so với hồ sơ đưa lên có thể được lý giải bởi cả 2 yếu tố: NHNN muốn giới hạn số lượng doanh nghiệp kinh doanh vàng và thực tế nhiều doanh nghiệp đã không đáp ứng đủ điều kiện để kinh doanh vàng theo quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Với số lượng doanh nghiệp bị thu hẹp, liệu có ảnh hưởng đến nhu cầu nắm giữ vàng hợp pháp của người dân không, thưa ông?

Thị trường hiện đang lưu hành rất nhiều vàng, lượng vàng nằm trong dân rất lớn, có thể tới 350 - 400 tấn. Việc Nhà nước thu hẹp số lượng doanh nghiệp kinh doanh vàng, về cơ bản, không ảnh hưởng nhiều đến quyền người dân được cất giữ, sở hữu và mua bán. Tất nhiên, số lượng các cửa hàng vàng bạc sẽ giảm đi từ hàng chục ngàn hiện nay xuống chỉ còn khoảng 2.000 cửa hàng, điểm kinh doanh hợp pháp. Khi đó, việc mua bán vàng miếng sẽ không còn quá thuận lợi và đơn giản như đi chợ mua mớ rau được.

Thực tế, khi Nhà nước quy hoạch việc kinh doanh vàng ở một phạm vi hẹp, người dân sẽ được hưởng lợi từ việc mua bán vàng chuyên nghiệp và chính thống hơn. Thay vì họ phải mua bán vàng ở một cửa hàng không đủ uy tín nào đó, người dân sẽ được đảm bảo về chất lượng vàng miếng chính hãng, giá cả được niêm yết công khai với dịch vụ hoàn hảo từ các ngân hàng, các  công ty kinh doanh vàng bạc đá quý được cấp phép, tránh được tình trạng vàng giả, vàng nhái, không có tình trạng ép giá, đầu cơ, tạo khan hiếm giả tạo để trục lợi.

Liệu sau khi siết chặt số lượng doanh nghiệp kinh doanh vàng, thị trường vàng sẽ ổn định?

Việc giới hạn số lượng doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng là một trong những động thái quan trọng nhất trong thời điểm hiện tại để ổn định thị trường vàng. Cùng với việc giới hạn số lượng doanh nghiệp kinh doanh vàng, NHNN sẽ có chính sách quản lý kinh doanh vàng để thị trường vận hành đúng với quy luật của nó, giảm  đáng kể rủi ro về giá cả cũng như rủi ro về giao dịch trạng thái.

Có lẽ kinh doanh vàng vẫn được coi là loại hình kinh doanh siêu lợi nhuận, nên TienPhong Bank tham gia thị trường này?

Mục tiêu của Nghị định 24/2012/NĐ-CP là lập lại trật tự trong lĩnh vực kinh doanh vàng miếng, nhưng phải đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân có nhu cầu mua bán vàng. Vì vậy, những doanh nghiệp kinh doanh vàng được chọn lọc cùng với sự tham gia của các ngân hàng thương mại (NHTM) sau khi được NHNN cấp phép có nhiệm vụ rất quan trọng là bảo đảm kênh phân phối thông suốt, tiện lợi cho người dân. Dựa trên lợi thế của cổ đông DOJI trong lĩnh vực kinh doanh vàng, TienPhong Bank xác định, một trong những định hướng hoạt động của Ngân hàng là hướng tới việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh vàng bạc đá quý ngoài khả năng tự doanh vàng.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, kinh tế trong nước gặp khó khăn, nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại, nhu cầu của người dân đầu tư vào vàng vẫn rất lớn. Với nhu cầu của người dân lớn như vậy, TienPhong Bank xác định, việc cung ứng dịch vụ mua bán vàng và các dịch vụ khác liên quan đến vàng dành cho người dân là một nhiệm vụ trọng yếu của Ngân hàng  trong các hoạt động mũi nhọn sau giai đoạn tái cấu trúc. Thực tế, TienPhong Bank nằm trong số rất ít ngân hàng có lợi thế về hoạt động này do có cổ đông lớn là Tập đoàn DOJI, một doanh nghiệp hàng đầu về kinh doanh vàng.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc kinh doanh vàng miếng tiềm ẩn không ít rủi ro cho các TCTD. Ông có bình luận gì?

Hiện tại, NHNN đã yêu cầu các NHTM giữ trạng thái vàng dương cuối ngày ở mức rất thấp, khoảng 2% vốn tự có, do đó, rủi ro liên quan đến giao dịch trạng thái được hạn chế rất nhiều. Với tỷ lệ giới hạn này (tương ứng khoảng 1.500 lượng vàng tại TienPhong Bank), số lượng vàng nắm giữ tại mỗi ngân hàng sẽ là không quá lớn. Xem lại lịch sử của thị trường vàng, biến động của giá vàng trong một ngày giao dịch cũng chưa bao giờ quá 10%. Vì vậy, rủi ro lớn nhất cho ngân hàng như TienPhong Bank là 150 lượng vàng (khoảng vài tỷ đồng), tương đối thấp. Hơn nữa, rủi ro kinh doanh vàng cũng được chúng tôi hạn chế nhờ công nghệ quản lý hiệu quả. Khi vận hành kinh doanh vàng, Ngân hàng thực hiện các giao dịch trực tuyến, nên giá vàng được tự động được cập nhật liên tục sau 15 giây. Điều này giúp Ngân hàng có thể quản lý trạng thái vàng tập trung, giúp phòng chống hiệu quả rủi ro.

TienPhong Bank kỳ vọng lợi nhuận như thế nào trong mảng này, thưa ông?

Hiện tại, do mới tham gia thị trường vàng và do mức chênh lệch giá mua bán vàng (margin) rất thấp nên Ngân hàng phải tiết giảm tối đa chi phí vận hành, vận chuyển, bảo quản hay một số chi phí khác. Tuy nhiên, do số lượng các đơn vị đủ tiêu chuẩn để được cấp phép kinh doanh vàng hạn chế và TienPhong Bank có đối tác quan trọng là Tập đoàn DOJI, nên dù mức chênh lệch giá rất thấp, TienPhong Bank vẫn kỳ vọng lượng giao dịch sẽ đủ lớn, để bù lại chi phí và mang lại lợi nhuận. Chúng tôi kỳ vọng, hoạt động kinh doanh vàng sẽ mang lại tỷ trọng từ 5% đến 10% lợi nhuận của Ngân hàng trong năm 2013 và sẽ mang lại lợi nhuận nhiều hơn trong tương lai.