Rủi ro ngân hàng nhìn từ nhân sự

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Một trong những điểm yếu của nhân sự Việt Nam hiện nay là không có cơ sở để xác định rủi ro của khách hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chấp nhận rủi ro mới cho vay được

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó giám đốc Văn phòng Eximbank khu vực miền Bắc, tưởng tượng ra một ví dụ bi hài, bỗng một buổi sáng trong tương lai, khi đã về hưu, đi thể dục ở công viên thì được một đồng chí công an triệu tập về đồn với lý do một dự án đã cho vay từ khi ông còn công tác xảy ra rủi ro tín dụng.

Việc chỉ có những chuẩn mực chung về lý thuyết mà chưa có chuẩn mực chung về thực hiện khiến những người làm tín dụng trong ngành Ngân hàng rất rủi ro trong ranh giới của những việc pháp luật không cấm nhưng không được làm, hoặc những rủi ro không cố ý, ông Sơn chia sẻ tại buổi Tọa đàm chuẩn hoá năng lực tín dụng của cán bộ ngân hàng Việt Nam, diễn ra mới đây.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Xuân Hòe, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) rất tâm đắc với câu nói của chuyên gia đến từ Omega: “Cho vay ra một khoản là đã tạo một khoản tiền lớn hơn để thu hồi nợ”. Vì vậy, theo ông Hòe, làm tín dụng là phải chấp nhận có rủi ro. “Vấn đề của những người làm tín dụng và quản lý ngân hàng là làm thế nào để an toàn nhất”, ông Hòe nói.

Giám đốc Khối CIB của VPBank, bà Phùng Thị Thu Hương nêu ví dụ, một người chỉ có năng lực tài chính là 50 tỷ đồng, nhưng ngân hàng cho vay đến 100 tỷ đồng để họ đầu tư bất động sản thì rõ ràng, trong bối cảnh thị trường vừa qua, quyết sách trên đã làm hại chính khách hàng và ngân hàng. Điều đó cũng cho thấy, một trong những điểm yếu của nhân sự Việt Nam hiện nay là không có cơ sở để xác định rủi ro của khách hàng. Chiếc gậy vin vào chỉ là tài sản thế chấp. Tuy nhiên, nhìn ra thế giới và thực chứng đóng băng của thị trường bất động sản vừa qua cho thấy, để giảm thiểu rủi ro phải nhìn vào dòng tiền của khách hàng.

Một con số thuyết phục có thể chứng minh cho quan ngại trên. Nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered cho thấy, 51-53% rủi ro tín dụng là do chủ quan của những cán bộ trong hệ thống. Trong khi thực tế tại Việt Nam cho thấy, khẩu vị rủi ro giữa bộ phận bán hàng, thẩm định rủi ro, phê duyệt luôn luôn không nhất quán, bà Lê Mai Lan, Chủ tịch HĐQT Viện Ngân hàng Tài chính (BTCI) đặt vấn đề.

“Chúng ta đều biết những nguyên tắc lý thuyết chung về quản trị rủi ro. Nhưng, làm thế nào để gò mình theo những khung nguyên tắc đó và tạo được một cách nhìn chung giữa các ngân hàng và các bộ phận về rủi ro tín dụng đang là vấn đề đặt ra trong hệ thống ngân hàng Việt Nam”, ông Sơn nói. Nhưng, cũng theo vị này, ngân hàng là một ngành kinh doanh rủi ro theo xác suất, vì vậy không thể quá cẩn trọng và sợ hãi để rồi không cho vay. Vì vậy, để đảm bảo giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tín dụng, cần có một mặt bằng chung chuẩn hoá những quy định, rủi ro về tín dụng. Quan trọng hơn là phải tạo ra trong xã hội một cách nhìn nhận chung về rủi ro tín dụng để cho cán bộ ngân hàng hiểu được phải chấp nhận rủi ro và phải dự phòng rủi ro.

Cần một chuẩn chung

Chia sẻ kinh nghiệm 20 năm làm việc cho Standard Chartered, ông Balasingam, Giám đốc Khối ngân hàng bán buôn Techcombank cho biết, cần phải quy chuẩn lại khẩu vị rủi ro cho các cán bộ ngân hàng từ người bán hàng, thẩm định, quản lý rủi ro, cho đến người làm chính sách trong toàn hệ thống bằng một chuẩn đào tạo thống nhất và phải được đánh giá. Ví như, tại Standard Chartered, mọi lãnh đạo, nhân viên đều trải qua đào tạo và kiểm tra, đánh giá theo quy chuẩn khung năng lực của đối tác Omega. Nếu những người làm tín dụng không vượt qua được lần thi liên tiếp thứ 3 do Omega tổ chức, họ sẽ không được cấp hạn mức về tín dụng.

Công thức này cũng đang được Techcombank áp dụng cách đây 2 năm. “Chúng tôi kỳ vọng với số lượng đào tạo 300-500 người thực sự làm thay đổi văn hóa tín dụng và sau khi triển khai thành công cho vay doanh nghiệp, sẽ chuyển sang cho vay bán lẻ”, ông Balasingam nói.

Đồng quan điểm với ông Balasingam, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, khung năng lực chuẩn trong thực hiện không chỉ tạo ra bằng kiến thức và kinh nghiệm của những ngân hàng trong nước mà còn của các ngân hàng nước ngoài để lường đón những rủi ro mà chúng ta chưa bao giờ gặp phải. Kinh nghiệm của các ông này cũng chỉ ra, cần có một hệ thống giảng viên nguồn trong ngân hàng là những lãnh đạo, những người có kinh nghiệm bởi họ chính là người kết nối giữa chuẩn mực quốc tế và kinh nghiệm thực tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Quan trọng hơn, các nhà quản lý ngân hàng đều cho rằng, cần tạo lập một ngôn ngữ chung cho cả hệ thống về chuẩn hoá khung năng lực. Đây là cơ sở khi các ngân hàng đều soi vào đó để thực hiện các nghiệp vụ sẽ tránh cảnh rủi ro pháp lý vì không có ngân hàng khác tham chiếu. Và để làm được điều này, vấn đề đào tạo chứng chỉ nghề cho các chức danh trong ngân hàng là cần thiết mà như các chuyên gia dùng hình ảnh: Chi bạc lẻ để giữ bạc chẵn. Đây cũng là điểm tựa để các ngân hàng tin tưởng vào nhân viên của mình, mở rộng tín dụng với mức độ an toàn cao hơn.

Bà Phùng Thị Thu Hương nhận định, khi khối tín dụng có cùng một ngôn ngữ và nó là cơ sở để tiết kiệm thời gian trong quy trình cấp tín dụng, cũng như giảm thiểu rủi ro không chỉ cho ngân hàng mà còn cho cả khách hàng.