Sắc xanh đang dần bao phủ thị trường chứng khoán Việt Nam

Theo Lê Vân/kinhtevadubao.vn

Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ thời gian vừa qua phần nào hứa hẹn kích thích hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ khó khăn, động lực khiến thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến khởi sắc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhiều giải pháp “trợ lực” cho thị trường trong bối cảnh dịch bệnh

Theo báo cáo đánh giá về tác động của Covid-19 lên các ngành kinh tế Việt Nam của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả thuộc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV công bố vào giữa tháng 04/2020, nhóm nghiên cứu nhận định, tác động tiêu cực của dịch bệnh lên thị trường chứng khoán đã phản ánh rõ nét.

Cụ thể: tính đến hết ngày 31/3/2020, chỉ số VN-Index sụt giảm mạnh (-31%) so với đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 33 phiên liên tiếp với giá trị bán ròng cả quý 1 khoảng 9.200 tỷ đồng; giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán giảm 28% so với đầu năm.

Trước tình hình giảm điểm của thị trường chứng khoán, ngay từ tháng 03/2020, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tích cực tuyên truyền để ổn định tâm lý nhà đầu tư.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về lĩnh vực chứng khoán được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC, ngày 18/3/2020, trong đó giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán ít nhất trong vòng hơn 5 tháng (từ 19/3/2020-hết ngày 31/8/2020); xem xét kéo dài thời gian áp dụng Thông tư này trong trường hợp cần thiết nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cụ thể, giảm giá (từ 10%-50%) 9 dịch vụ, trong đó: Giảm 10% đối với 3 dịch vụ bao gồm: dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở, thị trường phái sinh; dịch vụ lưu ký chứng khoán. Giảm từ 15%-20% đối với 2 dịch vụ bao gồm: dịch vụ quản lý vị thế, quản lý tài sản ký quỹ trên thị trường chứng khoán phái sinh. Giảm từ 30%-50% đối với 4 dịch vụ bao gồm: dịch vụ quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm; dịch vụ thực hiện quyền; dịch vụ chuyển khoản chứng khoán; dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh.

Không thu (miễn hoàn toàn) đối với 6 dịch vụ bao gồm: dịch vụ đăng ký niêm yết; đăng ký chứng khoán; dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu; dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống VSD; đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh; đăng ký thành viên bù trừ.

Theo đánh giá của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Thông tư số 14/2020/TT-BTC đã trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp chứng khoán khoảng 160,5 tỷ đồng thông qua việc giảm phí, được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các công ty chứng khoán và nhà đầu tư, thu hút thêm 31.832 tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới trong tháng 3/2020 và dòng tiền mới vào thị trường chứng khoán khá mạnh, giúp ổn định thị trường chứng khoán.

Tiếp đó, ngày 9/3/2020, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 37/TT-BTC quy định: kể từ ngày 07/5/2020 đến hết ngày 31/12/2020 cho phép giảm 50% mức thu của 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực so với quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán ban hành kèm theo Thông tư số 272/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) cũng đã giảm thời gian xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp (từ 7 ngày xuống còn 24 giờ) tạo điều kiện cho doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ. Theo đó, từ ngày 16/3-15/4/2020, đã có 26 doanh nghiệp đăng ký mua cổ phiếu quỹ với tổng số cổ phiếu đăng ký mua là 170.489.189 cổ phiếu tương đương 3.123 tỷ đồng, giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại cổ đông và báo cáo tài chính; Hướng dẫn các công ty đại chúng việc gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, tổ chức Đại hội đồng cổ đông trực tuyến.

Đồng thời, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã chỉ đạo 02 Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán xây dựng các kịch bản điều hành thị trường chứng khoán trong mọi hoàn cảnh bị tác động của dịch Covid-19 và đến nay hệ thống giao dịch chứng khoán vẫn được duy trì hoạt động thông suốt.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng 9/5/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời nắm bắt được các cơ hội phát triển, đối với lĩnh vực chứng khoán, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán, như: lùi thời hạn tổ chức Đại hội cổ đông thêm 03 tháng (đến trước ngày 30/9), giảm thời hạn công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ (từ 7 ngày xuống còn 01-02 ngày); cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nếu đủ điều kiện được niêm yết trên thị trường chứng khoán...

Khởi sắc cho thị trường chứng khoán hậu đại dịch Covid-19

Nhờ những giải pháp kịp thời nói trên, tại Hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp vào ngày 9/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những nhận định tích cực về lĩnh vực tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Theo đó, Thủ tướng cho biết, “riêng tháng 3/2020, có hơn 80 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu và cổ phiếu thị trường mới nổi. Trong gam màu xám đó, Việt Nam xếp hạng 12/66 thị trường mới nổi về độ vững mạnh tài chính. Điều này cho thấy, tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam là vô cùng lớn và luôn bền vững ngay cả trong những thời khắc khó khăn như vừa qua và thị trường chứng khoán ngày hôm qua tăng trưởng tốt, nước ngoài đã mua ròng mạnh mẽ chấm dứt bán ròng liên tục 26 phiên”.

Quả thực, sắc xanh đã lan tỏa trên thị trường chứng khoán những ngày gần đây. Theo trang tin Cafef.vn, phiên giao dịch ngày 14/5/2020, thanh khoản thị trường chứng khoán đạt mức cao nhất nhiều tháng. Thanh khoản thị trường chứng khoán vọt lên 7.400 tỷ trên sàn HoSE và gần 470 tỷ trên sàn HNX. Đây là phiên có giá trị giao dịch cao nhất trong nhiều tháng.

Đặc biệt, xu hướng rút vốn xảy ra khắp nơi trên thế giới của giới đầu tư, nhưng có vẻ như đã dừng lại ở Việt Nam. Sau chuỗi bán ròng liên tiếp suốt 3 tháng, dòng tiền ngoại lại quay trở lại Việt Nam khi chỉ số VnIndex đang ở ngưỡng gần cận kề điểm số trước Covid-19.

Điều này cho thấy, các nhà đầu tư ngoại quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam vì thấy rằng rủi ro ở Việt Nam đã trở nên thấp hơn rất nhiều khi dịch bệnh được kiểm soát và dòng vốn FDI đang dồn về (bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, trong 4 tháng đầu năm 2020, Việt Nam thu hút khoảng 12,33 tỷ USD vốn FDI, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019; giải ngân được 5,15 tỷ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm ngoái).

Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến các nhà đầu tư ngoại quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam là do, việc cắt giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 13/05/2020 cũng phần nào khiến nhà đầu tư không còn mặn mà gửi ngân hàng vì không còn đạt lợi nhuận cao như trước đó.