Sản phẩm tài chính tất yếu...

PV.

Thực tiễn phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh trên thế giới đã khẳng định rằng công cụ phái sinh là một sản phẩm tài chính tất yếu trong tiến trình phát triển của thị trường tài chính. Với ý nghĩa đó, trong những năm qua Ủy ban chứng khoán và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã có nhiều nỗ lực chuẩn bị các bước cần thiết để đưa công cụ này vào thị trường…

Đã đến lúc thị trường cần mở rộng thêm các sản phẩm mới, đa dạng hơn, hấp dẫn hơn như các chứng khoán phái sinh
Đã đến lúc thị trường cần mở rộng thêm các sản phẩm mới, đa dạng hơn, hấp dẫn hơn như các chứng khoán phái sinh



Phát triển tất yếu

Theo TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, một số công cụ phái sinh đơn giản cũng bước đầu được sử dụng không chính thống (như quyền mua chứng khoán, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn…).

Đặc biệt, trong giai đoạn thị trường tăng trưởng nhanh công cụ phái sinh được sử dụng nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư sinh lợi là chủ yếu.

Chỉ khi thị trường rơi vào giai đoạn suy giảm sâu và kéo dài do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, khủng hoảng nợ công châu Âu 2011, các sản phẩm phái sinh lại được “xới” lại nhiều hơn trong vai trò một công cụ phòng vệ rủi ro hiệu quả.

Tuy nhiên, do khung pháp lý hiện hành (Luật Chứng khoán và nghị định hướng dẫn) chưa có quy định cụ thể nên việc giao dịch các chứng khoán phái sinh bị coi là trái các quy định của pháp luật.

Dù vậy, thực tiễn đã chứng minh một điều là nhu cầu giao dịch các chứng khoán phái sinh là có thực.

“Bên cạnh các “sản phẩm truyền thống” như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… đã đến lúc thị trường cần mở rộng thêm các sản phẩm mới, đa dạng hơn, hấp dẫn hơn như các chứng khoán phái sinh” – TS. Nguyễn Sơn nhấn mạnh.

Nỗ lực của HNX

Nhằm sớm đưa công cụ mới đi vào thị trường, trong những năm gần đây Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết. Trong đó, việc phát triển hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh trên nền tảng công nghệ của hệ thống giao dịch core I5 bước đầu đã mang lại nhiều kết quả thiết thực.


Qua nhiều giai đoạn nâng cấp, HNX đã chính thức đưa hệ thống giao dịch cổ phiếu Core I5 đi vào vận hành ngày 29/7/2013. Đây là một bước tiến quan trọng đánh dấu sự chủ động của HNX trong phát triển công nghệ thông tin, nâng mức độ bảo mật cao, góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí cho ngân sách Nhà nước.

Sau 3 năm đi vào hoạt động, hệ thống giao dịch Core I5 luôn vận hành ổn định, an toàn, chính xác và thông suốt, với số lượng lệnh đặt trung bình từ 36.000 – 44.000 lệnh/phiên, trong khi năng lực hệ thống hoàn toàn có thể đáp ứng được tần suất giao dịch 10-15 triệu lệnh/phiên.

Tải hệ thống trung bình chỉ chiếm từ 10 – 12% so với năng lực tối đa của hệ thống.

Với tần suất và mức độ tăng trưởng giao dịch như hiện nay thì về mặt kỹ thuật, hệ thống giao dịch của HNX có thể đáp ứng tốt trong vòng 3 năm tới mà không cần nâng cấp.

Đồng thời, HNX cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh và cải tiến hệ thống nhằm nâng cao hiệu năng, tính chính xác và đáp ứng các yêu cầu mới phát sinh, đồng thời phục vụ quá trình thao tác, vận hành cũng như giám sát hệ thống tối ưu hơn.

Từ đầu năm 2016, HNX đã và đang triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh trên cùng một nền tảng công nghệ hiện tại và sẵn sàng cho việc đưa vào giao dịch sản phẩm phái sinh vào cuối năm 2016, đầu năm 2017.

Việc sử dụng chuẩn kết nối FIX 4.4 sẽ giúp các công ty chứng khoán thành viên tiết kiệm chi phí đầu tư do có thể tận dụng được từ hệ thống hiện tại.

Với quyết tâm trở thành một Sở giao dịch chứng khoán hiện đại, HNX luôn tiên phong trong việc đổi mới hướng tới các chuẩn mực quốc tế. Bằng những gì đã làm được trong những năm qua, HNX đã khẳng định khả năng làm chủ hệ thống công nghệ của mình, không ngừng phát triển đổi mới để xứng đáng là nơi gửi gắm niềm tin của các nhà đầu tư.

Sau 3 năm đi vào hoạt động, hệ thống giao dịch Core I5 luôn vận hành ổn định, an toàn, chính xác và thông suốt, với số lượng lệnh đặt trung bình từ 36.000 – 44.000 lệnh/phiên, trong khi năng lực hệ thống hoàn toàn có thể đáp ứng được tần suất giao dịch 10-15 triệu lệnh/phiên.