Sàn vàng ảo tái xuất?

Theo vietnamnet.vn

(Tài chính) Hình thức mua bán vàng trực tuyến thông qua dịch vụ ngân hàng điện tử đã lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.

 Sàn vàng ảo tái xuất?
Mua vàng qua mạng giống như mọi hình thức giao dịch hàng hóa trực tuyến khác? Nguồn: internet
Đây được quảng cáo là một hình thức giao dịch hiện đại tuy nhiên lại làm nảy sinh nghi vấn liệu kinh vàng tài khoản, sàn vàng ảo… tái xuất.

Nỗi ám ảnh "vàng ảo"

Vàng ảo hay kinh doanh vàng tài khoản, sàn vàng đã một thời nở rộ tại Việt Nam. Cách đây 5 năm, cùng với chứng khoán các sàn vàng hoạt động rầm rộ, cho phép các nhà đầu tư kinh doanh vàng qua tài khoản trực tiếp với thị trường quốc tế.

Thời điểm đó, sàn vàng đã thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị: Doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng, ngân hàng, thâm chí tổ chức không có chức năng kinh doanh vàng… lôi kéo vàng chục ngàn nhà đầu tư tham giá đã tạo nên một cơn sốt vàng ảo. Tất nhiên, kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy đối với nhà đầu tư, DN và tổ chức tài chính, ảnh hưởng đến sự ổn định trên thị trường vàng, ngoại hối và tiền tệ.

Đối với rất nhiều nhà đầu tư, sau một thời gian tham gia đầu tư vàng ảo, cụ thể hơn là kinh doanh vàng trên tài khoản đã chuốc lấy thất bại, thua lỗ. Trong khi đó, đối với không ít DN và tổ chức tài chính dù ở góc độ người tổ chức kinh doanh hay trực tiếp đầu tư thì cũng gánh chịu nhiều thiệt hại trước biến động của giá vàng thế giới. Đã có những ngân hàng công bố con số thua lỗ hàng ngàn tỷ đông vì vàng.

Sàn vàng đã kéo theo các công cụ hỗ trợ như: đòn bẩy tài chính cho nhà đầu tư, hoạt động mua bán vàng liên tục với nước ngoài thông qua tài khoản để cân bằng trạng thái, mua bán khống, mua bán kỳ hạn … được thực hiện dưới nhiều hình thức và biến tướng, gây ra rủi ro tiền ẩn cho các tổ chức tài chính và bất ổn vĩ mô. Thậm chí đã nảy sinh nhiều tranh chấp, kiện cáo về những sự cố, rủi ro khi tham gia sàn vàng

Tuy nhiên, khi rà soát lại, cơ quan quản lý cho biết kinh doanh sàn vàng là một hoạt động chưa có các quy định quản lý nhưng cấm sàn vàng không dễ vì thời điểm đó, sàn vàng không bị cấm.

Tuy nhiên, với những cơ sở pháp lý chưa đầy đủ, bất lợi của hoạt động này gây ra, sàn vàng đã bị cấm hoạt động. Mọi hoạt động đầu tư vàng ảo chấm dứt. Đến nay, mọi hoạt động kinh doanh vàng qua tài khoản của mọi các nhân, tổ chức đều bị cấm, tài khoản mua bán vàng phục vụ xuất nhập khẩu của các ngân hàng cũng chấm dứt.

Tuy vậy, trên thực tế, kinh doanh vàng ảo chui vẫn còn rơi rớt. Có không ít tổ chức dùng nhiều hình thức biến tướng để tiếp tục kinh doanh sàn vàng. Tất nhiên, với hoạt động phi pháp thì luôn tiềm ẩn rủi ro và thua thiệt luôn đứng về phía người đầu tư.

Chính vì thế, khi nói về hình thức mua bán vàng trực tuyến, đại diện Ngân hàng Nhà nước cảnh báo, công nghệ hiện đại luôn đi kèm với mặt trái, tin tặc có thể tấn công vào hệ thống gây hại cho tài sản của khách và ngân hàng. Bên cạnh đó, các lưu ý về sàn vàng cũng được nhắc lại để cảnh báo đối với cả nhà đầu tư và đơn vị kinh doanh.

Chính lãnh đạo ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, đây là phương thức giao dịch mới mẻ và có những tính chất giáp ranh giữa giao dịch thực và giao dịch ảo, do đó việc triển khai trên thực tế sẽ đối diện với những vấn đề tranh cãi trái chiều.

Ảo hay không ảo?

Trong mỗi nghi ngờ, e ngại “sàn vàng” của nhiêu cơ quan quản lý và người dân, gần đây, ngân hàng đầu tiên đã “dám” trình làng dịch vụ mua bán vàng qua Internet Banking. Nhà băng này khẳng định, hoạt động hoàn toàn dựa trên tiền thực và vàng thực. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, sau khi thận trọng với việc cấp phép đã cho rằng, đây là là giải pháp công nghệ mới và phù hợp quy định.

Theo các quy định hiện nay, gần như không có quy đình nào xác định ”vàng tài khoản” hay ”kinh doanh vàng trên tài khoản” là gì. Trước đây, Quyết định số 03/2006/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài có giải thích chung chung: “Kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài” là hoạt động kinh doanh vàng thông qua tài khoản vàng tại nước ngoài dưới các hình thức giao dịch theo thông lệ quốc tế.

Từ thực tế hoạt động của sàn vàng ảo trước đây có thể thấy một số đặc trưng sau, gọi là sàn vàng nhưng thực chất nhà đầu tư chỉ sử dụng một tài khoản để đầu tư ‘vàng ảo” theo giá vàng quốc tế mà không bao giờ được nhận vàng thực.

Đến thời điểm này, nói đến "vàng tài khoản" hay “sàn vàng” là nói đến các trang mạng kinh doanh vàng phi vật chất chui ở nước ngoài, với những thứ như tài khoản đầu tư, đặt cọc, ký quỹ, khách hàng không bao giờ nhìn thấy vàng mà chỉ nhìn thấy tài khoản của mình.

Đặc biệt, trong hoạt động đầu tư sàn vàng trước đây có 3 yếu tố đặc trưng: thực hiện khớp lệnh định kỳ giữa người mua với người bán, cho phép vay vàng đầu tư và mua bán khống cũng như giao dịch trạng thái kỳ hạn. Đặc biệt, các ngân hàng và tổ chức kinh doanh sàn vàng cho phép sử dụng công cụ đòn bẩy tài chính trong đầu tư kinh doanh vàng.

Vậy mua bán vàng qua Internet Banking có là vàng ảo? Thực tế, ngân hàng cung cấp dịch vụ chỉ đóng vai trò là người cung cấp dịch vụ mua bán vàng vật chất qua các giải pháp ngân hàng điện tử. Khi đặt mua, khách hàng phải chuyển tiền và ngay sau đó sẽ được lấy vàng. Như vậy, tiền thực chuyển đi và vàng thực sẽ được giao. Ngân hàng sẽ chỉ giữ hộ khi khách có nhu cầu. Còn trong trường hợp bán vàng, nếu khách còn gửi vàng tại ngân hàng thì có thể đặt qua mạng, còn không sẽ phải mang vàng đến bán tại các điểm kinh doanh vàng như thông lệ.

Như vậy, trong mọi trường hợp, người mua và bán chỉ thông qua ngân hàng như một nhà giao dịch hàng hóa và niêm yết giá. Hoàn toàn không có biểu hiện của vàng ảo như thực hiện khớp lệnh giữa người mua với người bán, không thực hiện mua bán khống, không thực hiện giao dịch trạng thái kỳ hạn, không sử dụng công cụ đòn bẩy tài chính.

Theo chuyên gia thương mại điện tử đến từ Bộ Công Thương, mua vàng qua mạng như trên giống như mọi hình thức giao dịch hàng hóa trực tuyến khác. Vàng ở đây là vật chất, hàng hóa không phải là một loại hình đầu tư tài chính. Điểm khác biệt là chỉ là cho phép khách hàng thực hiện giao dịch mua - bán vàng trực tuyến, thông qua kênh Internet Banking và Mobile Banking. Người mua có thể “tranh thủ” mua vàng ở bất cứ đâu theo giá niêm yết của ngân hàng, khách hàng không phải đổ xô xếp hàng mua vàng những lúc cao điểm.

Chuyên gia từ Ngân hàng Nhà nước phân tích, mua vàng qua mạng chỉ mở ra cơ chế giao dịch mới giữa khách hàng với ngân hàng trong khi mô hình sàn giao dịch vàng là giao dịch giữa các nhà đầu tư với nhau, qua khớp lệnh. Các yêu cầu mua- bán vàng chỉ được xác định thông qua giá thực tại thời điểm giao dịch mà không có các trạng thái kỳ hạn như sàn vàng.

Hơn nữa, với các quy định về giới hạn trạng thái vàng của Ngân hàng Nhà nước, không được vượt quá 2% vốn tự có; không được cho vay vốn, cho vay vàng để tạo giao dịch “ảo” như ở sàn vàng.