Sàn vàng không phải là sới bạc

Theo baodautu.vn

Chính sách quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua đã giúp thị trường vàng ổn định hơn. Tuy nhiên, điều đáng lo là, tâm lý gom giữ vàng vật chất vẫn không giảm, nên đòi hỏi NHNN phải có giải pháp hữu hiệu hơn để thu hẹp giao dịch vàng vật chất.

Sàn vàng không phải là sới bạc
Tâm lý gom giữ vàng vật chất vẫn không giảm, cần tính đến phương án lập Sàn vàng Quốc gia. Nguồn: internet
Trả lại tự do cho thị trường vàng?

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu NHNN cứ nhập khẩu vàng liên tục, rồi tung vàng ra, hút tiền đồng về, thì vô tình đã ‘chôn’ một khối tài sản lớn, không đưa vào sản xuất.

Chưa kể, việc nhập khẩu vàng của NHNN càng làm tâm lý giữ vàng lan rộng, đi ngược với chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng cho rằng, trước đây, thị trường vàng bất ổn do các ngân hàng lao vào huy động, cho vay vàng.

Hiện nay, thị trường vàng đã cơ bản ổn định trở lại, NHNN nên từng bước trả lại tự do cho thị trường, đồng thời tìm cách thu hẹp giao dịch vàng vật chất.

Theo ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, để hạn chế giao dịch vàng vật chất, NHNN nên xem xét việc thành lập Sàn giao dịch vàng quốc gia.

Tự do hóa thị trường vàng và mua bán vàng qua sàn là xu thế chung mà nhiều nước đã làm từ lâu, như Mỹ, châu Âu, Ấn Độ...

Đồng tình với ý kiến này, nhiều DN kinh doanh vàng cũng cho rằng, sàn vàng ở nước ta trước đây gây nhiều rủi ro không phải là do lỗi của mô hình, mà là do thời điểm đó, cơ quan quản lý chưa thiết lập được môi trường pháp lý và chế tài đủ mạnh cho mô hình này hoạt động an toàn.

Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, một khi thành lập Sàn giao dịch vàng quốc gia, giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông với nhau, người dân sẽ có kênh mua, bán vàng dễ dàng, không bị ép giá. Qua đó, các giao dịch vàng cũng minh bạch hơn và Nhà nước dễ kiểm soát hơn.

Sàn vàng không phải là “sới bạc”

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo của NHNN khẳng định, trong ngắn hạn, cơ quan này chưa tính đến việc thành lập sàn vàng hoặc cho phép kinh doanh vàng tài khoản tại Việt Nam.

“Vàng tài khoản thực chất là đánh bạc, mà phần thắng luôn thuộc về nhà cái, còn con bạc thì luôn luôn trắng tay”, vị này nói.

Lời nhận xét trên hoàn toàn đúng với thực trạng hoạt động của sàn vàng nước ta giai đoạn trước đây, gây nhiều bất ổn cho xã hội.

Tuy nhiên, phải nói lại rằng, đó không phải là mô hình sàn giao dịch vàng quốc gia đúng nghĩa. Bản chất của sàn giao dịch vàng quốc gia là sàn giao dịch hàng hóa, tương tự như sàn giao dịch cà phê, cao su, dầu thô…

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định: “Việc NHNN nhập khẩu vàng về bán cho thị trường trong nước là cần thiết, song đây không phải là sách lược lâu dài. Chúng tôi đang nghiên cứu giải pháp. Có lẽ, để giá vàng trong nước và thế giới liên thông với nhau, thì phải thành lập Sàn giao dịch vàng quốc gia. Cũng giống như sàn giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư không nhìn thấy cổ phiếu nào, nhưng vẫn mua. Vàng sau này cũng vậy. Người dân có vàng sẽ được mời lưu ký vào sàn vàng và sau đó có thể bán vàng lưu ký, lấy chứng chỉ vàng hoặc bán vàng trên tài khoản. Họ cũng có thể rút vàng bất cứ lúc nào. Được NHNN đứng ra chứng nhận lưu ký, nên chắc chắn người dân sẽ yên tâm”.

Điểm bất lợi của Việt Nam so với nhiều nước khi thành lập sàn vàng là không chủ động được nguồn vàng, mà hoàn toàn phụ thuộc vào vàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, nếu có cơ chế phát hành chứng chỉ vàng hợp lý, các chuyên gia tin rằng, NHNN hoàn toàn có thể huy động được hàng trăm tấn vàng trong dân cư để đưa vào lưu thông. Nếu giải pháp này khả thi, thì thay vì nằm chết trong két của dân, vàng vật chất sẽ có một đời sống sôi động, còn Chính phủ cũng không phải bỏ ra hàng tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu vàng.

Tất nhiên, một khi đã thành lập sàn giao dịch vàng, cơ quan chức năng cũng phải đưa ra những quy định chặt chẽ giống như sàn giao dịch chứng khoán, chặn các yếu tố đầu cơ, làm giá, hạn chế tối đa tỷ lệ đòn bẩy tài chính.