Sắp có hướng dẫn thực hiện phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi có thưởng

PV.

(Tài chính) Ngày 14/8, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phối hợp với Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị: “Phổ biến pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán” nhằm nâng cao nhận thức và tuân thủ pháp luật về công tác phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán. Đặc biệt, đây còn là cơ hội để trao đổi, hỏi đáp các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống rửa tiền để triển khai đúng quy định của pháp luật và đạt hiệu quả cao.

Hội nghị phổ biến pháp luật về Phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán. Nguồn: FinancePlus.vn
Hội nghị phổ biến pháp luật về Phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán. Nguồn: FinancePlus.vn

Tại Hội nghị, đại diện Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng và UBCKNN đã giới thiệu về những nội dung cơ bản trong Luật Phòng, chống rửa tiền và Nghị định, Thông tư hướng dẫn về công tác phòng chống rửa tiền nói chung và những quy định pháp luật chính yếu về công tác phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán. Nội dung cụ thể là quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền; cơ chế phòng chống rửa tiền tại Việt Nam; nghĩa vụ của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ trong việc chấp hành quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử phạt đối với công tác phòng chống rửa tiền.

Bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, tháng 2/2014, Hội nghị toàn thể Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thiếu hụt nghiêm trọng cơ chế về phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Do đó, Việt Nam sẽ không còn là đối tượng giám sát của FATF theo quy trình giám sát liên tục về tính tuân thủ toàn cầu, về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Đây là một thành công lớn ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống rửa tiền, đặc biệt là trong việc xây dựng thiết lập được khung pháp lý và cơ chế quản lý.

Hiện tại, Việt Nam đã xây dựng và đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền nói chung và trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng. Ngày 18/6/2012, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013). Ngày 4/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 10/10/2013) quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Phòng chống rửa tiền. Trong Luật và Nghị định có những quy định mới về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán mà các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, thành viên lưu ký phải tuân thủ.

“Dựa trên Luật phòng, chống rửa tiền và Nghị định hướng dẫn nêu trên, Bộ Tài chính đang nghiên cứ để ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 148/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi có thưởng. Việc ra đời các Luật, Nghị định và Thông tư nêu trên sẽ tạo hành lang pháp lý hướng dẫn các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền”, bà Hoa nhấn mạnh.