Sắp đến thời bơm tiền: Rủ nhau vợt cổ phiếu

Theo VEF

Các quyết định hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bắt đầu thực thi, nhiều đề xuất nới lỏng các chính sách để ưu tiên tăng trưởng, nới lỏng các chính sách đề nền kinh tế tránh khỏi nguy cơ đình trệ đã mang lại sự cảm nhận tích cực cho thị trường chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng về một giai đoạn bơm tiền, kích thích kinh tế nên hào hứng săn cổ phiếu đầu tư.

Sắp đến thời bơm tiền: Rủ nhau vợt cổ phiếu
TTCK tăng là điều dễ hiểu trong bối cảnh các kênh đầu tư khác vẫn còn u ám. Nguồn: Internet
Tiền vào, cổ tăng

Phiên tăng mạnh ngày 27/5 khiến khá nhiều nhà đầu tư e ngại thị trường sẽ có phiên điều chỉnh. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh dòng tiền vẫn còn mạnh. Thị trường chứng khoán (TTCK) giảm nhẹ trong buổi sáng 28/5 nhưng đã quay đầu tăng khá mạnh về cuối phiên.

Dòng tiền đang chảy mạnh trên hai sàn chứng khoán.Giá trị giao dịch trên hai sàn tiếp tục đạt gần 2.000 tỷ đồng trong ngày 28 và tăng lên trong ngày 29/5 đạt 2.500 tỷ đồng. Đây là một con số mơ ước nếu so với tình hình giao dịch gần đây.

Điểm mà nhiều nhà đầu tư tâm đắc nhất trong phiên giao dịch sáng 28/5 là thị trường đã có một phiên vượt thác ghềnh ngoạn mục. Sức bán chốt lời mạnh mẽ vào đầu giờ sáng đã bị hấp thụ hết bởi lực cầu mạnh mẽ. Hơn thế, việc VN-Index trụ được trên ngưỡng 510 điểm tạo ra tâm lý thoải mái cho nhiều người.

Trên TTCK vài ngày qua, nhiều cổ phiếu bất động sản (BĐS), cổ phiếu thép tăng khá mạnh sau một thời gian dài rớt giá thê thảm. Nhiều cổ phiếu được chất lệnh mua lên tới hàng triệu đơn vị. Hiện tượng này cũng dễ hiểu bởi, doanh nghiệp BĐS có lẽ là nhóm nợ nhiều nhất và sẽ được hưởng lợi nhất khi Thông tư 02 được hoãn một năm. Doanh nghiệp có thể sẽ không bị mang tài sản thế chấp ra bán, có thêm thời gian để vượt qua khó khăn....

Trước đó, TTCK cũng đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, đến khá dồn dập. Nhiều tín hiệu không hẳn còn giá trị như mong đợi của giới đầu tư trước đây nhưng cũng đủ góp phần làm tăng niềm tin rằng dòng tiền sẽ chảy vào kênh đầu tư gặp sóng gió bấy lâu này.

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế mà nhiều người nhìn thấy đó là lãi suất (cả huy động và cho vay) đang giảm khá ấn tượng. Lãi huy động về 6%/năm, trong khi cho vay cũng đã xuống khoảng 15% và nhiều khả năng mặt bằng chung sẽ về 13%/năm trong thời gian tới. Lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ cũng có xu hướng giảm trên diện rộng.

Tín dụng đã có dấu hiệu tăng lên (+2,29% trong 5 tháng đầu năm); tồn kho giảm nhẹ (so cùng kỳ); nhập siêu tăng lên... cho thấy nền kinh tế đang chuyển biến theo hướng tích cực cho dù tốc độ còn chậm.

Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho BĐS sắp được triển khai có thể khai thông một góc nhỏ trên thị trường BĐS; việc công ty mua bán nợ quốc gia sắp hoạt động... cũng cho thấy những bước tiến cho dù hiệu quả chưa biết sẽ như thế nào?

Điểm hồi phục?

TTCK đón đầu tăng có lẽ cũng là điều dễ hiểu, đặc biệt trong bối cảnh các kênh đầu tư khác vẫn còn u ám, như vàng khó có khả năng tăng; tỷ giá khá ổn định; lãi suất khá thấp và có thể còn thấp nữa; BĐS cần thời gian dài để tạo ra sự cân bằng giữa cung-cầu, giá...

Dòng tiền vào chứng khoán khá rõ ràng, thể hiện trên cả thực tế giao dịch gần đây, lẫn xu hướng mang tiền vào của các nhà đầu tư ngoại và cả lý thuyết cũng cho thấy điều này.

Phiên giao dịch ngày 28/5 càng cho thấy sức mạnh của dòng tiền đang vào TTCK. Áp lực chốt lời khi VN-Index vượt lên trên 500 điểm đã không đủ để kéo thị trường đi xuống cho dù trên diện rộng nhiều người vẫn lo ngại điều này.

Rất nhiều nhà đầu tư cho rằng, trong bối cảnh này với tin tốt ra ồ ạt, chốt lời cũng là cần thiết nhưng những đợt điều chỉnh là cơ hội để mua những cổ phiếu có các chỉ số tốt, chưa tăng nhiều. Sự phân hóa giữa các mã gần đây cũng đang phản ánh xu hướng này.

Với nhiều người, kinh tế có thể thoát đáy và không mua lúc này không còn cơ hội nào lớn hơn nữa.

Ở chiều ngược lại, không ít nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng. Theo đó, quyết định hoãn Thông tư 02 phản ánh một thực tế bi đát về nợ xấu, cho thấy tình hình nợ xấu trầm trọng tới mức nào.

Theo một số chuyên gia, nếu áp dụng Thông tư 02, nợ xấu của hệ thống có thể tăng vọt. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của nhiều ngân hàng có thể tăng vài lần, có thể lên tới vài chục phần trăm so với dư nợ.

Rủi ro, do vậy, vẫn còn đó! Với tình hình thị trường BĐS trầm lắng như hiện nay, sản phẩm ở các lĩnh vực tiêu thụ chậm, tồn kho vẫn cao, sức cầu trong nước rất thấp, thì khả năng phục hồi của các doanh nghiệp sẽ thấp.

Điều mà nhiều người lo ngại là, sang năm số nợ xấu có thể sẽ phình to hơn bởi không ít doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng không thể trả được nợ. Nhiều doanh nghiệp đã chết và ngân hàng không thể giúp sống lại được.

Việc hoãn Thông tư 02 những vẫn yêu cầu các ngân hàng phân loại để giám sát là một cách làm khá linh hoạt trong tình hình hiện tại. Tuy nhiên, nợ xấu không thể chỉ giải quyết ở phía ngân hàng. Ngân hàng mang nợ xấu chuyển sang cho công ty mua bán nợ quốc gia VAMC mà con nợ của ngân hàng - các doanh nghiệp không có chuyển biến thì nợ xấu vẫn là nợ xấu.

Với nhiều người chơi chứng khoán, tốt xấu có lẽ chỉ là vấn đề có sóng hay không có sóng. Tình hình chung xấu cũng không phải vấn đề quá lớn, TTCK tốt được ngày nào thì tranh thủ ngày đó.

Trên thực tế, thị trường vẫn có nhiều cổ phiếu tốt, có nhiều doanh nghiệp vượt qua được khó khăn trong thời gian qua. Cơ hội tăng cho những cổ phiếu này vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, cùng với sự phấn khích chung, nhiều cổ phiếu sẽ ăn theo sóng của thị trường. Lúc thị trường hồi hởi phấn khởi cũng là lúc bước vào giai đoạn đòi hỏi thận trọng trước những rủi ro.