Sau 7 tháng, giá USD giảm 1,02%

Theo tapchithue.com.vn

Trong thành tích chung của việc điều hành chính sách tài chính - tiền tệ 7 tháng đầu năm, một kết quả nổi bật là giá USD tháng 7/2016 so với tháng 12/2015 giảm 1,02%- ngược với chiều hướng của cùng kỳ năm trước (tăng 2,01%). Đạt được kết quả này do nhiều nguyên nhân.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Có nguyên nhân do lượng ngoại tệ vào Việt Nam tăng và đạt quy mô khá (FDI 7 tháng đạt 8,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, chi tiêu của khách quốc tế 7 tháng ước đạt 4,84 tỷ USD, tăng 24%); trong khi chuyển từ nhập siêu (3914 triệu USD) trong cùng kỳ năm trước sang xuất siêu trong kỳ này (1978 triệu USD).

Có nguyên nhân do Ngân hàng Nhà nước có nhiều biện pháp điều hành chủ động, linh hoạt (điều hành kép vượt trước ngăn chặn vào tháng 8/2015, điều hành tỷ giá thông qua tỷ giá trung tâm, ổn định lãi suất).

Một kết quả nổi bật khác là, dự trữ ngoại tệ của quốc gia được cải thiện. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, đến cuối năm 2015, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm mạnh xuống còn 27,9 tỷ USD; đến giữa tháng 6/2016 đạt khoảng 38 tỷ USD (chưa kể vàng).

Khi Brexit xảy ra, Ngân hàng Nhà nước tạm dừng mua vào ngoại tệ, nhưng sau đó đã tiếp tục mua vào ngoại tệ (ước khoảng 500 triệu USD)- một sự kiện khác biệt đáng quan tâm, đưa dự trữ ngoại hối đạt quy mô 12 tuần nhập khẩu- ranh giới an toàn tài chính quốc gia.

Đây là yếu tố giúp Việt Nam chủ động hơn trong việc ứng phó với những tình huống biến động bất lợi, góp phần để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, các nhà đầu tư quốc tế nhìn vào khi đánh giá về Việt Nam. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu khá đều để hút bớt tiền về, điều hòa dòng vốn trong hệ thống để hạn chế tác động bất lợi đối với lạm phát và thực hiện mục tiêu ổn định tỷ giá.

Bên cạnh những kết quả tích cực, về tiền tệ- tín dụng vẫn còn không ít những vấn đề đật ra. Nổi cộm nhất, tuy tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng thương mại đã giảm xuống ở mức dưới 3%, nhưng việc xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn. Một lượng không nhỏ nợ xấu đã được Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mua vào (241 nghìn tỷ đồng), nhưng mới xử lý được ở mức thấp (32,4 nghìn tỷ đồng, bằng 13,4% số đã mua).

Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong tổ chức tín dụng tuy có tính lịch sử và cũng đã thuyên giảm trong thời gian qua, nhưng đây là vấn đề làm gia tăng rủi ro hệ thống, tạo điều kiện cho các hành vi chuyển vốn lòng vòng, tăng vốn điều lệ không thực chất. Đây cũng là vật cản trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng; mặc dù siết chặt sở hữu chéo cần có lộ trình, nhưng cần kiên quyết, càng để lâu càng khó xử lý.

Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại cho các lĩnh vực ưu tiên trước sức ép tăng trưởng đã giảm nhẹ. Đây là một cố gắng lớn trong điều kiện lạm phát cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Tuy nhiên, so với tỷ suất sinh lời trước thuế của người sản xuất kinh doanh vẫn còn cao, làm cho hiệu quả và sức cạnh tranh của Việt Nam thấp so với các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Do vậy, khi mở cửa, hội nhập sâu rộng hơn, yếu tố này nếu không được khắc phục quyết liệt thì Việt Nam dễ trở thành nơi “xuất khẩu hộ”, “tiêu dùng giùm” nhà đầu tư nước ngoài.