Sau M&A, nhiều ngân hàng còn đầy ắp room ngoại

Theo Thùy Vinh/baodautu.vn

Sau mua bán, sáp nhập (M&A), hầu hết các ngân hàng vẫn bỏ ngỏ room đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều ngân hàng cho biết, sẽ tính đến việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi hoàn tất quá trình tái cấu trúc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bỏ ngỏ... room ngoại

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh ngân hàng đang tái khởi sắc, thúc đẩy làn sóng lên sàn và giá cổ phiếu ngân hàng dần lấy lại thời hoàng kim…, câu chuyện room ngoại tại các ngân hàng đang được nhà đầu tư quan tâm, nhất là đối với các tập đoàn tài chính nước ngoài.

Trong số các ngân hàng còn nguyên room ngoại, phải kể đến các nhà băng đã tiến hành M&A như SCB, Sacombank, SHB, Maritime Bank…  

Tại SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc cho hay, sau quá trình tái cơ cấu, tình hình tài chính của Ngân hàng được cải thiện rõ nét khi đẩy mạnh xử lý nợ xấu, làm sạch bản cân đối kế toán.

Tuy lợi nhuận trước mắt phải dành để trích dự phòng rủi ro, song SCB đã tích tụ tài chính tốt sau quá trình tái cơ cấu trong thời kỳ hậu sáp nhập.

Quỹ dự phòng của SCB đã đạt gần 7.000 tỷ đồng. SCB sẽ tính đến việc bán cổ phần sau kết thúc giai đoạn tái cấu trúc vào cuối năm 2019.

Trước khi về chung nhà với Sacombank, Southern Bank đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là UOB (United Overseas Bank) nắm giữ 20% cổ phần.

Còn Sacombank đã có cổ đông chiến lược là Tập đoàn ANZ nắm giữ gần 10% cổ phần, nhưng ANZ đã chuyển nhượng khoản đầu tư này cho nhóm cổ đông lớn Sacombank vào đầu năm 2012.

Sau M&A vào cuối năm 2016, đến nay Sacombank vẫn chưa thể gọi vốn ngoại vì phải xử lý những tồn đọng trong thời kỳ hậu M&A.

Tương tự, SHB và Maritime Bank, sau sáp nhập thêm Habubank và MekongBank, hiện còn nguyên room ngoại. Trước khi về chung nhà với Maritime Bank, MekongBank đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn Fullerton Financials Holding (FFH), nhưng đã sớm chia tay ngay trước khi thương vụ M&A diễn ra.

Sẽ hút vốn ngoại khi kết thúc tái cơ cấu

Các nhà băng trên cho biết, sẽ thu hút vốn ngoại sau khi kết thúc quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu trong thời kỳ hậu M&A và khi sức khỏe của ngân hàng được cải thiện, thì việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ tốt hơn so với hiện nay. 

Ông Võ Tấn Hoàng Văn cho hay, SCB đang thương thảo, đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài để bán hơn 50% vốn điều lệ. Ngân hàng này đã được chấp thuận về cơ bản việc bán hơn 50% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng muốn tìm đối tác phù hợp với chiến lược phát triển của mình.

Về phần mình, HĐQT Ngân hàng SHB mong muốn đối tác chiến lược nước ngoài phải là những tổ chức kinh tế có nhu cầu đầu tư lâu dài, có chiến lược quản trị, điều hành rõ nét, cùng tham gia quản trị điều hành, hỗ trợ về công nghệ, khách hàng để đảm bảo Ngân hàng phát triển ổn định và bền vững.

Ngân hàng sẽ hợp tác với các tập đoàn tài chính và các quỹ đầu tư nước ngoài để thúc đẩy mũi nhọn bán lẻ, khai thác các nguồn vốn, đầu tư cho các dự án, doanh nghiệp Việt Nam. “Chiến lược này sẽ tạo tiền đề để SHB bứt phá trong năm 2018 và các năm tiếp theo, giúp tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận”, lãnh đạo SHB nói.

Trong khi đó, sau khi bán hơn 21% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cuối năm 2017, thu về trên 300 triệu USD, HDBank cho biết sẽ nới thêm room ngoại sau sáp nhập thêm PG Bank (dự kiến kết thúc vào tháng 8/2018 tới đây).

Sau 6 tháng lên sàn, giá trị cổ phiếu HDBank tăng đáng kể, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng với tỷ lệ gia tăng thêm tới 6%. Việc hé thêm room ngoại sau sáp nhập PG Bank sẽ tiếp tục làm tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu HDBank.  

Theo TS. Lê Anh Tuấn, Kinh tế trưởng Giám đốc Khối Nghiên cứu Tập đoàn Dragon Capital, sở dĩ các nhà đầu tư quan tâm rót vốn vào ngân hàng, vì đây là ngành huyết mạch của nền kinh tế, hoạt động ngân hàng đang vào chu kỳ phục hồi…

Việc nới room trong ngành ngân hàng có sự kiểm soát của Chính phủ, nên cũng không đáng lo ngại việc nhà đầu tư ngoại có thể chi phối hoàn toàn lĩnh vực này.