Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 12 năm trưởng thành và phát triển. Đây là chặng đường quan trọng, ghi dấu nhiều thay đổi tích cực, hướng đến sự hoàn thiện với những cải cách ngày càng tốt hơn. Từ năm 2010 đến nay, cùng với sự biến động của kinh tế vĩ mô Việt Nam, thị trường chứng khoán cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Theo chúng tôi, sự khó khăn của thị trường chứng khoán lúc này là cơ hội để sàng lọc, loại ra những công ty yếu kém, sàng lọc những nhà đầu tư ngắn hạn, lướt sóng gây ra tình trạng biến đổi tiêu cực cho thị trường.

Trong khó khăn chung của suy thoái kinh tế thế giới, nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt với khủng hoảng toàn cầu và những khó khăn ở đất nước họ. Cùng lúc, nhà đầu tư nước ngoài cũng có được nhiều lựa chọn để đầu tư ở các thị trường khác nhau, những nơi hấp dẫn hơn Việt Nam. Bên cạnh đó, việc bị hạn chế 49% tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng làm hạn chế đầu tư của họ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, khiến dòng vốn FII chảy vào Việt Nam thời gian qua suy giảm.

Để thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại thị trường, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đối với các doanh nghiệp đại chúng, cơ quan quản lý cần có sự giám sát chặt chẽ hơn trong các vấn đề như: báo cáo tài chính đúng hẹn và minh bạch, thành viên hội đồng quản trị độc lập có tỷ lệ lớn và phải có nhiều kinh nghiệm chiến lược hay quản trị kinh doanh, giao dịch chứng khoán của cổ đông nội bộ.

Với những sai phạm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phải xử lý nặng. Đồng thời, chúng tôi cũng đề xuất rằng các cơ quan chức năng cần tính đến việc mở rộng room 49% cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng sử dụng hiệu quả phần “golden shares”. Ví dụ, nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tới 75% nhưng 25% “golden shares” được quyền quyết định những vấn đề chiến lược và quan trọng đối với công ty. Nhiều nước khác khi cổ phần hoá đã sử dụng phương pháp này.

Với những khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam, việc dự đoán về tình hình thị trường trong ngắn hạn là rất khó vì những vấn đề ảnh hưởng từ châu Âu, Trung Quốc, sự ổn định về vĩ mô và ngân hàng ở Việt Nam vẫn là những ẩn số cần thời gian để có lời giải hữu hiệu.

Tuy nhiên, khi trao đổi với nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy họ có một tầm nhìn tốt về sự phát triển lâu dài của thị trường chứng khoán.

Cũng như các quỹ chứng khoán và bất động sản khác, SAM đang gặp những vấn đề thách thức lớn do thị trường suy giảm, nhiều khoản đầu tư của quỹ không được sinh lời như mong muốn. Hai quỹ VPH và VEH của chúng tôi đã giải ngân hơn 200 triệu USD vào 40 công ty và dự án. Gần đây, chúng tôi đang rút dần vốn khỏi các công ty làm ăn không hiệu quả và chuyển sang các công ty có hiệu quả hơn.

Ngoài lĩnh vực đầu tư về chứng khoán và bất động sản, SAM hướng đến đầu tư vào ngành năng lượng, nông nghiệp, thực phẩm và tiêu dùng. SAM tin tưởng sẽ còn nhiều lĩnh vực đầu tư sinh lời tốt nếu lựa chọn lĩnh vực và doanh nghiệp đầu tư kỹ càng.

Bài đăng trên Đặc san Kinh tế - Tài chính Việt Nam

Sẽ có “làn sóng thần” đầu tư thứ hai đến Việt Nam

Louis Nguyễn -Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Saigon Asset Management

(Tài chính) Một cổ đông rất lớn của Saigon Asset Manage­ment (SAM) đã xác định là trong vòng 3 năm nữa “làn sóng thần” đầu tư thứ 2 sẽ đến Việt Nam và chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ xảy ra khi công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đem lại những hiệu quả tích cực, rõ ràng.

Xem thêm

Video nổi bật